TP.HCM thống nhất phương án sắp xếp phường, xã

Ngày 7-8, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo của Thường trực UBND TP về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021.

Cụ thể, Thường trực UBND TP.HCM thống nhất nội dung Tờ trình số 2876 ngày 26-7-2019 của Sở Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021.

Phương án sắp xếp phường ở TP.HCM.

Phương án cụ thể như sau: Đối với đơn vị hành chính cấp huyện (24 quận, huyện) sẽ giữ nguyên như hiện nay, còn đối với đơn vị hành chính cấp xã có chín trường hợp sáp nhập hai phường thành một phường, một trường hợp sáp nhập ba phường thành một phường.

Tại quận 2: Phường An Khánh và Thủ Thiêm sẽ được sáp nhập thành phường mới có diện tích 3,25 km2 và 428 người.

Phường Bình Khánh và Bình An sẽ được sáp nhập thành một phường mới với diện tích 3,92 km2 và hơn 23.100 người.

Tại quận 3: Phường 6, 7 và 8 sẽ được sáp nhập vào một phường mới với diện tích 2,20 kmvà hơn 36.700 người.

Tại quận 4: Phường 2 và 5 được sáp nhập làm một phường mới với diện tích 0,35  km2 và 17.400 người.

Phường 12 và 13 được sáp nhập thành phường mới với diện tích 0,85  km2 và hơn 18.500 người.

Tại quận 5: Phường 12 và 15 được sáp nhập thành phường mới với diện tích 0,57  km2 và hơn 17.300 người.

Tại quận 10: Phường 2 và 3 được sáp nhập thành phường mới với diện tích 0,30  km2 và hơn 24.800 người.

Tại quận Phú Nhuận: Phường 11 và 12 được sáp nhập thành phường mới với diện tích 0,39  km2  và hơn 15.500 người.

Phường 13 và 14 được sáp nhập thành phường mới với diện tích 0,29 km2 và hơn 16.600 người.

Như vậy, với phương án sắp xếp như trên sẽ giảm được 10 đơn vị (từ 322 phường, xã xuống còn 312), trong đó quận 2 giảm hai phường, quận 3 giảm hai phường, quận 4 giảm hai phường, quận 5 và 10 cùng giảm một phường và quận Phú Nhuận giảm hai phường.

So với phương án trước đây, số lượng phường phải sắp xếp giảm sáu trường hợp. Lý do là Sở Nội vụ đã tính toán lại theo số liệu dân số cấp huyện, xã (số liệu mới nhất từ đợt tổng kiểm kê dân số vừa qua) được Tổng cục Thống kê cung cấp vào ngày 18-7.

Hiện nay TP.HCM có 24 đơn vị hành chính cấp huyện và 322 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số trung bình của TP.HCM cao nhất nước với hơn 8,5 triệu người, cứ năm năm lại tăng thêm 1 triệu người. Dự kiến đến năm 2025, dân số TP.HCM sẽ đạt trên 10 triệu người. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh, dự kiến đến năm 2030 tỉ lệ đô thị hóa đạt 80%-90%. Nhưng tình trạng quá tải hạ tầng, giao thông, trường học, bệnh viện trên diện rộng tạo áp lực rất lớn lên bộ máy quản lý nhà nước.

Những phường thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn này đều là những phường ở vị trí lõi trung tâm của TP.HCM, áp lực quản lý hành chính, quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân không chỉ tại địa phương mà còn khách du lịch, bệnh nhân, thân nhân người bệnh, người dân tạm cư ở mức rất cao, cao gấp nhiều lần dân số địa phương như tại BV Chợ Rẫy, BV Hùng Vương, ký túc xá Trường ĐH Bách khoa...

Từ phương án sắp xếp như trên, Thường trực UBND TP.HCM giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh nội dung báo cáo (đầy đủ các phụ lục, số liệu liên quan), tham mưu văn bản của UBND TP trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định.

 

Trước đây TP.HCM nhiều lần sáp nhập các đơn vị hành chính. Sau năm 1975, quận 7 nhập vào 8 thành quận 8 bây giờ. Quận 1 hiện hữu cũng được ghép từ quận Nhì. Quận Bình Thạnh được sáp nhập từ quận Bình Hòa với Thạnh Mỹ Tây. Còn quận 9 trước đây nhập với huyện Thủ Đức thành huyện Thủ Đức, sau đó lại tách ra thành quận 9 và quận Thủ Đức...

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người.

Còn quy mô dân số của phường (thuộc quận) từ 15.000 người trở lên; diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên; xã là từ 5.000 đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2. Tất cả đơn vị không đạt hai tiêu chí này phải sắp xếp lại.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm