TP.HCM nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

(PLO)- Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND TP.HCM yêu cầu Sở TN&MT triển khai hệ thống giám sát các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cho các nhóm ngành.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, Sở TN&MT TP.HCM đã tích cực chuẩn bị các bước để cùng các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp (DN) thực hiện các bước kiểm kê, báo cáo và xây dựng kế hoạch cắt giảm phát thải khí nhà kính theo yêu cầu của Chính phủ.

Mục tiêu đưa TP.HCM thành đô thị carbon thấp

Theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), TP.HCM đưa ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp (phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế).

Cạnh đó, TP lồng ghép các hành động ưu tiên thích ứng và giảm thiểu vào quy hoạch ngành. Đồng thời tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH, hợp tác quốc tế và kêu gọi hỗ trợ, đầu tư.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua TP đã tổ chức nhiều chương trình, hội thảo để cùng trao đổi, thảo luận về vấn đề hiện trạng thị trường tài chính carbon. Từ đó tìm ra phương án giảm thiểu khí thải nhà kính ở TP.

Điển hình ngày 29-6, Sở TN&MT phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức hội thảo “Chương trình Đô thị carbon thấp của TP.HCM: Từ khái niệm đến hành động”.

TP.HCM chuyển đổi nhiên liệu sử dụng cho xe buýt từ diesel sang khí nén CNG nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: CN

TP.HCM chuyển đổi nhiên liệu sử dụng cho xe buýt từ diesel sang khí nén CNG nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: CN

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chia sẻ: Từ đầu năm 2022, UBND TP đã phối hợp với World Bank thành lập nhóm công tác chung giữa hai cơ quan về sự phát triển toàn diện, bền vững của TP.HCM. Nhóm công tác chung có tám nhóm kỹ thuật để tập trung xây dựng tám đề án thành phần phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững của TP, trong đó có nhóm phát thải carbon thấp.

Theo ông Hoan, mục tiêu của các nhóm đề án là xây dựng một kế hoạch đưa TP.HCM thành đô thị carbon thấp. Trong đó, kế hoạch bao gồm các khuyến nghị và đề xuất hành động cần thiết nhằm đạt mục tiêu phát triển của TP trong lĩnh vực ưu tiên. Trong đó có danh mục Các dự án phát triển tiềm năng giữa TP.HCM và nhóm World Bank giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

“Phương thức và lộ trình kế hoạch thực hiện theo từng dự án. Từ đó đề xuất hướng tháo gỡ vướng mắc về chính sách với các bộ, ngành trung ương, tổ chức kêu gọi hỗ trợ vốn, kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới và các đối tác khác để triển khai kế hoạch TP carbon thấp” - ông Hoan nói.

TP triển khai giám sát giảm phát thải khí nhà kính

Nhằm ứng phó với BĐKH, UBND TP.HCM yêu cầu Sở TN&MT TP hướng dẫn, kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh liên quan đến khí thải carbon trên địa bàn. Đồng thời triển khai hệ thống giám sát các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cho các nhóm ngành. Cạnh đó, kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở thuộc các danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định.

Theo ông Võ Văn Hoan, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 140 cơ sở lớn cần thực hiện kiểm kê trong bốn lĩnh vực công thương, năng lượng, xây dựng và môi trường.

Thời gian qua, Sở TN&MT đã tích cực chuẩn bị các bước để cùng các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức hướng dẫn các cơ sở, DN thực hiện các bước kiểm kê, báo cáo và xây dựng kế hoạch cắt giảm phát thải khí nhà kính theo yêu cầu của Chính phủ.

“Giảm phát thải và tạo nguồn lực tài chính trung hạn từ tiết kiệm chi phí không phải chỉ là nhiệm vụ của bất kỳ đơn vị riêng lẻ nào. Nhóm phát thải carbon thấp đang làm việc để điều chỉnh các biện pháp khuyến khích và phương pháp tiếp cận nhằm ưu tiên các hoạt động có tác động cao nhất với chi phí hiệu quả nhất có thể” - ông Hoan chia sẻ.•

Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0

Ngày 30-6, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Cục BĐKH (Bộ TN&MT) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của DN trong lộ trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ TN&MT), đánh giá: Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phần lớn DN sử dụng năng lượng cũng như nguyên, nhiên liệu để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ. Đó chính là những nguồn gây phát thải khí nhà kính, nguồn này chiếm tỉ trọng lớn trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Do đó, các DN là một trong những đối tượng thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020.

“Hiện nay, Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương hoàn thiện các quy định kỹ thuật cũng như xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết. Từ đó hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính, xây dựng áp dụng biện pháp giảm phát thải khí nhà kính” - ông Quang nói.

Về phía VCCI, đơn vị cũng cho rằng DN tại Việt Nam cần có những động thái mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tiến trình cắt giảm phát thải như cung cấp và đưa vào sử dụng những nguồn năng lượng bền vững, không carbon với giá cả phải chăng hơn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.