TP.HCM: Năm 2020, nỗ lực đạt tăng trưởng 5%

Sáng 23-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm và các giải pháp sáu tháng cuối năm 2020.

Cắt giảm chi không cần thiết, nuôi dưỡng nguồn thu

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%). Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên nhiều ngành có xu hướng giảm, trong đó có các ngành dịch vụ như lưu trú, lữ hành.

Tuy nhiên, nền kinh tế TP vẫn có những điểm sáng như chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm ước tăng 1,8% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư công đã giải ngân đạt gần 14.300 tỉ đồng, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỉ lệ giải ngân so với cùng kỳ...

Về thu chi ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính TP Phạm Thị Hồng Hà cho biết số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sáu tháng đầu năm là 164.500 tỉ đồng, đạt 40,5% so với dự toán (gần 87% so với cùng kỳ).

“Công tác điều hành ngân sách sáu tháng cuối năm là vấn đề hết sức khó khăn” - bà Hà nói. Theo bà Hà, để thực hiện đảm bảo nhiệm vụ chi, tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu, TP.HCM cần tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất, kích cầu. Cùng đó là triển khai các chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa để tạo nguồn thu cho ngân sách TP.

Đồng thời, TP cần đẩy mạnh công tác sắp xếp nhà, đất do TP quản lý. Đối với những nhà, đất đã phê duyệt phương án đấu giá, TP sẽ đẩy mạnh việc đấu giá để tạo nguồn thu cho TP. “TP cũng cần đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết để dành nguồn chi đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết. Cùng đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư nhằm kích thích sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội” - bà Hà nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cấp, các ngành, mỗi cán bộ phải nỗ lực làm hết sức để đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2020. Ảnh: TÁ LÂM

Hỗ trợ DN tối đa, giải ngân mạnh vốn đầu tư công

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng do dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến kinh tế của TP, hậu quả là tốc độ tăng trưởng bình quân của TP luôn trên 8% thì sáu tháng đầu năm chỉ còn lại khoảng 2%.

Từ đó, người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện bằng mọi giải pháp phải tập trung quyết liệt để đạt được mức tăng trưởng cao nhất theo kịch bản mà Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM đưa ra là 5% vào cuối năm nay.

“Chúng ta không kỳ vọng duy trì được tốc độ tăng trưởng như dự kiến ban đầu là 8,3%-8,5%” - ông Phong nói và cho biết TP sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa chống dịch COVID-19 vừa duy trì các giải pháp phục hồi kinh tế.

Về các nhiệm vụ những tháng cuối năm, ông Phong yêu cầu tổ công tác hỗ trợ DN phải duy trì và đề xuất các giải pháp theo từng tháng, từng quý. Đặc biệt phải dự báo cho được việc cắt giảm đơn hàng như hiện nay thì có bao nhiêu DN ngừng hoạt động, bao nhiêu người lao động mất việc làm. Từ đó có những giải pháp hỗ trợ.

Phải nỗ lực làm hết sức mình!

Phải nỗ lực làm hết sức mình chứ không phải vì khó khăn mà lại bỏ quên trách nhiệm. Càng khó khăn càng phải thấy trách nhiệm nặng nề của mình đối với người dân TP.HCM và cả nước.

Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG 

“Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cần làm việc với Khu công nghệ cao, khu công nghiệp và chế xuất để dự báo xem với việc cắt giảm đơn hàng như hiện nay thì có bao nhiêu DN ngừng hoạt động, làm mất việc bao nhiêu người lao động” - ông Phong nói.

Ông Phong yêu cầu Sở Công Thương phải dự báo trong tình hình hiện nay thì những DN nào có nguy cơ đơn hàng bị cắt giảm. “Dự báo này tính được không? Tính được chứ và chúng ta nắm được” - ông Phong yêu cầu.

Cạnh đó, ông Phong yêu cầu chủ tịch các quận, huyện cần sớm gặp các DN trên địa bàn, trao đổi xem họ khó khăn gì để quyết liệt tháo gỡ. “Hơn bao giờ hết, trong lúc khó khăn thì chúng ta phải chia sẻ, hỗ trợ DN, nhất là về thuế, vốn, tín dụng... phải có những hành động cụ thể” - ông Phong nói và cho rằng các địa phương phải nắm cho sát tình hình thực tế các DN, không để DN ngừng hoạt động.

Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Phong yêu cầu Sở KH&ĐT rà soát các chỉ tiêu đã giao cho các quận, huyện và các ngành, nếu cần thiết thì điều chuyển vốn để đẩy nhanh tiến độ. “Trước ngày 15-10, phải giải ngân vốn đầu tư công trên 80%. Làm quyết liệt như thế thì mới thực hiện được cam kết với Chính phủ là giải ngân trên 95% đến cuối năm. Đây là trách nhiệm của chủ tịch các quận, huyện và thủ trưởng các đơn vị” - ông Phong nói.

Ngoài ra, ông Phong cũng yêu cầu các ngành, các cấp kiểm soát chặt chẽ thu chi ngân sách, tăng cường các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tăng cường các giải pháp thu thuế nợ đọng, thực hiện chi ngân sách theo đúng định mức, tiết kiệm chi...

Hai nguyên nhân tác động mạnh đến tăng trưởng

Phân tích những nguyên nhân làm tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chỉ tăng 2%, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nêu ra hai lý do.

Thứ nhất, lĩnh vực dịch vụ chiếm hơn 60% trong cơ cấu tổng sản phẩm xã hội trong khi dịch bệnh vừa qua lại tác động mạnh nhất đến các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, lưu trú, khách sạn. Riêng năm 2019, TP.HCM đón 8,6 triệu khách du lịch nước ngoài. Tính trung bình thời gian lưu trú mỗi người 3,5 ngày, mỗi ngày tiêu 145-150 USD. Tuy nhiên, năm nay, tới thời điểm này, lượng khách quốc tế ước đạt chỉ 1,3 triệu lượt (giảm 70%). Riêng khoản này đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế TP và từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng chung.

Nguyên nhân thứ hai là số DN nhỏ và vừa chiếm hơn 90% trong tổng số DN trên địa bàn TP (DN có vốn kinh doanh 100 tỉ đồng trở lên chỉ chiếm tỉ lệ 2%). Trong khi đó, DN nhỏ và vừa dễ bị gãy đổ do tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm