TP.HCM lên kế hoạch thu gom, xử lý rác đạt tiêu chuẩn

Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1658 duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2050, tỉ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đạt 100%.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn hữu cơ và chất thải có thể tái chế; 100% đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước, xóa bỏ tình trạng ngập úng tại đô thị; 100% nước thải được xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Thực hiện phân loại rác tại nguồn

Triển khai theo nghị quyết của Chính phủ, TP.HCM đã đưa ra nhiều mục tiêu cũng như giải pháp để thực hiện công tác thu gom, xử lý rác đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.

Cụ thể, trong năm 2021, TP đưa ra mục tiêu 100% lực lượng thu gom rác dân lập được chuyển đổi thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; 100% hộ dân đăng ký thu gom rác tại khu vực có tuyến thu gom. Riêng các địa bàn chưa có tuyến thu gom, 100% hộ dân thực hiện xử lý rác thải hợp vệ sinh tại hộ gia đình.

TP.HCM triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom rác.
Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Để thực hiện những mục tiêu đặt ra, TP.HCM tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; bổ sung vốn cho Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ thực hiện nội dung này.

Đồng thời, TP sẽ triển khai có hiệu quả, đồng bộ việc tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định hiện hành. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành hai nhóm gồm: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại.

TP.HCM cũng phấn đấu để đảm bảo các công trình, trang thiết bị, phương tiện thùng rác công cộng, điểm tập kết, quét dọn, thu gom, vận chuyển, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, TP sẽ tiếp tục chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn. Từ đó, TP đảm bảo tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%.

Các địa phương đồng lòng thực hiện

Theo UBND quận Gò Vấp (TP.HCM), thời gian qua quận đã tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập và việc chuẩn hóa phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

“Để hỗ trợ các tổ chức, đơn vị thu gom rác chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn quận vay vốn từ Qũy bảo vệ môi trường, UBND quận có Công văn 36/TNMT ngày 19-1-2021 về việc hỗ trợ tài chính để chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Quận đã gửi UBND 16 phường và các tổ chức đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận để triển khai, thực hiện” - đại diện UBND quận Gò Vấp cho biết.

Theo UBND quận Tân Phú (TP.HCM), quận đã chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn UBND 11 phường tiếp tục tăng cường thực hiện công tác tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập. Đồng thời, quận cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động và phương tiện thu gom rác; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định của TP, sở, ngành liên quan, nhất là các văn bản liên quan đến Chương trình hỗ trợ tài chính của Quỹ bảo vệ môi trường. Hiện còn ba hộ vệ sinh dân lập, 32 phương tiện thu gom rác chưa đạt chuẩn (lực lượng thu gom rác dân lập có trụ sở trú đóng, nơi ở, cư ngụ trên địa bàn quận Tân Phú).

Đối với lực lượng thu gom rác dân lập có trụ sở trú đóng, nơi ở/cư ngụ ngoài địa bàn quận Tân Phú, quận sẽ chỉ đạo Phòng TN&MT và UBND 11 phường tiếp tục tham gia, phối hợp theo đề nghị của các địa phương trong công tác vận động chuyển đổi mô hình hoạt động, chuyển đổi phương tiện đạt chuẩn theo quy định của TP.

Ngoài ra, quận cũng đã hướng dẫn người dân cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành hai loại. Theo đó, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã từng bước đi vào cuộc sống, người dân đã từng bước nhận thức được việc giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là việc phải làm, phù hợp với xu thế phát triển và quy định pháp luật.•

Dùng camera để xử lý vi phạm vệ sinh môi trường

UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý nhà nước, triển khai nghiêm túc và hiệu quả các công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm cửa xả, hầm ga thoát nước, lấp bít miệng thu nước.

Đồng thời, TP đề nghị các cơ quan, đơn vị cần triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất camera thực hiện xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường theo các quy định hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục duy trì, triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường nhanh chóng, kịp thời.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm