TP.HCM sẽ có tên đường Lê Văn Duyệt?

Những ngày qua, nhiều hộ dân khu vực phường 1 và phường 3, quận Bình Thạnh đã nhận được phiếu lấy ý kiến về việc đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành đường Lê Văn Duyệt. Đoạn đường lấy ý kiến về việc đổi tên này dài 947 m, với điểm đầu là cầu Bông phía đường Trường Sa đến đường Phan Đăng Lưu.

Trước thông tin đổi tên đường, nhiều hộ dân lo lắng về việc phải đổi các giấy tờ cá nhân, hộ tịch, bảng hiệu, số nhà… Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Hoàng Nghị, Trưởng Phòng quản lý di sản văn hóa, Sở VH&TT TP.HCM, cho rằng: “Khi TP đã quyết định đổi tên đường hay đặt mới tên đường thì những vấn đề thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu, hộ tịch, giấy tờ cá nhân… của người dân sẽ được thay đổi nhanh chóng, thuận lợi”.

Từ đề xuất của ban quý tế Lăng Ông

Thực tế, việc đặt lại tên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng này thành Lê Văn Duyệt đã được đưa ra thảo luận ở nhiều hội thảo khoa học. Trước năm 1975, đoạn đường này cũng mang tên Lê Văn Duyệt.

Từ năm 2018, ông Trần Văn Sung, Phó Ban quản lý, Trưởng ban quý tế Lăng đức tả quân Lê Văn Duyệt, đã gửi bản kiến nghị chính thức về việc đổi tên đường đến Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM, Sở VH&TT TP.HCM, Hội Di sản văn hóa TP.HCM… cùng các cơ quan, ban, ngành tại địa phương.

Bản kiến nghị nêu năm lý do về việc đổi tên đường này.

Thứ nhất, vai trò của tả quân Lê Văn Duyệt đối với người dân miền Nam.

Thứ hai, di tích và phần mộ của tả quân Lê Văn Duyệt là di tích quốc gia nằm ngay trên trục đường này.

Thứ ba, theo Điều 5 Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (ban hành kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP) thì đường Đinh Tiên Hoàng trùng tên ở nhiều quận, huyện khác nhau (các quận 1, 9, Bình Thạnh) và ngay trong quận Bình Thạnh cũng trùng khi có Đinh Tiên Hoàng lẫn Đinh Bộ Lĩnh.

Thứ tư, tên đường hiện nay ở khu vực xung quanh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) có các đường mang tên các vị quan trong triều Nguyễn như Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Võ Trường Toản, Bùi Hữu Nghĩa… Việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt tạo thành một cụm khu vực người dân dễ nhớ, dễ tìm.

Thứ năm, trên đường Đinh Tiên Hoàng hiện tại nằm trọn trên hai phường 1 và 3 thuộc quận Bình Thạnh, nếu có thay đổi tên đường Lê Văn Duyệt thì số nhà trên đường này vẫn được giữ nguyên.

Đường Đinh Tiên Hoàng với hai bên là phường 1 và 3 của quận Bình Thạnh đang được lấy ý kiến để đổi thành Lê Văn Duyệt. Ảnh: QUỲNH TRANG

Đường Đinh Tiên Hoàng trước năm 1975 từng mang tên Lê Văn Duyệt với phía cuối giáp đường Phan Đăng Lưu có Lăng Ông, tức tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: QUỲNH TRANG

Văn Duyệt chỉ một trong hơn 40 đường đặt, đổi tên ở TP

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Nghị, Trưởng Phòng quản lý di sản văn hóa, Sở VH&TT TP.HCM, cho biết: “Việc đặt, đổi tên đường thường xuất phát từ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân và từ đề xuất của quận, huyện tại địa phương. Hiện việc đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt chỉ là một trong hơn 40 tên đường trong hồ sơ xem xét để đổi, đặt mới trên địa bàn các quận, huyện của TP.HCM như các quận 2, 3, 12, Bình Thạnh, Tân Phú, huyện Củ Chi…”.

Việc đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt đang lấy ý kiến cộng đồng dân cư nơi tuyến đường đi qua. Trước đó, UBND quận Bình Thạnh đã lấy ý kiến các tổ chức Đảng, đoàn thể quận Bình Thạnh, Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, Hội Di sản văn hóa TP.HCM… và tất cả đã đồng thuận thông qua việc đổi tên đường. Sau khi có ý kiến của cộng đồng dân cư, Sở VH&TT sẽ báo cáo Hội đồng đặt, đổi tên đường TP và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định...

Là một người sống lâu đời tại quận Bình Thạnh và đang làm công quả ở Lăng Ông (Lăng tả quân Lê Văn Duyệt), ông Mai Quốc Trinh cho rằng: “Việc đổi tên đường thành Lê Văn Duyệt là rất hợp lý, hợp tình. Trước năm 1975, đoạn đường này mang tên Lê Văn Duyệt. Tôi còn nhớ đoạn trên đường còn có cả Trường nữ Lê Văn Duyệt dành cho các nữ sinh mặc áo dài trắng đi học. Mỗi giờ tan trường, áo dài trắng đi về phía Lăng Ông rợp cây xanh rất đẹp…”.

Rất nên đổi tên đường

Tả quân Lê Văn Duyệt là một tổng trấn Gia Định thành. Gia Định thành thời của tả quân Lê Văn Duyệt không chỉ là thành Gia Định là cả Nam bộ. Vì thế vai trò của Lê Văn Duyệt rất to lớn khi vừa xây dựng vừa bảo vệ Gia Định thành và cả miền Nam, giữ an ninh biên giới Tây Nam của đất nước. Ông cũng là người tổ chức chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế, một con kênh có giá trị về nhiều mặt ở miền Tây Nam bộ; khuyến khích khẩn hoang mở diện tích ruộng đất canh tác nông nghiệp; thi hành chính sách đoàn kết các dân tộc, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng…

Bên cạnh vai trò rất to lớn, cuộc đời ông rất thanh liêm, mẫu mực, chăm lo cho đất nước, nên tên của ông hoàn toàn xứng đáng để đặt tên đường nơi có Lăng tả quân Lê Văn Duyệt hiện diện.

TS VÕ VĂN SEN, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm