TP.HCM lên lộ trình tiêm vaccine đến cuối năm

Theo ước tính, đã có khoảng 83% người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn TP.HCM được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Bốn giai đoạn chặt chẽ với hơn 8,1 triệu liều vaccine

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 và đề ra lộ trình tiêm vaccine gồm ba giai đoạn đến cuối năm 2021.

Theo kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đến cuối năm 2021 ở TP.HCM, đối tượng tiêm vaccine là toàn bộ người dân trên địa bàn TP trong độ tuổi quy định có chỉ định sử dụng vaccine. Trong đó ưu tiên tiêm vaccine cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền, thai phụ từ 13 tuần trở lên và bà mẹ đang cho con bú, lực lượng tuyến đầu chống dịch (những người chưa tiêm), lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (nhà đầu tư, doanh nghiệp, công nhân trong và ngoài các khu công nghiệp, người lao động thuộc nhóm cung cấp dịch vụ và hàng hóa thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông).

Theo thống kê, từ ngày 8-3 đến hết 27-8, TP đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được 5.806.990 mũi tiêm, trong đó có 273.767 mũi 2. Ngoài ra, các đơn vị thuộc trung ương đóng trên địa bàn TP được Bộ Y tế phân bổ khoảng 500.000 liều vaccine.

Giai đoạn 1, từ ngày 29-8 đến 15-9, TP sẽ tổ chức tiêm 2.769.000 liều. Trong đó, tiếp tục tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người, đạt tỉ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1. Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine với khoảng 2.089.000 người.

Giai đoạn 2, từ ngày 16 đến 30-9, bao phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người). Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine (khoảng 656.900 người). Tổng số lượng vaccine cần sử dụng cho giai đoạn 2 là 1.376.900 liều.

Giai đoạn 3 sẽ được thực hiện từ ngày 1 đến 15-10, tiêm nhắc mũi 2 cho 2.600.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer.

Giai đoạn 4 sẽ được thực hiện từ ngày 16-10 đến 31-12, tiêm nhắc mũi 2 cho 1.400.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo loại vaccine phù hợp (trong giai đoạn từ ngày 29-8 đến 30-9).

Tổng cộng số lượng vaccine cần sử dụng từ ngày 29-8 đến 31-12 là khoảng 8.145.900 liều (trong đó, sử dụng cho mũi 1 khoảng 1.400.000 liều, sử dụng cho mũi 2 khoảng 6.745.900 liều).

UBND TP đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Thủ Đức và các quận, huyện duy trì và vận hành tốt các điểm tiêm trong và ngoài cơ sở y tế. Tổ chức các hình thức tiêm lưu động để tăng khả năng tiếp cận vaccine phòng COVID-19 cho người dân nhưng phải đảm bảo yêu cầu giãn cách và an toàn phòng chống dịch như: Các xe tiêm lưu động, các điểm tiêm riêng cho khu chung cư hoặc khu nhà trọ đông người, các tổ tiêm tại nhà... Cùng với đó là kết hợp với đội thực hiện xét nghiệm nhanh tầm soát cộng đồng để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân sau khi có kết quả âm tính. Tổ chức tiêm vaccine mũi 2 ngay khi có nguồn vaccine phù hợp quy định của Bộ Y tế và nhà sản xuất.

Tiêm vaccine cho người vô gia cư tại TP.HCM. Ảnh: MINH TÂM 

Điều trị, cấp phát thuốc cho hơn 85.000 F0 tại nhà

Theo số liệu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cung cấp, tính đến sáng 30-8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà trên địa bàn TP.HCM là 85.298 người, trong đó 60.581 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 24.717 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi.

Công tác quản lý điều trị, nhất là phát thuốc điều trị cho các F0 tại nhà và điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới đang được TP tích cực triển khai. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc cung cấp thuốc cho F0 đang thiếu.

Theo báo cáo từ quận Phú Nhuận, đến ngày 30-8, trên địa bàn quận có 757 F0 theo dõi, điều trị tại nhà; 100% F0 đã được cấp gói thuốc điều trị theo danh mục thuốc quy định.

Tại quận Tân Phú, đại diện lãnh đạo quận cho biết có 11 trạm y tế lưu động luôn sẵn sàng ứng trực cấp cứu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như các trường hợp F0 theo dõi, điều trị tại nhà. Việc cấp thuốc cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà trên địa bàn quận được quản lý chặt chẽ bởi các trạm y tế lưu động. Hiện số thuốc cấp phát còn ít, tồn nhiều do nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện để được cấp.

Liên quan vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã chỉ đạo các trung tâm y tế quận, huyện khi nhận được các túi thuốc cho F0 phân bổ xuống thì phát ngay cho các trạm y tế lưu động để đưa đến các F0 nhanh nhất. Cần ưu tiên phát túi thuốc ngay cho F0 mà không cần phải chờ tới sau khi cập nhật ca của họ lên phần mềm.

Bên cạnh cấp thuốc điều trị tận nhà, TP.HCM đã xây dựng hệ thống trạm y tế lưu động tại các phường, xã, quận, huyện, TP Thủ Đức. Chỉ sau vài ngày thực hiện, hơn 400 trạm đã được hình thành. Trạm y tế cơ hữu và trạm y tế lưu động có sự phối hợp để cùng vận hành, chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho F0 trong cộng đồng.

Đề xuất tiêm vaccine cho 642.000 học sinh TP.HCM

Trước diễn biến phức tạp của dịch, nhằm đảm bảo cho học sinh TP được an toàn, an tâm trong việc học, được sớm trở lại học tập và rèn luyện trực tiếp tại các trường, Sở GD&ĐT đề nghị UBND TP.HCM có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine mũi 1 và mũi 2 cho đối tượng học sinh từ 12 đến 18 tuổi với nguồn vaccine cho phép trong độ tuổi này trước khi kết thúc học kỳ 1.

Điều này sẽ tạo điều kiện để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp khi bắt đầu học kỳ 2 năm học 2021-2022. Số lượng đề xuất tiêm vaccine là 642.459 học sinh, học viên. NGUYỄN QUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm