TP.HCM: Phân cấp, phân quyền, không 'xin ý kiến lòng vòng'

Chiều 13-12, Học viện Cán bộ TP.HCM cùng cơ quan thường trực Tạp chí Cộng Sản tại miền Nam tổ chức hội thảo khoa học “TP.HCM: Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch
HĐND TP.HCM, đề xuất nhiều cơ chế để TP.HCM xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư. Ảnh: LÊ THOA

Ổn định ngân sách để TP.HCM tự vay tự trả

Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đặt ra nhiều khó khăn, bất cập khi TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị.

Theo bà Thảo, khó khăn lớn nhất là TP chưa có cơ chế chính sách cụ thể, chưa có cơ chế vận hành cho mô hình này. Trong đó, chưa có sự phân cấp, phân quyền rành mạch mà chỉ dừng lại ở ủy quyền nên trong thực tế vận hành còn rất nhiều lúng túng.

Bà Thảo dẫn chứng TP Thủ Đức là mô hình TP trong TP nhưng thực tế cũng chưa có cơ chế vận hành, chỉ xem như là một quận rất lớn của TP và của cả nước. Hay việc nhân sự dôi dư, bà Thảo cho rằng không phải giải quyết nhanh một ngày một bữa mà phải có chính sách cụ thể vì liên quan đến con người.

Ngoài ra, TP xây dựng mô hình chính quyền đô thị trong khi ngân sách đầu tư của TP còn khó khăn, hạ tầng quá tải, nhiều điểm nghẽn. “TP.HCM đi đâu cũng kẹt xe” - bà Thảo nói và cho rằng việc này liên quan đến chính sách đầu tư khó khăn. Cùng với đó là khó khăn do dịch bệnh, nhân lực cũng như nhiều vấn đề cũ còn tồn đọng. Do đó cần giải quyết nhanh những việc này để tập trung sức xây dựng chính quyền đô thị.

Để thực hiện chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM đề xuất trước hết phải phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương; từ chủ tịch UBND TP.HCM, TP Thủ Đức, đến các quận, phường.

“Việc này là để khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo. Từ đó tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương nhiều hơn nữa… Nếu chức năng, nhiệm vụ của bộ máy không rõ ràng, trách nhiệm người đứng đầu không làm rõ, cái gì cũng xin ý kiến lòng vòng thì chậm trễ rất nhiều” - bà Thảo nói.

Đáng chú ý, bà cho rằng TP nên đề xuất việc ổn định ngân sách cho TP để có nguồn lực đầu tư, nhất là hạ tầng đô thị và những yêu cầu đầu tư trong tình hình mới. “Nên chăng đề nghị sự ổn định một tỉ lệ điều tiết cho TP hoặc là giao một con số tuyệt đối” - bà Thảo nói và cho rằng việc này sẽ giúp TP tự vay tự trả để đầu tư cho phát triển, tăng quyền chủ động cho chính quyền địa phương.

 

UBND TP đã xác định “năm có” để cải thiện môi trường đầu tư. Gồm có thời hạn giải quyết; có người chịu trách nhiệm; có sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng quy trình quản lý và đánh giá thực hiện quy trình; có sự giám sát của MTTQ, HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội và có chế tài, khen thưởng.

PGS-TS NGUYỄN TẤN PHÁT, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM

Chờ xin cơ chế mới làm thì đã muộn

Nêu ra những “lúng túng” của TP.HCM trong xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, đặt vấn đề: “Tại sao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM lại không nằm trong tốp đầu?”.

“Có nhiều nhà phân tích cho rằng do cách điều tra, phân tích, thống kê chưa công bằng vì số doanh nghiệp của TP gấp nhiều lần các tỉnh nhưng đó chỉ là khách quan” - ông Bình nhìn nhận và cho hay có những chỉ số thành phần không tăng mà giảm là do sự chủ quan của TP.

“Làm sao để doanh nghiệp đến chính quyền giải quyết thủ tục hành chính mà không cần bỏ ra những chi phí không chính thống” - ông Bình nói và đề nghị cần đi sâu xa từ gốc để tìm hiểu những nguyên nhân.

Vị đại biểu HĐND TP còn dẫn chứng việc cử tri phản ánh doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhưng khi các ngành chức năng đi kiểm tra thì doanh nghiệp đó lại đạt chỉ số môi trường. Theo ông Bình, việc này là do TP chưa đầu tư được quan trắc tự động về môi trường dù chi phí không nhiều.

“Để xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện đầu tư thì TP cần khắc phục trước những việc nêu trên, đến khi có cơ chế thì kết hợp lại mới thành công. Chờ xin cơ chế xong mới bắt tay làm thì muộn rồi” - ông Bình khẳng định.

Năng lực giải quyết vấn đề nóng

Nói về công tác cán bộ khi xây dựng chính quyền đô thị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Lê Hồng Sơn nhìn nhận người cán bộ cần thể hiện năng lực, trách nhiệm, đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề nóng, nhạy cảm liên quan đến sự phát triển xã hội và quyền lợi hợp pháp của dân cư đô thị.

Ông Sơn nêu ra áp lực của cán bộ TP hiện nay khi dân số cơ học ngày càng tăng. “Trung bình một công chức phục vụ khoảng 690 người dân, nếu tính cả khách vãng lai thì một công chức phục vụ khoảng 1.117 người” - ông Sơn nói và cho biết với đặc thù này cần một bộ máy chính quyền đô thị hiện đại, có khả năng lập kế hoạch.

Từ đó, ông Sơn đặt ra hàng loạt giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới. Cụ thể, đầu tiên phải làm tốt và chặt khâu tuyển dụng cán bộ theo năng lực, cạnh tranh. Thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất và năng lực, giảm sút uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ được giao; kết hợp quy hoạch, luân chuyển, đào tạo cán bộ để tích lũy kinh nghiệm, trưởng thành. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, làm gương răn đe và có chính sách đãi ngộ phù hợp để cán bộ làm việc hăng hái, ngăn chặn tiêu cực…•

 TP Thủ Đức: Chưa bao giờ có một cấp chính quyền lớn như thế

Đề cập riêng đến TP Thủ Đức, PGS-TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cho biết TP Thủ Đức đơn thuần chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện khổng lồ vì từ ba quận nhập lại.

Theo PGS-TS Hiền, TP Thủ Đức chưa có cơ chế, chính sách đặc thù riêng mà cơ bản vẫn áp dụng theo cơ chế cấp huyện. Trong khi đó, áp lực công việc rất lớn vì số lượng cán bộ, công chức giảm, chỉ tương đương cấp huyện mà công việc lại nhiều gấp ba lần. Việc “nâng cấp TP Thủ Đức” nhưng vẫn sử dụng lại đội ngũ cán bộ cũ của ba quận trước đó mà chưa có sự đào tạo nâng cao, tuyển dụng mới. “Vì vậy chưa nâng tầm điều hành của một TP trong TP” - PGS-TS Hiền nói.

Bà cũng chỉ ra việc TP.HCM chưa phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức quản lý trực tiếp ba khu vực trọng tâm là khu ĐH Quốc gia, Khu công nghệ cao, Trung tâm tài chính Thủ Thiêm nên chưa phát huy được lợi thế và tiềm lực khoa học công nghệ trên địa bàn.

“Chưa bao giờ có một cấp chính quyền lớn như thế trong cả nước” - PGS-TS Hiền nói và đề xuất nên mạnh dạn tăng thêm một phó chủ tịch UBND TP, một phó chủ tịch HĐND TP và tăng thêm một cấp phó ở các phòng, ban.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm