TP.HCM tăng cường hợp tác về giáo dục với Singapore

Sáng 26-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore Indranee Rajah. Nhiều nội dung quan trọng đã được hai bên thảo luận và thống nhất.

Hợp tác để giáo dục phổ thông TP.HCM được quốc tế thừa nhận

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thông tin về nguồn nhân lực của TP có lợi thế như dân số đông (hơn 10 triệu người), lực lượng lao động trẻ, có tay nghề cao (khoảng 4,5 triệu lao động; trong đó có khoảng 1,3 triệu lao động có bằng đại học (ĐH), cao đẳng trở lên). Cùng với đó, hiện TP còn có 80 trường ĐH, cao đẳng với hơn 600.000 sinh viên. Mỗi năm có 120.000 sinh viên ra trường.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore Indranee Rajah.

Ông Nhân chia sẻ giáo dục-đào tạo là một trong những ưu tiên của Việt Nam cũng như của TPHCM. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục bậc ĐH của TP chưa được quốc tế công nhận chất lượng, nhân lực trình độ cao trong khoa học, công nghệ và công nghiệp còn ít và chưa đạt chuẩn quốc tế. Các trường ĐH Việt Nam chưa thể dự đoán được các kỹ năng và đáp ứng được các yêu cầu mà thị trường lao động sẽ đòi hỏi trong tương lai gần do tốc độ thay đổi công nghệ từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra quá nhanh.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TP.HCM đã xây dựng chính sách phát triển nhân lực tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cao đẳng, ĐH gắn liền với nhu cầu của các doanh nghiệp, sự phát triển của nền kinh tế. Các cơ sở giáo dục đang nỗ lực xây dựng các chương trình liên kết đào tạo với các trường ĐH quốc tế, bên cạnh việc chuẩn hóa các chương trình đào tạo, gắn với nhu cầu phục vụ phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ và dịch vụ, từng bước áp dụng các chuẩn học thuật, quản trị ĐH và các chuẩn kiểm định giáo dục quốc tế...

Bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore bắt tay Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan.

Cùg với đó, TP.HCM cũng đang có nhu cầu đổi mới hệ thống giáo dục từ cấp tiểu học đến ĐH. Đồng thời có nhu cầu đổi mới đào tạo để tạo nguồn nhân lực mới trong tương lai, là những "hạt nhân" tại các khu đô thị sáng tạo, khu công nghệ cao và đáp ứng nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ thực tiễn đó, bí thư Thành ủy TP.HCM đề xuất tăng cường hợp tác chiến lược về lĩnh vực giáo dục giữa TP.HCM và Singapore.

Trên cơ sở nhu cầu của TP.HCM, thế mạnh của Singapore, TP mong muốn ký MoU hợp tác giáo dục với Singapore với mục tiêu nâng cao chuẩn giáo dục phổ thông TP lên tầm quốc tế, chuẩn hóa trình độ cán bộ quản lý cấp cao tại các cấp giáo dục phổ thông. Song song đó là việc hợp tác xây dựng chương trình ĐH chuẩn quốc tế ở một số ngành, thúc đẩy xây dựng các phòng thí nghiệm dùng chung ở những lĩnh vực AI, ICT, khoa học dữ liệu, tự động hóa, tài chính... và hợp tác về kiểm định chất lượng giáo dục bậc ĐH, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế luân phiên tại hai nước.

Bà bộ trưởng Bộ Giáo dục bắt tay Phó Giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM Lê Hoài Nam.

Trong trường hợp phía Bộ Giáo dục Singapore đồng ý, TP sẽ gửi dự thảo biên bản ghi nhớ để bộ có ý kiến. TP sẵn sàng ghi nhận các đề xuất của Bộ trong việc xác định những lĩnh vực hợp tác cần đẩy mạnh cũng như thứ tự ưu tiên.

Ngoài ra, Bí thư Nhân cũng đề nghị phía Bộ Giáo dục Singapore nhiều nội dung hợp tác khác như cùng thành lập các chương trình trao đổi để đưa sinh viên năm cuối tại các trường ĐH của TP sang thực tập tại Singapore và ngược lại; các trường ĐH giữa hai nước tổ chức các diễn đàn, hội chợ doanh nghiệp khởi nghiệp để hai bên có dịp cọ xát, tạo thị trường nhân lực cho cả hai phía. Tạo các phòng nghiên cứu dùng chung trong hai lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học. Ngoài ra, hiện nay TP.HCM chưa có trường đào tạo hiệu trưởng nên TP.HCM cũng rất mong muốn TP.HCM và Singapore thành lập trường đào tạo hiệu trưởng tại TP.HCM.

Bà Indranee Rajah hoan nghênh các đề xuất của bí thư Thành ủy TP.HCM. Bà bộ trưởng cho biết Singapore sẽ nghiên cứu để cùng TP.HCM đề xuất triển khai hợp tác các lĩnh vực cụ thể. "Singapore cũng muốn đẩy mạnh trao đổi giáo dục với các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng để sinh viên của họ có điều kiện trải nghiệm văn hóa, học ngôn ngữ các nước" - bà nói.

Đề xuất hợp tác trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu

Ngay sau buổi làm việc với Bộ Giáo dục Singapore, đoàn cũng đã làm việc với ông Peter Ho, cố vấn cấp cao của Trung tâm Tương lai Chiến lược (Centre For Strategic Futures - CSF)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và ông Peter Ho.

Ông Peter Ho đã giới thiệu với đoàn về nhiệm vụ và tầm nhìn của trung tâm này là nghiên cứu để tham mưu với chính phủ Singapore những vấn đề rủi ro có thể xảy ra trong tương lai trong các lĩnh vực kinh tế, địa chính trị, thiên nhiên, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, bệnh dịch, tăng trưởng dân số… Bí thư Thành ủy cho rằng những lĩnh vực nghiên cứu của trung tâm cũng là những vấn đề TP.HCM rất quan tâm.

Vì vậy, bí thư mong muốn hai bên tăng cường mối quan hệ trao đổi và CFS sẽ tư vấn cho TP.HCM các định hướng phát triển phù hợp. Ông Petter Ho bày tỏ trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục có những trao đổi về những lĩnh vực cùng quan tâm và chia sẻ.

Chính phủ Singapore có sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục nghề nghiệp

Singapore được biết đến là một đất nước có các chương trình hỗ trợ rất lớn cho giáo dục. Trong hệ thống giáo dục chung, chính sách của chính phủ Singapore là ưu tiên hỗ trợ số một cho hệ thống Viện Giáo dục kỹ thuật, tiếp theo là hệ thống các trường kỹ thuật và cuối cùng mới là hệ thống ĐH.

Chính phủ Singapore đầu tư 100% vào “phần cứng” bao gồm cơ sở hệ thống trường lớp, thiết bị đào tạo, nơi sinh hoạt vui chơi, hoạt động thể thao, không gian văn hóa, văn nghệ, giải trí của học sinh, sinh viên... và chi 96% các chi phí thường xuyên của các viện này.

Học sinh, sinh viên học nghề gần như được đào tạo miễn phí, chỉ phải đóng 4% trong tổng kinh phí chi thường xuyên của trường.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp Singapore có vai trò quan trọng góp phần làm tăng năng suất lao động, tăng trưởng GDP đất nước, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Có được vai trò và thành tích như vậy là do chính phủ Singapore có sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục nghề nghiệp.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm