TP.HCM lập đoàn giám sát chống xâm hại trẻ em

Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM vừa có quyết định thành lập đoàn giám sát tình hình triển khai thực hiện Luật trẻ em – công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP.
Thành viên đoàn giám sát gồm có 20 người, trưởng đoàn là Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM.

ĐB Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM -  Ảnh: HOÀNG GIANG

Từ ngày 16 đến 26-4, đoàn sẽ triển khai giám sát. Nội dung giám sát gồm: tình hình triển khai thực hiện công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP; thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn TP; công tác phòng ngừa tội phạm, phát hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; công tác tuyên truyền...

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 13 HĐND TP, hôm qua 8-4, bà Thi Thị Tuyết Nhung cho biết năm 2018 có những vụ việc trẻ em bị xâm hại nhưng chứng cứ để buộc tội yếu, không đủ cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng xử lý khiến dư luận bức xúc, hoài nghi.

“Có những vụ báo chí đưa tin, chúng ta tưởng chừng như đã có đầy đủ chứng cứ, hành vi vi phạm đã rõ. Thế nhưng, đến giai đoạn điều tra thì chứng cứ rất yếu. Vì vậy, Ban Văn hóa - Xã hội tổ chức giám sát các đơn vị trong việc triển khai Luật Trẻ em để biết được những kết quả, thuận lợi, khó khăn và kiến nghị để thực hiện Luật Trẻ em tốt hơn” - bà Nhung nói.
Theo bà Nhung, HĐND TP sẽ có tiếng nói để các cơ quan chức năng, các tổ chức, hội đoàn trong việc tuyên truyền cho người dân để thực hiện tốt Luật Trẻ em hơn. Đồng thời, qua giám sát sẽ thấy những bất cập để đề xuất, kiến nghị giải quyết nhằm bảo vệ trẻ em tốt hơn.
Về tình trạng trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua, bà Nhung nhận định hầu hết trẻ bị xâm hại rơi vào trường hợp cha mẹ thiếu quan tâm, mất cảnh giác.
“Nhiều phụ huynh cứ nghĩ người quen, người thân nên chủ quan. Thực tế, nhiều trẻ bị chính những người thân quen đó xâm hại. Vì vậy, phụ huynh phải đặc biệt quan tâm đến con, đừng để con ở nhà một mình hoặc đi một mình nơi công cộng, chơi ở những vị trí không an toàn. Trẻ em lúc nào cũng cần phải được người lớn giám sát” – bà Nhung nói.
Ngoài ra, theo bà Nhung, để bảo vệ trẻ em thì luật đã có, các quy định hướng dẫn cũng đã có, cái cần làm chính là sự vào cuộc đồng bộ hơn của các cơ quan hữu quan. Đặc biệt, cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc ngay khi xảy ra vụ việc để bảo vệ người bị hại, bảo vệ chứng cứ nhằm đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em.
Bà Phan Thị Hồng Xuân, đại biểu HĐND TP.HCM, cũng cho rằng để hạn chế việc xâm hại trẻ em, ngoài việc phải trang bị camera an ninh, cần có sự quan tâm của phụ huynh đối với con em mình.
“Cần tuyên truyền về nếp sống văn minh, các quy định pháp luật cho người dân biết; pháp luật cần chế tài nghiêm khắc, mạnh hơn đối với hành vi xâm hại trẻ em” – bà Xuân nói.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê trả lời báo chí chiều 8-4 -  Ảnh: VIỆT HOA

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, cũng cho biết Đoàn ĐBQH TP đã có kế hoạch giám sát về luật bảo vệ trẻ em và vụ việc tại quận 4. Đoàn ĐBQH TP cũng có văn bản gửi đến Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.

“Đoàn đánh giá, đây không chỉ là một vụ việc cá biệt mà xảy ra trong bối cảnh thời gian qua có rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em” – ông Khuê nói.
Theo ông Khuê, trải qua ba kỳ họp Quốc hội, các ĐQBH cũng lên tiếng rất mạnh mẽ về nạn xâm hại tình dục trẻ em. Ông Khuê cho rằng “rất đáng báo động” vì cho thấy trong quá trình thực thi pháp luật còn nhiều chỗ chưa xem kỹ tính pháp lý.
“Do vậy, chúng tôi sẽ kiến nghị Quốc hội cần có tiếng nói chung, không chỉ riêng vụ việc của em bé ở quận 4 mà cho tất cả trẻ em trên cả nước” - ông Khuê nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua tại TP.HCM, vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh (nguyên Viện phó VKSND Đà Nẵng) xâm phạm thân thể bé gái trong thang máy ở quận 4 khiến nhiều người bức xúc.
Video trích xuất từ camera thang máy dài 58 giây thể hiện 21 giờ ngày 1-4, bé gái 7 tuổi cầm túi nylon bước vào. Tiếp đó là ông Linh trong trang phục tối màu, vừa đi vừa bấm điện thoại. Nhân viên bảo vệ chung cư đi sau, quẹt thẻ từ bấm tầng cho bé gái rồi bước ra ngay.
Ngay khi cửa thang máy đóng lại, ông Linh buông điện thoại, ôm ghì bé gái. Cô bé tỏ vẻ sợ sệt. Khi bé gái bước đến gần cửa thang máy, ông Linh lần thứ hai ghì cổ bé gái kéo lại. Lúc này cửa thang máy mở, cô bé bỏ chạy suýt ngã.
Phát hiện sự việc, sáng ngày 2-4, Ban quản lý chung cư Galaxy mời ông Linh xuống làm việc, ông này thừa nhận “thấy bé dễ thương nên ôm và hôn cháu”. Biên bản nội dung buổi làm việc đã được ông Linh ký tên.
Ngày 5-4, trong công văn gửi Công an và VKSND quận 4, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM kiến nghị các cơ quan tố tụng khởi tố vụ án, điều tra ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi “ôm hôn, sờ soạng” bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9.
Theo Hội bảo vệ trẻ em, hành vi của ông Linh là có dấu hiệu của tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 146 BLHS 2015.
Hiện nay công an quận 4 chưa khởi tố vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy