TP.HCM: Những người 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng' giữa cơn đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

LTS: Kỷ niệm 31 năm Ngày thành lập báo Pháp Luật TP.HCM năm nay diễn ra trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt, khi TP.HCM đang cùng cả nước tập trung toàn lực cho cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đã có rất nhiều cá nhân, lực lượng cùng hết lòng tham gia phòng chống dịch. Chúng tôi, những người làm báo Pháp Luật TP.HCM, xin dành ngày kỷ niệm đặc biệt của mình để bày tỏ sự tri ân to lớn đối với họ. 

Cuối tháng 5-2021, đợt dịch SARS-CoV-2 thứ tư bùng phát, TP.HCM đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19. Hơn ba tháng, người ta không chỉ thấy những bệnh tật, mất mát, đau thương mà còn cũng là khoảng thời gian mà sự hi sinh thầm lặng, sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau của người dân TP đã lan tỏa tình yêu thương trong từng ngõ ngách. Mỗi cá nhân đều tự cảm thấy có một sứ mệnh đặc biệt với TP thân yêu trong những ngày gian khó này.  

Những đóng góp lặng lẽ

Những ngày cuối tháng 7, tôi đến khu phố 3, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức để trao hơn 500 phần quà cho 500 phòng trọ của công nhân, người lao động đang gặp khó khăn vì giãn cách. Thông thường, trước khi đến trao quà tại một điểm, tôi luôn phải làm việc để thống nhất kế hoạch trao quà với người đại diện của khu phố, tổ dân phố, cảnh sát khu vực hoặc ở phường để được sự phối hợp tốt nhất.

Cô Hoàng Thị Ngọc Bích, tổ trưởng tổ 13, khu phố 3 là người giúp tôi khảo sát, lên danh sách 500 phòng trọ khó khăn trên tổng số hơn 6.000 phòng trọ của toàn khu phố. Dáng người gầy gầy, nhỏ nhắn, cô tổ trưởng U70 tay bút tay sổ đi đến từng phòng trọ trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, bản thân chưa được tiêm mũi vắc xin nào.

Người dân tại phường Linh Xuân nhận lương thực, thực phẩm từ một nhà hảo tâm. Ảnh VIỆT HOA

Nắng trưa tháng bảy gay gắt, cô dẫn chúng tôi đi qua các dãy trọ trong hẻm, hò hét gọi tên từng phòng đến nhận quà, mồ hôi nhễ nhại lưng áo. Gần 70 tuổi, vẫn lăn xả trên mọi mặt trận: đi gõ cửa từng nhà lên danh sách tiêm vắc xin, danh sách nhận hỗ trợ, phát quà an sinh, đi chợ hộ bất kể mưa, nắng… Cả tháng nay gần như không nghỉ trưa, nhiều hôm phải thức từ 3 giờ sáng cho kịp công việc. Chồng và các con lo lớn tuổi, dễ lây nhiễm, nhiều lần khuyên hạn chế ra ngoài, nhưng cô vẫn lén đi vì quá nhiều người khó khăn, cần giúp đỡ.

“Tôi đã ở đây từ lúc còn rất nhỏ (1976) đến giờ, đã qua rất nhiều cảnh sát khu vực phụ trách khu phố. Các anh đến rồi đi nhưng thật sự chưa ai để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi như Đại úy Trần Thanh Long. Từ khi khu phố bị phong tỏa do có ca nhiễm, tôi mới biết đến anh nhiều hơn. Anh chăm lo lương thực, thực phẩm cho dân trong khu phong tỏa, lo từng bữa ăn cho người dân khó khăn, rồi thuốc thang, giải quyết kịp thời các khó khăn của người dân. Dân cần là anh có mặt bất cứ lúc nào. Cảm ơn anh, người cảnh sát khu vực thật nhiệt tâm và dễ thương đã chia sẻ yêu thương với  bà con khu phố”.

Đó là chia sẻ của bà Phan Thị Hương, một người dân sống tại khu phố 6, phường An Khánh về anh cảnh sát khu vực mà bà con khu phố rất thương mến. Tôi vô tình biết anh khi đến trao quà cho 120 hộ dân tại khu phố 6. Qua cách làm việc lăn xả của anh khiến tôi cũng không khỏi xúc động. Tôi báo tòa soạn muốn viết về anh để lan tỏa yêu thương.

Bài đăng lên, bà con khu phố 6 gọi điện, cảm ơn vì đã giúp họ nói lên tấm lòng quý mến và biết ơn với người cảnh sát gần dân.

Đại úy Trần Thanh Long chia rau và thực phẩm cho người dân khu phố 6, phường An Khánh, TP Thủ Đức. Ảnh VIỆT HOA

Hàng trăm ông chủ đi làm tài xế chở hàng thiện nguyện

 Hơn hai tháng qua, hơn 100 xe bán tải và xe tải của gần 100 doanh nghiệp tại TP.HCM đã tình nguyện đến tham gia vận chuyển hàng hóa từ MTTQ TP.HCM đến các quận huyện, bếp ăn, bệnh viện dã chiến, các xóm nghèo, các cơ sở tôn giáo… trên toàn TP. Họ là những giám đốc, những chủ doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực cùng tập hợp nhau tại Diễn đàn Caravan Việt Nam.

Anh Thái Hữu Cơ là chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM. Hơn hai tháng nay, anh đã chở gần 200 tấn hàng cho MTTQ TP. Ảnh VIỆT HOA

Từ lúc TP áp dụng Chỉ thị 16, họ đã tạm gác hết mọi công việc, ai có xe tải góp xe tải, ai xe bán tải góp xe bán tải, có xe gì góp xe nấy, tự bỏ tiền xăng dầu, tự mình làm tài xế đến phục vụ vận chuyển hàng hóa theo sự điều phối của MTTQ TP. Các xe tải từ 1,5 tấn đến 10 tấn thì làm nhiệm vụ đến các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Thuận… để nhận hàng. Các xe bán tải thì chở hàng từ MTTQ TP đến tất cả các điểm nhận hàng trên toàn TP.

Hơn 21 tấn lương khô đang được chuyển từ xe tải xuống các xe bán tải để chở về các quận, huyện. Ảnh VIỆT HOA

Họ chở bất cứ hàng gì, từ rau củ, lương khô, mỳ tôm, gạo đến vật tư y tế. Địa điểm là đất cứ nơi đâu, từ các quận trung tâm cho đến những huyện xa như Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi.

Ngày thường họ là sếp, họp hành, công tác đều có tài xế riêng đưa đón, nhưng khi TP cần, họ làm việc lăn xả từ sáng đến tối, vừa làm tài xế chở hàng. Lúc thiếu người bốc vác chuyển hàng lên – xuống xe, họ cũng sẵn sàng xắn tay vào bốc vác. Suốt hơn hai tháng, đội xe của họ đã chở hơn 2.500 tấn hàng, đi khắp mọi nơi trên địa bàn TP. Trung bình từ đầu mùa dịch, mỗi người chở gần 200 tấn hàng, đã hỗ trợ tích cực cho TP trong cuộc chiến với dịch bệnh.

Tôi được may mắn đi cùng họ, thấy họ làm, nghe họ kể chuyện, tôi nhận ra, tất cả họ, ai cũng tham gia với một lòng nhiệt huyết cao nhất với quyết tâm chung tay để cùng TP đẩy lùi dịch bệnh và trở lại cuộc sống bình thường. Ai cũng cảm thấy phải làm gì đó cho TP trong thời điểm này, làm được càng nhiều càng tốt, có mệt, có vất vả nhưng tình yêu, sự khao khát cống hiến chính là động lực để họ làm việc quên cả mệt mỏi ròng rã suốt mấy tháng qua. Ai cũng quyết tâm khi nào hết dịch mới nghỉ, khi TP còn cần thì họ luôn có mặt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm