TP.HCM phấn đấu tăng trưởng 6%-6,5% năm 2022

Chiều 2-12, sau một ngày rưỡi làm việc, Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI đã bế mạc.

Tìm ra bài học thành công trong gian khó

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết hội nghị đã thống nhất đánh giá đại dịch COVID-19 đã gây tác hại rất nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của TP, đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận người lao động.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm sáng rất cần nghiên cứu, tìm nguyên nhân và bài học thành công trong gian khó, nhất là thu ngân sách nhà nước đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kim ngạch xuất khẩu giữ được ổn định. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp thành lập mới, trụ vững và quay lại thị trường nhờ biết thích ứng, linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, áp dụng công nghệ thông tin…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (bìa trái) trao đổi cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA

Kiểm soát tốt biến chủng mới, lo cho dân ăn tết an toàn

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, TP.HCM đã và đang tăng cường củng cố hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội, chăm lo các đối tượng đặc biệt, nhất là các cháu mồ côi cha mẹ, người già neo đơn, không nơi nương tựa, người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. “Trước mắt, những ngày tới cần chuẩn bị các phương án kiểm soát tốt biến chủng COVID-19 mới và lo cho dân được an toàn trước, trong và sau tết Dương lịch, tết cổ truyền dân tộc” - ông Nên yêu cầu. 

Mặc dù vậy, Bí thư Thành ủy cho biết cũng qua đại dịch cho thấy rõ hơn những hạn chế, bất cập, máy móc, cứng nhắc trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. “Ngay từ đầu chống dịch, chúng ta đã bàn và thống nhất mọi lĩnh vực đều phải thích ứng, tranh thủ thời gian vì “trong nguy có cơ” nhưng thực tế ít nơi làm được” - ông Nên nói.

Theo ông Nên, hội nghị đã xem xét, thảo luận và cơ bản đồng tình chủ đề của TP.HCM năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Hội nghị cũng thống nhất mục tiêu tổng quát và 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, cùng với bảy nhóm giải pháp và 21 nhiệm vụ cụ thể. Toàn hệ thống chính trị TP.HCM sẽ tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 6%-6,5%. “Đây là mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu có cơ sở và niềm tin khi sự đồng tâm, hiệp lực rất mạnh, sự khát khao hồi phục và phát triển rất lớn” - ông Nên nói.

Để đạt được các mục tiêu đó, trong các nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2022, ông Nên cho biết TP.HCM vẫn tập trung ưu tiên trước hết cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19; kiên trì, chủ động, nhất quán với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả. Từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vững chắc, an toàn, có trọng tâm, trọng điểm…

Trước mắt, năm 2022 sẽ chú trọng triển khai đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. “Cần nhận thức đây là cơ hội lớn mà TP phải tận dụng một cách hiệu quả nhất” - ông Nên nói.

Vượt qua đại dịch, giữ vững mục tiêu phát triển

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, sắp tới sẽ tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và năm năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội để đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Do đó, trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm, ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, có tính cấp bách về y tế, giáo dục, nhà ở, kết nối giao thông và chuỗi cung ứng giữa TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025, Bí thư Thành ủy cho biết hội nghị cơ bản thống nhất không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đề ra từ năm 2020, trên cơ sở điều chỉnh một số nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên phù hợp với yêu cầu tình hình mới.

Trong đó, TP.HCM đặt mục tiêu sớm hoàn thành phê duyệt và tổ chức triển khai các đề án, chương trình đột phá, trọng điểm của TP đã bị chậm lại do dịch bệnh.

Về nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Văn Nên cho biết hội nghị đã thống nhất với tờ trình của Ban cán sự đảng UBND TP. Tuy nhiên, ông lưu ý cần phải chủ động phối hợp, cập nhật thông tin bảo đảm tính thống nhất, liên kết, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch và các ngành, lĩnh vực trong vùng, liên vùng, bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định…

Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm

Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Bí thư Thành ủy cho biết hội nghị đã thống nhất đánh giá từ sau Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đến nay, hệ thống chính trị đã có chuyển biến rất rõ, trước hết là vai trò trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân vô điều kiện.

Theo ông Nên, qua thử thách chưa từng có trong ứng phó với đại dịch, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên đã tỏ rõ tinh thần trách nhiệm. Nhiều cán bộ không ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, tình nguyện ra tuyến đầu lúc “dầu sôi lửa bỏng”, suốt hàng tháng trời chiến đấu trong điều kiện hết sức khắc nghiệt của dịch bệnh và kiên cường, bền bỉ vượt qua. “Trong gian khó, nhiều cán bộ đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt qua thử thách” - ông Nên nói.

Tuy nhiên, hội nghị cũng nhìn nhận tổ chức bộ máy của TP.HCM còn bộc lộ nhiều bất cập, giữa dân số với bộ máy quản lý, nhất là về y tế cơ sở. Còn một bộ phận cán bộ, trong đó có cán bộ cốt cán, thiếu trách nhiệm, tâm huyết, thiếu bản lĩnh. Một số có biểu hiện tiêu cực, né tránh, ngại khó, ngại khổ.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cho biết hội nghị đã thống nhất chủ đề về công tác xây dựng Đảng trong năm 2022 là “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”.

Tám nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp chủ yếu được đưa ra, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các quy định, kết luận, chỉ đạo của trung ương và phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tăng cường công tác xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. TP cũng tổ chức lại công tác đánh giá cán bộ, thực hiện nghiêm các quy trình công tác cán bộ; nâng cao chất lượng tham mưu và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị. Cùng với đó là tập trung kiện toàn, củng cố hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; củng cố và vận hành linh hoạt mô hình tổ chức của hệ thống chính trị dưới phường, xã, thị trấn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

“Anh làm gì, núp ở đâu… phải có báo cáo rõ ràng”

Liên quan đến công tác đánh giá cán bộ, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết TP.HCM sẽ đánh giá lại một cách thực chất.

Theo ông Nên, ngay bây giờ TP.HCM đã đề ra nhiều tiêu chí đánh giá cán bộ. Chẳng hạn việc đưa một cán bộ lên để đào tạo, phát triển thì phải có báo cáo về những hoạt động trong suốt 150 ngày chống dịch. “Trong 150 ngày chống dịch, anh làm gì, anh núp ở đâu, hay anh hoạt động cái gì phải báo cáo, báo cáo phải có xác nhận” - Bí thư Nên nói và đưa ra hình ảnh so sánh, ngay cả người dân dù không được ai phân công vẫn bước ra chiến đấu với dịch thì hà cớ gì cán bộ lại… vắng bóng!

Bí thư Thành ủy khẳng định việc đánh giá này trên cơ sở sản phẩm công việc cụ thể, theo quy trình của công tác cán bộ. “Mọi người đứng đây không biết ai trong bụng nhát” - ông nói và cho hay việc đánh giá theo các tiêu chí mới này nhằm mục đích sử dụng, đào tạo, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Bởi xưa giờ khâu đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa đủ cơ sở về định lượng và định tính. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm