TP.HCM: Nhiều DN vận tải kêu cứu vì COVID-19

Ngày 20-4, Sở GTVT TP.HCM cho hay do ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp (DN), đơn vị vận tải trên địa bàn TP đã đề xuất cơ quan chức năng các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Khách đi xe buýt, xe liên tỉnh giảm khủng

Nhiều DN vận tải cho hay từ đầu năm đến nay doanh thu bị sụt giảm nặng nề do COVID-19. Cụ thể, đối với hoạt động của vận tải hành khách công cộng, khối lượng vận chuyển hành khách giảm sút nghiêm trọng. Tính từ ngày 1-2 đến cuối tháng 3, có thời điểm giảm tới 81% so với cùng kỳ.

Tương tự, sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh (từ TP.HCM đi các tỉnh và ngược lại) tại các bến xe cũng sụt giảm không kém. Có thời điểm so sánh lượt khách với cùng kỳ năm 2019 giảm tới 96%.

Đặc biệt từ ngày 1-4 đến nay là giai đoạn tạm ngưng hoạt động vận chuyển đối với cả vận tải hành khách công cộng và vận tải hành khách liên tỉnh.

Bên cạnh đó, đối với các đơn vị vận tải taxi, hợp đồng, lượt hành khách và lợi nhuận cũng giảm 40%-50% so với cùng kỳ. Hiện tại, các đơn vị này cũng ngưng hoạt động theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.

Đối với giao thông đường thủy, sản lượng vận chuyển hành khách từ ngày 1-2 đến 14-4 đạt 5.765.129 lượt hành khách, giảm 21,05% so với cùng kỳ năm 2019 (7.302.701 lượt hành khách).

Các DN vận tải cho biết nguồn doanh thu giảm sút hoặc không có doanh thu nhưng các khoản chi phí lớn DN vẫn phải trả. Đó là các khoản như lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, bảo hiểm vật chất...

Ngoài ra, các chi phí khác có liên quan đến hạn bắt buộc phải thanh toán cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động ổn định của các đơn vị vận tải.

Nhiều DN vận tải đang gặp khó về tài chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: ĐÀO TRANG

Xin miễn, giảm một số khoản phí

Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) 19-5, cho hay HTX có 400 xe buýt, trong đó có 300 xe đang phải phải vay lãi ngân hàng. Theo đó, hằng tháng HTX 19-5 phải đóng khoảng 2 tỉ đồng tiền lãi.

Tuy nhiên, trong tháng 4 này xe không chạy được ngày nào nên HTX cũng chưa có tiền để đóng. Hiện tiếp viên và tài xế đang phải nghỉ không lương, trong khi đó HTX vẫn phải đóng phí theo dõi camera, phí đường bộ, phí duy trì giám sát hành trình… Tất cả những vấn đề này HTX cũng sẽ kiến nghị với các đơn vị liên quan để xin miễn giảm.

Đối với tiền lãi ngân hàng, ông Triệu cho biết HTX đã làm việc với các ngân hàng cho vay giãn thời gian đóng lãi và đóng gốc tới tháng 6 để chia sẻ khó khăn với DN. Đồng thời, HTX cũng kiến nghị ngân hàng xem xét giảm 0,5% lãi suất so với mức hiện tại.

“Trong đợt dịch COVID-19 này, hầu hết các DN đều bị ảnh hưởng, trong đó nặng nề nhất là xe buýt. Hầu như toàn bộ phương tiện đều vay mượn từ ngân hàng nên đều thiếu tiền lãi từ ngân hàng. Có thể thời gian tới xe buýt và các phương tiện khác sẽ được khởi động trở lại nhưng chắc chắn phải mất vài tháng quá trình vận hành mới được như trước” - ông Triệu nhận định.

Tương tự, đại diện HTX Quyết Thắng thông tin trước khi TP quyết định tạm ngưng xe buýt thì HTX cũng đã kiến nghị ngân hàng giãn nợ trong ba tháng. Việc xe buýt không hoạt động thì không có tiền và phải mất nhiều tháng để phục hồi. Chính vì vậy, các HTX mong muốn TP xem xét, đề xuất các ngân hàng giãn nợ.

Ông Tạ Long Hỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng cho rằng dịch COVID-19 là đại nạn đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, thậm chí nhiều đơn vị có nguy cơ phá sản.

Điển hình như Vinasun phải nghỉ 100%, tổn thất 60 tỉ đồng/tháng khiến các nhân viên phải thất nghiệp. Trong khi đó, toàn bộ phí, lãi suất ngân hàng vẫn phải chi trả bình thường.

Hiện Vinasun vẫn phải hỗ trợ 2 triệu đồng/xe/tháng để tài xế duy trì cuộc sồng, chưa kể xe gửi bến bãi cũng mất nhiều chi phí.

“Trước thực trạng trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Taxi Việt Nam cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền để chia sẻ khó khăn với DN trong thời kỳ có dịch COVID-19 này” - ông Hỷ nói.

Về vấn đề này, Sở GTVT cho hay sẽ rà soát, tham mưu kiến nghị cấp thẩm quyền nhiều biện pháp hỗ trợ cho các trường hợp, đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Từ đó kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.

Sẽ đề xuất gỡ khó cho các DN vận tải

Sở GTVT TP. HCM cho hay sẽ đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 như sau:

Về lãi vay ngân hàng: Miễn, giảm lãi vay và kéo giãn thời gian vay, giãn trả nợ gốc của các tổ chức tín dụng.

Về thuế: Miễn, giảm hoặc giãn các khoản thuế có liên quan như giá trị gia tăng, thu nhập DN,…

Về lương, bảo hiểm: Hỗ trợ cho người lao động khi phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Về chế độ bảo hiểm: Tạm dừng hoặc kéo giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, y tế đối với người lao động, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm vật chất đối với phương tiện.

Về phí bảo trì đường bộ: Miễn, giảm hoặc có giải pháp kéo giãn thời gian đóng phí.

Về phí cầu đường (đối với các phương tiện đã mua trước tháng, quý, năm): Hoàn trả hoặc kéo dài thời gian sử dụng.

Về phí duy trì thiết bị giám sát hành trình: Chỉ đạo các nhà cung cấp giãn thời gian đóng phí duy trì hoạt động của thiết bị này.

Về giá dịch vụ xe ra vào bến tại các bến xe khách liên tỉnh: Giảm 50% trong ba tháng đầu kể từ ngày được hoạt động trở lại.

Về phí và lệ phí ra vào cảng, bến thủy nội địa: Miễn, giảm hoặc có giải pháp kéo giãn thời gian đóng phí.

Riêng đối với các tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá, theo đề xuất của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, các khoản chi phí hợp lý cần hỗ trợ cho các đơn vị vận tải (ba DN và chín HTX) sẽ được lập dự toán riêng trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm