Toàn TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9-7

TP.HCM thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dịch

Chiều 7-7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ toàn TP trong 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9-7.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kêu gọi người dân TP bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch
của trung ương và TP. Ảnh: TTBC

Quyết tâm nhanh chóng dập dịch

Lý do đưa ra quyết định này, theo ông Phong, mặc dù cả hệ thống chính trị và nhân dân TP đã vào cuộc quyết liệt và triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo nhưng do tính chất phức tạp của đại dịch nên cần phải làm quyết liệt hơn nữa là áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Trên tinh thần đó, ông Phong yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng chống dịch để đạt kết quả cao nhất. Đồng thời thông tin rõ cho người dân các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Cùng với đó, chính quyền cơ sở cần yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp cần thiết khác...

Đảm bảo đủ hàng hóa cung ứng cho người dân

Về hàng hóa, theo ông Phong, hiện nay đã tạm ngưng hoạt động ba chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức và một số chợ truyền thống để đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng hàng hóa của TP vẫn được duy trì ổn định.

Ông giao Sở Công Thương tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh…), gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Riêng Saigon Co.op đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng.

Cùng với đó, gia tăng các giải pháp mua sắm trực tuyến của 17 siêu thị, hệ thống phân phối lớn, đồng thời tổ chức các điểm bán bổ trợ, đi chợ thay cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại để đặt hàng, mua sắm trực tuyến.

Với năng lực dự trữ và cung ứng của các hệ thống phân phối, ông khẳng định TP đủ lượng hàng cung ứng và các điểm bán phân phối hàng hóa, đảm bảo duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ông đề nghị người dân không tập trung đông mua sắm tích trữ hàng hóa, không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch và hãy cùng đồng hành trách nhiệm với TP để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

Dừng xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống

Về hoạt động GTVT, ông giao Sở GTVT tạm ngừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng ô tô, trừ trường hợp vận chuyển cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân… và một số phương tiện taxi chở người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết.

Tạm ngừng hoạt động xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe hai bánh truyền thống (xe ôm) vận chuyển hành khách.

Sở cũng chủ động kiến nghị Bộ GTVT xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đi, đến TP.HCM...

Về hoạt động của các cơ quan nhà nước, ông Phong giao Sở Nội vụ chuẩn bị phương án thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn.

Trong đó, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người sử dụng lao động sử dụng công nghệ thông tin và làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác mới đến làm việc tại công sở.

Số lượng làm việc tại công sở do người đứng đầu các cơ quan quyết định nhưng không quá 1/3 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị. Riêng lực lượng vũ trang và y tế đảm bảo 100% quân số.

Cùng với đó, đẩy mạnh giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp (trường hợp đặc biệt do từng cơ quan, đơn vị quyết định).

Về phòng chống dịch, Sở Y tế chuẩn bị kế hoạch tổ chức để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian 15 ngày TP thực hiện Chỉ thị 16. Trong đó, tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch theo quy trình năm bước của TP. Tăng cường năng lực xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân, người lao động có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành chỉ tiêu lấy 5 triệu mẫu toàn TP…

Sở cũng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhóm có nguy cơ cao và các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung. Thẩm định xong và tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao với 56.000 lao động vừa cách ly vừa sản xuất...•

 

Chỉ thị 16 không phải là liều “thuốc tiên” đẩy lùi ngay dịch

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi đề nghị các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị 16 trên toàn TP.

Theo ông Mãi, bản thân Chỉ thị 16 không phải là liều “thuốc tiên” đẩy lùi ngay dịch COVID-19, mà chính sự hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt mới mang lại kết quả như mong muốn.

Do đó, ông Mãi cho rằng cần có sự chung tay của hệ thống truyền thông và MTTQ - các đoàn thể ở cơ sở phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, nói cho từng người, từng nhà hiểu và thực hiện đúng; trước hết là thực hiện nghiêm 5K: Đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn, giữ khoảng cách 2 m, không tập trung quá hai người, khai báo y tế.

Các địa phương, các ngành quán triệt đầy đủ, sâu và tổ chức thực hiện triệt để tinh thần Chỉ thị 16 lần này để sau 15 ngày TP sẽ kiểm soát được tình hình; không để kéo dài hơn nữa vì ảnh hưởng của nó đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của TP là rất to lớn.

Trong thời gian tới, ông Mãi cũng đề nghị các địa phương và MTTQ - các đoàn thể hết sức quan tâm, tổ chức các hoạt động chăm lo cho người dân, không để ai bị thiếu đói hoặc khó khăn cùng cực...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm