TP.HCM: Sẵn sàng ứng phó với BĐKH trong bối cảnh mới

TP.HCM đã và đang phải đối mặt với hậu quả của BĐKH, như: ngập lụt đô thị, nước biển dâng, thời tiết diễn biến thất thường... và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Tác động môi trường ngày càng rõ rệt

Trong hơn 320 năm hình thành và phát triển, TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Dấu ấn quan trọng nhất là nền kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức độ cao, hạ tấng đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, an sinh xã hội được đảm bảo... Tuy nhiên, giống như các thành phố khác trong khu vực, TP.HCM cũng đang chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH.

Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, trong những năm gần đây, nhiệt độ trung bình hàng năm ở TP.HCM đã tăng gấp đôi so với ĐBSCL. Sự tăng cao về nhiệt độ ở TP.HCM là hoàn toàn trùng hợp với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.

Tình trạng nước biển dâng do BĐKH diễn ra âm thầm nhưng để lại nhiều hệ lụy

Bên cạnh đó, nhiệt độ mặt nước dự báo tăng lên ở biển Đông cũng sẽ làm gia tăng cường độ bão ở gần TP.HCM. Các trận bão nhiệt đới được dự báo sẽ xuất hiện nhiều hơn ở phía Nam nước ta nên cũng sẽ có xác suất ảnh hưởng trực tiếp đến TP.HCM nhiều hơn. Hiện TP.HCM bị ít nhiều ảnh hưởng trung bình khoảng 10% các cơn bão đi vào Việt Nam. 

Với thực trạng trên, trung bình mỗi năm, TP.HCM thiệt hại hàng chục tỷ đồng do tác động của BĐKH. Theo ADB, ước tính thiệt hại của TP.HCM do thiên tai gây ra trong 10 năm qua khoảng 202 tỷ đồng. Ngoài ra, ở TP.HCM các cơn bão đi qua thường mang theo lượng mưa lớn, làm tăng ngập cục bộ, tác động tiêu cực đến hạ tầng cơ sở vật chất, đường sá, giao thông, phương tiện, nhà cửa và tài sản…

Cùng hành động... trước bối cảnh mới BĐKH

Nhìn thấy nguy cơ của BĐKH, nhiều năm nay, Sở TN&MT TP.HCM liên tục triển khai nhiều chương trình. Đơn cử như hợp tác với TP Osaka, Rotterdam (Hà Lan), Cơ quan Quốc tế Nhật Bản (JICA) về giám sát phát thải khí nhà kính, phát triển TP phát thải carbon thấp, hợp tác cùng ứng phó với BĐKH...

Thu gom rác, khơi thông dòng chảy là việc làm thiết thực để bảo vệ môi trường

Trong Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ở TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 rất chú trọng đến việc giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, mục tiêu lượng phát thải kính nhà kính sẽ giảm 10% – 20% năm 2020; 20% – 30% năm 2030. Để đạt được kết quả trên, chính quyền TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm bảo vệ môi trường. Tiêu biểu dự án kiểm kê khí nhà kính của TP.HCM trong 5 lĩnh vực, bao gồm: năng lượng cố định; giao thông; chất thải; quá trình công nghiệp; sử dụng sản phẩm, nông nghiệp, rừng và sử dụng đất đã đem lại những kết quả khả quan.

Trong những năm qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các nỗ lực ứng phó với BĐKH. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH (NAP) giai đoạn 2021-2030. Là TP lớn của Việt Nam, TP.HCM cũng dựa trên những mục tiêu của Kế hoạch này chủ động ứng phó, tăng cường quản lý tài nguyên trong điều kiện BĐKH đồng thời thiết lập mục tiêu hữu hình cho phát triển bền vững.

BĐKH, trái đất nóng dần lên, rác thải, bụi... là những vẫn đề chúng ta đã nghe rất nhiều. Thế nhưng nhiều người vẫn cho rằng đây không phải là chuyện của mình mà nó thuộc sự quản lý ở tổ chức, cơ quan nào đó. Dĩ nhiên chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo, giữ gìn môi trường dân sinh nhưng vai trò của người dân cũng rất quan trọng. Theo đó, những nỗ lực không ngừng cùng đóng góp của khu vực tư nhân và hỗ trợ quốc tế sẽ giúp TP.HCM có lộ trình rõ ràng, góp phần giảm nhẹ tác động của BĐKH, phát triển theo một quỹ đạo xanh và bền vững hơn. (tổng hợp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm