TP.HCM ráo riết chuẩn bị nhà ở cho 5-10 năm tới

(PLO)-  TP.HCM sẽ có 70.000 căn nhà ở xã hội trong 10 năm tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-7, trong ngày thứ hai của kỳ họp thứ sáu HĐND TP.HCM, Sở Xây dựng và UBND quận 8 đã trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP liên quan đến Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025.

Nhiều vấn đề về nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp thuê; việc di dời hàng ngàn căn nhà ở trên và ven kênh rạch đã được các đại biểu đặt câu hỏi.

Rút ngắn quy trình đầu tư xây dựng NƠXH

Báo cáo về Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong giai đoạn sắp tới, TP đặt mục tiêu phát triển 50 triệu m2 sàn nhà ở. Trong đó, tăng thêm 2,5 triệu m2 sàn NƠXH.

Chủ tịch UBND quận 8 Trần Thanh Tùng. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chủ tịch UBND quận 8 Trần Thanh Tùng. Ảnh: NGUYỆT NHI

Để đạt được mục tiêu nêu trên, ông Quân đề xuất sáu giải pháp. TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng, các sở, ngành, địa phương thực hiện sáu giải pháp này. Theo đó, về quỹ đất 20% để làm NƠXH trong các dự án thương mại, hiện có 33 dự án (khoảng 70.000 căn NƠXH). Trong số này có 14 dự án đã là đất sạch, có thể triển khai đầu tư xây dựng ngay trong năm 2022-2023. “Nếu 14 dự án này hoàn thành, TP sẽ có thêm 15.000 căn NƠXH” - ông Quân nói.

Ngoài ra, quỹ đất để làm NƠXH còn nằm trong khu đất do Nhà nước quản lý, trong các khu đất nông nghiệp, các quỹ đất có quy mô lớn trên địa bàn TP. Đây cũng là giải pháp Sở Xây dựng đề xuất rà soát, tạo quỹ đất, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án NƠXH.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP liên quan đến Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025. Ảnh: NGUYỆT NHI

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP liên quan đến Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025. Ảnh: NGUYỆT NHI

Giải pháp quan trọng và tiên quyết nhất theo giám đốc Sở Xây dựng chính là việc rút ngắn quy trình, thủ tục đầu tư các dự án NƠXH để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. “Sở đã tham mưu TP quy trình rút ngắn từ 345 ngày xuống còn 133 ngày đối với dự án có nguồn gốc đất của tư nhân và từ 540 ngày xuống còn 300 ngày với dự án nguồn gốc đất công. Dự kiến quý III-2022, TP sẽ ban hành quy trình này” - ông Quân khẳng định.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu: Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030. TP cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư để phát triển các dự án NƠXH; khuyến khích phát triển loại hình nhà ở thương mại giá thấp, nhà lưu trú cho công nhân.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đề xuất TP mạnh dạn ủy quyền cho các địa phương thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH. Sở cũng đề xuất TP dùng nguồn vốn ngân sách để thực hiện các dự án NƠXH để có nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phục vụ người lao động thu nhập thấp.

Sẽ giải tỏa hàng ngàn nhà trên và ven kênh

Trả lời chất vấn về chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch UBND quận 8, cho biết quận có 54 km với 28 tuyến kênh rạch. Theo rà soát của quận 8, có hơn 12.300 căn nhà trên và ven kênh rạch với khoảng 955.000 m2. Trong đó, riêng kênh Đôi tại bờ nam dài khoảng 9,7 km, có 5.555 căn nhà và bờ bắc có hơn 1.000 căn.

“Đa phần các căn nhà trên và ven kênh đều lụp xụp, diện tích nhỏ, không có pháp lý đầy đủ và không có các tiện nghi căn bản như điện, nước. Hàng ngàn căn nhà này xả chất thải trực tiếp xuống kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” - ông Tùng đánh giá.

Trong giai đoạn 2015-2020, việc thực hiện các dự án di dời nhà ở trên và ven kênh rạch tại quận 8 được thực hiện bằng hai phương thức là dùng ngân sách và xã hội hóa. Nhóm đầu tư bằng ngân sách gồm các dự án: Bắc kênh Đôi, rạch Nhảy - Ruột Ngựa và bảy tuyến rạch còn lại.

Riêng dự án Bắc kênh Đôi, trước đây đã được TP ghi vốn khoảng 500 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quy mô bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng nên ước tính tổng mức đầu tư tăng hơn gấp hai lần (khoảng 1.115 tỉ đồng). Cùng với đó, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng đã thay đổi. Do đó sẽ phải lập lại dự án này để trình TP trong thời gian tới.

TP.HCM sẽ có 70.000 căn nhà ở xã hội trong 10 năm tới. Ảnh: HTD

TP.HCM sẽ có 70.000 căn nhà ở xã hội trong 10 năm tới. Ảnh: HTD

Về dự án di dời 5.555 căn nhà trên và ven bờ nam kênh Đôi, trước đây thực hiện bằng vốn ngoài ngân sách nhưng không có nhà đầu tư. Ông Tùng đề xuất phương án khả thi với dự án này là vừa dùng ngân sách vừa xã hội hóa. Giai đoạn 1, quận 8 đề xuất sẽ dùng ngân sách để giải tỏa, phần còn lại sẽ mời gọi doanh nghiệp đầu tư.

Để gỡ khó cho cuộc “đại di dời” hàng ngàn căn nhà trên và ven kênh rạch, ông Tùng đề xuất TP sớm xem xét thống nhất việc điều chỉnh quy hoạch tám đồ án phân khu 1/2000 để làm cơ sở mời gọi đầu tư. Cùng với đó, cần xem xét chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hợp lý bởi đặc thù nhà ở ven và trên kênh rạch pháp lý không đầy đủ, nếu chiếu theo các quy định, mức bồi thường, hỗ trợ sẽ rất thấp.•

Nghị quyết 54: Cơ chế chưa phát huy như mong đợi

Trong phiên làm việc buổi chiều của ngày họp thứ hai, kỳ họp thứ sáu HĐND TP.HCM khóa X, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng đã có báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng nói dù thực hiện Nghị quyết 54 nhưng cơ chế tài chính chưa được phát huy như mong đợi.

Cụ thể, TP chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng gia tăng. Hơn bốn năm qua, không phát sinh khoản thu từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bán tài sản trên đất của các đơn vị trung ương ở TP. Một trong những nguyên nhân của việc này là các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc trung ương chưa chủ động phối hợp thực hiện. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất (trong đó có phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất) phụ thuộc vào việc kê khai, lập phương án xử lý của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

TP cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện gặp vướng mắc từ sự thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Cùng với đó, việc chi trả thu nhập tăng thêm căn cứ vào số ngày làm việc thực tế của cán bộ, công chức, viên chức còn một số khó khăn, vướng mắc do thời gian làm việc theo quy định riêng của mỗi ngành, lĩnh vực khác nhau.

UBND TP nhận thấy cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để tạo điều kiện cho TP khơi thông nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới.

UBND TP kiến nghị nên tích hợp tất cả cơ chế, chính sách mà TP cần trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu kinh tế - xã hội của cả nước trong nghị quyết mới.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã có trao đổi với đại biểu HĐND TP về Nghị quyết 54. Ông cho biết đến giờ này cơ bản đã có bản dự thảo nghị quyết mới. Đến giữa tháng 7-2022, TP sẽ tổ chức lấy ý kiến với năm nhóm vấn đề để Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thông qua. Đến tháng 8-2022, TP sẽ báo cáo và xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau đó sẽ trình lên Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2022.

Về băn khoăn của đại biểu nếu tháng 11-2022 chưa có nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, ông Phan Văn Mãi khẳng định khi Quốc hội vào làm việc với TP đã rất đồng tình với lộ trình trên. “Chúng ta cố gắng hết sức để nghị quyết mới được thông qua tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội vào tháng 10-2022” - ông Phan Văn Mãi nói.

Lúc đầu theo Nghị quyết 54 phân cấp cho TP nhưng khi làm phải hỏi ý kiến bộ. “Hỏi ý kiến bộ thì quay lại các quy định pháp luật” - người đứng đầu chính quyền TP trăn trở và cho rằng phân cấp phải đi kèm với giao điều kiện thực hiện.

Ông Mãi chia sẻ thêm: “Đây là một trong những nội dung cốt lõi trong nội dung nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 mà TP đang dự thảo”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm