'TP.HCM sẽ hạn chế tạo ra sự chênh lệch địa tô'

Sáng 8-7, Hội nghị lần thứ 30 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM đã khai mạc. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan: TP.HCM sẽ xây dựng phương án giá bồi thường tiệm cận với giá thị trường để đảm bảo công bằng cho người dân. Ảnh: TÁ LÂM

25 dự án đầu tư trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã báo cáo về danh mục dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.
Ông Hoan cho biết, có 59 dự án dự kiến hoàn thành từ nay đến 9-2020, trong đó 58 dự án từ nguồn vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư khoảng 46.500 tỉ đồng và một dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với tổng vốn hơn 9.900 tỉ đồng.
Trong các dự án này có 15 dự án thuộc chương trình giảm ùn tắc giao thông, 14 dự án thuộc chương trình giảm ngập nước, hai dự án thuộc ngành văn hóa – thể thao, sáu dự án ngành y tế, bốn dự án cấp nước sạch...
Dự kiến đến năm 2020, TP.HCM có 30 dự án quy mô lớn sẽ hoàn thành tất cả các thủ tục đầu tư và tổ chức đấu thầu, khởi công bằng nguồn vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư là hơn 19.500 tỉ đồng.
Có 90 dự án đã đấu thầu, khởi công từ năm 2019 trở về trước dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, đáng chú ý có 4 dự án ODA trọng điểm với tổng mức đầu tư 95.855 tỉ đồng: xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, metro số 2 Bến Thành – Tham Lương, dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2 và dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2.
Ngoài bốn dự án trên, có hai dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỉ đồng, bao gồm các dự án trọng điểm như dự án xây dựng đường vành đai 2 đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, dự án xây cầu Thủ Thiêm 2.
Ngoài ra, có 64 dự án chuẩn bị đầu tư đến năm 2020 và dự kiến khởi công trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có 5 dự án ODA với tổng mức đầu tư gần 280.000 tỉ đồng, 21 dự án theo hình thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng, bảy dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỉ đồng, sáu dự án đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất dự kiến đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian tới với tổng mức đầu tư gần 55.000 tỉ đồng và 25 dự án đầu tư trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư tạm tính chưa bao gồm tiền sử dụng đất là hơn 38.000 tỉ đồng.

Tính đúng, tính đủ các chi phí, thiệt hại của người dân

Theo ông Võ Văn Hoan, việc triển khai các dự án thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ nên sắp tới UBND TP sẽ tập trung năm giải pháp lớn.
Giải pháp thứ nhất: TP sẽ thay đổi tư duy trong đề xuất và triển khai các dự án đầu tư công. Trong quá trình đề xuất dự án đầu tư công, cần phải đánh giá tính khả thi, cơ quan đề xuất phải chịu trách nhiệm trước UBND TP về các dự án do mình đề xuất.
Rà soát tổng thể danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Đối với các dự án chưa triển khai có thể giao cho tư nhân thực hiện thì đề xuất không tiếp tục sử dụng ngân sách nhà nước.
Thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc thực hiện các giải pháp như hợp tác công tư PPP.
Đối với các dự án đầu tư công đã triển khai và đi vào họat động, cần rà soát, tính toán lại hiệu quả tổ chức vận hành, xem xét hình thức đấu thầu giao cho doanh nghiệp quản lý vận hành theo đúng quy hoạch, chức năng và công năng của công trình.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị sáng nay. Ảnh: TÁ LÂM

Giải pháp thứ hai: Về công tác bồi thương, tái định cư và giải phóng mặt bằng, đối với các dự án có sử dụng đất ưu tiên chuyển nguồn vốn các dự án đầu tư công sang đầu tư tư nhân. Theo đó, nhà đầu tư sẽ bồi thường cho người dân theo cơ chế thị trường để thực hiện đầu tư xây dựng công trình. TP đóng vai trò tổ chức quy hoạch, hỗ trợ thủ tục hành chính và trung gian giải quyết những vấn đề khúc mắc giữa nhà đầu tư với người dân để đảm bảo công tác bồi thường theo đúng qui định của pháp luật.

Đối với các dự án TP phải trực tiếp xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong quá trình tổ chức quy hoạch, phê duyệt dự án cần phải có tầm nhìn tổng thể để thực hiện thu hồi đất, đảm bảo các tiêu chí khác nhau và hạn chế tạo ra sự chênh lệch địa tô.
Xây dựng phương án giá bồi thường tiệm cận với giá thị trường để đảm bảo tính khả thi, công bằng cho người dân, trong đó phải tính đúng, tính đủ các chi phí, thiệt hại mà người dân phải gánh chịu ngoài chi phí bồi thường về đất như vấn đề sinh kế, việc học, việc làm, đi lại, thời gian cần thiết để các hộ dân ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền lợi đối với các hộ dân.
Đối với các tổ chức cần nghiêm túc chấp hành chính sách của nhà nước về công tác bồi thường thu hồi đất, hạn chế tình trạng cùng một vị trí nhưng giá bồi thường hỗ trợ ở thời điểm sau cao hơn thời điểm trước. Rà soát lại quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng để tránh tình trạng hai lô đất cạnh nhau nhưng có giá trị bồi thường quá chênh lệch, hay đất nông nghiệp có giá bồi thường quá thấp so với đất ở.
Triển khai hiệu quả cơ chế quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP sau khi Chính phủ thông qua nghị quyết.
Giải pháp thứ ba: Về công tác quy hoạch, thực hiện rà soát tổng thể quy hoạch của TP, trong đó đảm bảo tính thống nhất quy hoạch chung của TP, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông... ưu tiên rà soát điều chỉnh quy hoạch khu vực xung quanh nhà ga của 5 tuyến đường sắt đô thị, các bến xe của TP theo hướng khai thác không gian ngầm, khai thác không gian trong bán kính 1 km để hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng, căn hộ phục vụ cho người dân, trừ khu vực trung tâm 930 ha đã có quy hoạch.
Hoàn chỉnh quy hoạch không gian ngầm, trong đó ưu tiên tập trung phát triển khu trung tâm vùng lõi 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và đây là hình mẫu để nhân rộng ra các khu vực khác.
Xây dựng kế hoạch và khu vực ưu tiên, trong đó xác định những khu vực sẽ ưu tiên phát triển trước để tạo ra giá trị gia tăng và tiện ích cho người dân trong khu vực. TP sẽ thực hiện khu vực kêu gọi tư nhân thực hiện, khu vực TP và tư nhân phối hợp kết hợp để tổ chức thực hiện. Hạn chế tình trạng nhà nước đầu tư công trình bằng nguồn vốn ngân sách nhưng lại nâng cao giá trị đất đai cho doanh nghiệp, dẫn đến chênh lệch địa tô.
Giải pháp thứ tư: Về công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư tư nhân. Đối với khu đất công có diện tích nhỏ xen cài trong các khu đất thực hiện dự án đầu tư của doanh nghiệp, TP sẽ chủ động xây dựng những nguyên tắc để xử lý trình xin ý kiến các bộ ngành Trung ương để được hướng dẫn thực hiện một cách đồng bộ, thay vì phải hỏi ý kiến trong từng trường hợp cụ thể như hiện nay.
Giải pháp thứ năm: Về chính sách ưu đãi đầu tư, TP sẽ đề xuất Trung ương cho phép TP.HCM thực hiện một số cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, đẩy nhanh việc rà soát chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và dịch vụ, trong đó chú trọng đẩy nhanh phát triển các khu công nghiệp đã được Thủ tướng chấp thuận...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm