TP.HCM: Sắp hoàn thiện hạ tầng metro số 1

Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM) đang hoàn thiện những bước quan trọng cuối cùng để đưa vào khai thác trong năm 2021. Nhiều chuyên gia nhận định tuyến metro này có vai trò rất quan trọng đối với hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM trong tương lai. Do đó, chủ đầu tư cần thực hiện sớm và đồng bộ giao thông kết nối giữa metro số 1 với hệ thống giao thông công cộng hiện hữu.

Nhiều phương án kết nối metro số 1

Ông Nguyễn Bùi Minh Quân, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án metro số 1, cho biết: Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) và các nhà thầu thi công đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng cầu bộ hành trên xa lộ Hà Nội nhằm đáp ứng việc đưa tuyến metro số 1 đi vào hoạt động cuối năm 2021.

Theo ông Quân, cầu bộ hành sẽ đảm bảo an toàn cho người dân khi tiếp cận các nhà ga metro số 1 do đường xa lộ Hà Nội là cửa ngõ của TP, có mật độ xe cộ lưu thông rất cao.

Đồng thời, phát triển cầu bộ hành là phù hợp chủ trương tăng cường khả năng kết nối các nhà ga phục vụ cư dân dọc hai bên tuyến metro. Bên cạnh đó, hành khách dễ dàng tiếp cận phương thức vận chuyển hành khách tân tiến khi metro số 1 phối hợp đồng bộ với việc triển khai các tuyến xe buýt, các dự án khu đô thị đã được phê duyệt và quy hoạch tương lai.

Tuy nhiên, việc làm cầu bộ hành còn gặp khó khăn do hiện nay một số vị trí của vế thang cầu bộ hành nằm trên vỉa hè có xung đột hoặc chắn lối ra vào của người dân nên cần nhiều thời gian để thỏa thuận, tìm giải pháp phù hợp tình hình thực tế.

Ngoài ra, đặc thù của metro số 1 là chạy dài qua nhiều khu vực khác nhau nên có xung đột với một số công trình hạ tầng kỹ thuật. Do đó, MAUR cần lấy ý kiến cũng như thỏa thuận với nhiều đơn vị chủ quản và các sở, ngành liên quan.

Để tăng cường kết nối metro số 1 với hệ thống giao thông công cộng hiện hữu, sắp tới MAUR sẽ phối hợp với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM triển khai thi công dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức các tuyến xe buýt kết nối nhà ga tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên”. Từ đó, các bên vạch ra những phương án tiếp cận thuận tiện, hiệu quả nhất cho người dân trong việc sử dụng metro nói riêng và phương tiện giao thông công cộng nói chung.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - MTV TNHH (SAMCO) cũng đang hoàn thiện công tác xây dựng Bến xe Miền Đông mới, tăng cường khả năng tiếp cập với metro số 1 tại ga Suối Tiên.

MAUR cho biết việc chính thức triển khai xây dựng đồng bộ các hạng mục tiện ích như cầu bộ hành, bãi đậu xe, kết nối xe buýt… đang được đơn vị tích cực triển khai để đảm bảo đưa tuyến metro số 1 vào khai thác hiệu quả trong năm 2021.

Các công nhân đang hoàn thiện các hạng mục ở ga công nghệ cao của tuyến metro số 1. Ảnh: MAUR Đoàn tàu metro số 1 (ảnh nhỏ). Ảnh: ĐÀO TRANG

Cần xây dựng các điểm dừng, trung chuyển

PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa kỹ thuật giao thông (ĐH Bách khoa TP.HCM), cho rằng: Giao thông kết nối cho metro số 1 là rất quan trọng, cần được làm đồng bộ và làm ngay. Mặt khác, xung quanh tuyến metro này cần có những bãi giữ xe cho hành khách. Đồng thời, việc thiết kế các điểm giữ xe phải có tính chất trung chuyển và phải phù hợp với kiến trúc mỗi nhà ga. Tại những điểm này, người dân có thể ăn uống, nghỉ ngơi để chờ tàu.

Như thế rõ ràng TP và chủ đầu tư cần chuẩn bị và làm ngay từ bây giờ để giải quyết hai vấn đề: Thứ nhất, phải có các tuyến xe buýt kết nối, trung chuyển hành khách từ các khu vực lân cận đến metro số 1. Thứ hai, phải có các điểm giữ xe cá nhân có tính trung chuyển phù hợp với kiến trúc nhà ga.

TP.HCM sẵn sàng đón tàu metro

MAUR cho biết chậm nhất trong tháng 10 tàu metro sẽ cập cảng tại Việt Nam. Để chuẩn bị cho công tác đón đoàn tàu đầu tiên, MAUR đã phối hợp với các nhà thầu tập trung cho công tác chuẩn bị từ việc nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài, công tác nhập khẩu đoàn tàu…

Tuyến metro số 1 sẽ có 17 đoàn tàu hoạt động, trong đó giai đoạn đầu là loại ba toa và sau này là loại sáu toa, đều sản xuất tại Nhật Bản.

Tàu ba toa dài 61,5 m, có thể chở 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Tốc độ tối đa của các đoàn tàu là 110 km/giờ (đoạn trên cao) và 80 km/giờ (đoạn ngầm). 

Ông Mai cho rằng theo lý thuyết tuyến metro số 1 sau này sẽ trở thành một trong những xương sống vận chuyển hành khách công cộng, còn xe buýt lúc này sẽ thành mạng lưới thu gom. Đặc biệt, tuyến metro số 1 sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của TP Thủ Đức trong tương lai. Ngược lại, TP Thủ Đức hình thành, phát triển cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tăng doanh thu cho việc khai thác và vận hành metro số 1.

PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, cho rằng cần quy hoạch một số công trình xây dựng xung quanh nhà ga và xem xét công trình nào cần thiết để phục vụ cho hoạt động của tuyến metro số 1. Ngoài ra, TP cần quy hoạch các tuyến xe buýt gom để người dân dễ dàng tiếp cận được tuyến đường sắt đô thị này.

Ông Hoàng cũng nhận định tuyến metro số 1 rất quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của TP, góp phần tăng lượng hành khách sử dụng phương tiện công cộng, giảm lượng xe cá nhân, giảm khói bụi ở khu vực phía đông TP.

Xe buýt dễ dàng tiếp cận metro số 1

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM: Metro số 1 phần lớn được xây dựng dọc theo trục đường xa lộ Hà Nội nên tất cả tuyến xe buýt chạy trên xa lộ Hà Nội đều có thể dễ dàng tiếp cận tuyến metro này. Hiện nay có 12 tuyến xe buýt hoạt động theo lộ trình đi trên trục xa lộ Hà Nội và 14 tuyến cắt ngang.

Trong dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, trung tâm đã đề xuất thiết lập hệ thống xe buýt trục chính, xe buýt nhánh, xe buýt gom và các bãi xe cá nhân để hỗ trợ tối đa nhu cầu của hành khách.

Cụ thể, tuyến xe buýt nhanh (BRT) đang triển khai thực hiện sẽ kết nối với metro số 1 tại nhà ga Rạch Chiếc.

Tuyến buýt trục chính gồm năm tuyến bao phủ trục xa lộ Hà Nội và kết nối với các trung tâm vận tải trọng điểm.

Tuyến buýt nhánh gồm bảy tuyến, có thể bao phủ các khu vực không gần metro số 1, xe buýt nhanh và các tuyến xe buýt trục chính.

Tuyến buýt gom có 20 tuyến, sẽ đảm nhận các chuyến đi của hành khách ở các khu vực chưa được bao phủ bởi các tuyến xe buýt nói trên.

Các bãi xe cá nhân được xây dựng dọc theo các nhà ga tuyến metro số 1 nhằm tạo điều kiện để hành khách có nơi để xe khi chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm