TP.HCM trân trọng mời người lao động ở lại làm việc

Chiều 7-10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch trên địa bàn thời gian qua.

19 quận, huyện đề nghị công bố kiểm soát dịch

Trả lời câu hỏi về đánh giá hiệu quả sau một tuần thực hiện bình thường mới, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, phục vụ sản xuất, kinh doanh ngày càng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đông đảo của người dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Theo ông Hải, công tác phòng chống dịch ngày càng đạt nhiều hiệu quả tích cực được thể hiện qua các con số. Cụ thể, từ ngày 1 đến 3-10, số DN hoạt động trở lại là 5.279 DN, đến ngày 6-10 tăng lên 9.200 DN.

Nhân viên Siêu thị Co.opXtra Tân Phong (quận 7, TP.HCM) tất bật làm việc để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Về hoạt động của khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX&KCN), trước ngày 1-10, chỉ có khoảng 70.000/288.000 lao động làm việc ở KCX&KCN (chiếm 24,3%), số DN hoạt động là 746/1.412 DN (chiếm 52%). Đến ngày 6-10, đã có 164.000 lao động và 972 DN hoạt động trở lại.

Ở khu công nghệ cao, trước ngày 1-10, chỉ có 25.000/50.000 công nhân làm việc ba tại chỗ nhưng đến ngày 6-10, đã có 27.300 công nhân và 88/118 DN hoạt động trở lại.

“Các hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCX&KCN, khu công nghệ cao tiếp tục thu hút lao động sau khi nới giãn cách. Dù vậy, số lao động mới ở KCX&KCN mới đạt 56,8% và khu công nghệ cao mới đạt 54,6%” - ông Hải nói và cho rằng đây là bài toán lớn đối với TP.HCM khi rất nhiều người đã về quê theo nguyện vọng. “TP.HCM luôn trân trọng và ghi nhận người lao động bởi đã góp phần phát triển TP và trân trọng mời người lao động ở lại làm việc” - ông Hải nói.

Người phát ngôn Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho rằng nếu ai thật sự có nguyện vọng về quê thì Bộ Tư lệnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức về quê theo nguyện vọng, đảm bảo ba yêu cầu: Nguyện vọng của người lao động, sức khỏe và phòng chống dịch; ưu tiên người già, phụ nữ mang thai và trẻ em.

Ông Phạm Đức Hải cũng cho biết tính đến ngày 6-10, TP.HCM đã có 19 quận, huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công nhận kiểm soát dịch. Riêng quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chưa được đề nghị.

Liên quan đến việc UBND quận 7 đề nghị UBND TP.HCM cho phép các cơ sở trên địa bàn được bán đồ ăn tại chỗ có mâu thuẫn Chỉ thị 18 hay không, ông Phạm Đức Hải cho rằng việc UBND quận 7 đề xuất, hỏi ý kiến UBND TP là đúng. Tuy nhiên, ông Hải không bình luận thêm về vấn đề này.

Số ca tử vong tại TP.HCM liên tục giảm

Tại họp báo, ông Phạm Đức Hải cho biết ngày 6-10, TP.HCM có 1.205 bệnh nhân nhập viện và 2.740 bệnh nhân xuất viện, 92 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Hiện đang điều trị cho 20.905 bệnh nhân, trong đó có 631 bệnh nhân nặng phải thở máy.

Về số ca tử vong, ông Hải cho biết liên tục giảm dưới ba con số. Cụ thể, từ ngày 2-10 đến nay, số ca tử vong tại TP.HCM liên tục dưới ba con số (trừ ngày 4-10): Ngày 2-10 có 79 ca, ngày 3-10 có 93 ca, ngày 5-10 có 88 ca và ngày 6-10 có 92 ca. 

TP.HCM dự kiến cho học sinh đi học trở lại vào đầu năm sau

Trả lời câu hỏi về việc dạy học trực tuyến, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết tỉ lệ học sinh TP.HCM học trực tuyến ở cấp THPT đạt 99,8% (225.855/226.308 em). Ở cấp THCS, số học sinh học trực tuyến đạt tỉ lệ khá cao với 97,9% (438.299/ 447.701 em) và cấp tiểu học đạt tỉ lệ 97,73%.

Cũng theo ông Hiếu, cấp tiểu học hiện có hơn 30.000 em còn kẹt lại ở các tỉnh khác, hơn 26.000 em ở tỉnh nhưng đăng ký học trực tuyến tại các trường, trên 5.000 em chưa có thiết bị đang học tạm tại các trường tiểu học của các tỉnh, TP khác.

Hiện TP có 12 hệ thống phần mềm được cung cấp miễn phí cho các trường, sở đã chủ động phân luồng để thuận tiện trong triển khai học trực tuyến. Kết quả dạy học hai tuần đầu cho thấy việc tiếp nhận kiến thức đối với học sinh tiểu học khá tốt, clip dạy học trên truyền hình cũng khá phong phú... 

Về vấn đề đi học trở lại, ông Hiếu cho biết TP.HCM hiện có hơn 1.500 cơ sở giáo dục được trưng dụng vào phòng chống dịch COVID-19. Đến nay, mới có 150 trường được bàn giao để phục hồi, khử khuẩn, chuẩn bị đưa vào dạy học trực tiếp.

“Khoảng giữa tháng 11-2021 sẽ hoàn tất chuyển giao trường học. Như vậy, ngành GD&ĐT sẽ có hơn một tháng để sửa chữa, khắc phục, hoàn chỉnh nhằm đảm bảo dạy và học trực tiếp sau khi được sự cho phép của UBND TP cũng như kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo bộ tiêu chí của an toàn trường học. Dự kiến đầu tháng 1-2022, TP.HCM sẽ dạy học trực tiếp” - ông Hiếu nói.

Ba quận có tỉ lệ chi trả gói hỗ trợ đợt 3 đạt trên 90%

TP.HCM đã chi hỗ trợ đợt 3 cho hơn 2,3 triệu người. Ba quận có tỉ lệ chi trả cao nhất đạt trên 90% là quận Phú Nhuận, quận 5 và quận 1. Với tiến độ này, từ nay đến cuối tuần, các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ vượt trên 50% và hoàn thành nhiệm vụ chi trả. Theo kế hoạch đến ngày 15-10, TP.HCM sẽ kết thúc, chi trả đợt 3.

Ông NGUYỄN VĂN LÂMPhó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Lao động muốn về lại TP.HCM phải tiêm mộtmũi vaccine

Trả lời câu hỏi người lao động chưa tiêm vaccine có về TP.HCM được không, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết Công văn 3252 ngày 1-10 của UBND TP có nêu phương án vận chuyển người lao động từ các tỉnh đến TP.HCM làm việc. Để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, người dân cần tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh. Do vậy, người lao động muốn quay lại phải đảm bảo điều kiện này.

“Nếu làm việc tại các DN ngoài KCN thì gửi phương án đi lại đến các đầu mối, tổng hợp gửi danh sách đến Sở GTVT, đi lại bằng xe đưa rước tập trung” - ông An nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm