TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL bắt tay phát triển du lịch

Ngày 14-12, tại Bạc Liêu đã diễn ra Hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần II năm 2019.

Muốn phát triển du lịch phải liên kết

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Để phát triển du lịch, TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL nhất định phải liên kết. Theo ông Nhân, TP.HCM liên kết không chỉ vì các địa phương mà vì chính mình.

Các đại biểu tham gia hội nghị.

“Chúng ta cần phải xác định phát triển du lịch xuất phát từ nhu cầu của mỗi địa phương hay nhu cầu của khách hàng, đây là một bài học lớn. Theo tôi là vì nhu cầu khách hàng. Khách hàng đi du lịch không phải họ đến TP.HCM hay từng địa phương, họ đi vì nhu cầu muốn xem và thưởng thức nhiều thứ. Nhu cầu của họ thì rất nhiều, một địa phương không thể đáp ứng được. Ví dụ, muốn mua sắm thì đến TP.HCM, muốn sông nước đến ĐBSCL, chúng ta rất cần tuyến du lịch đáp ứng cả hai vấn đề này và chỉ liên kết mới làm được” - bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.

Nói về lợi thế phát triển du lịch của 14 tỉnh, thành, ông Nhân cho biết TP.HCM có thế mạnh là một trong những điểm du lịch lớn nhất cả nước, chiếm 1/2 du khách quốc tế. TP với thế mạnh là mua sắm, hội nghị và một số dịch vụ văn hóa. Thế mạnh tiếp theo, TP.HCM là trung tâm đào tạo nhân lực du lịch lớn nhất cả nước, đây là lợi thế cần phát huy gắn với nhu cầu của toàn vùng. Thứ ba là tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và lịch sử.

Một số hạn chế trong phát triển du lịch hiện nay cũng được Bí thư Nhân đưa ra. Theo đó, ĐBSCL còn nhiều tài nguyên chưa được chuẩn hóa, quốc tế hóa trình độ cung cấp dịch vụ, ít nhiều còn hoang sơ, cần phải nâng chất và chuẩn hóa để khách tiếp cận thoải mái và tự tin. Hạn chế này không thể khắc phục ngay lập tức, chúng ta đặt mục tiêu mỗi tỉnh chọn một vài điểm làm điểm nhấn nâng cấp cho khách quốc tế đến thì sẽ chuẩn hóa dần lên.

Hạn chế thứ hai là hạ tầng giao thông ĐBSCL còn kém, ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Thứ ba là số lượng doanh nghiệp làm du lịch còn ít và liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và trường đào tạo nghiệp vụ còn hạn chế.

Mỗi người dân là một đại sứ du lịch

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cho rằng liên kết hợp tác trong phát triển vùng là xu hướng tất yếu và cần thiết trong phát triển kinh tế, văn hóa , xã hội của mỗi địa phương. Trong đó, liên kết phát triển trong du lịch cần được nhận diện là một trong những đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của các tỉnh, thành ĐBSCL cũng như TP.HCM.

Du khách tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng bản Dạ cổ hoài lang.

Theo ông Phong, 14 địa phương vừa có điểm chung vừa có sự khác biệt, do đó cần hình thành nên một thương hiệu du lịch chung toàn vùng và tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực; đặt mục tiêu tăng chi tiêu bình quân và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

“Để sự liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và ĐBSCL có hiệu quả và thực chất hơn, tôi đề nghị chúng ta phải quan tâm giải quyết hai vấn đề cốt lõi là vận hành hiệu quả Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng và đảm bảo nguồn vốn chi cho hoạt động đầu tư phát triển vùng” - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM.

Nói về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, ông Phong cho rằng 14 tỉnh, thành cần ưu tiên tập trung đẩy nhanh kết nối về mặt giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Trong đó ưu tiên phát triển các loại hình du lịch đường thủy - một trong những lợi thế của vùng ĐBSCL và mở rộng đường hàng không (đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành).

Song song đó, đẩy mạnh hình thành những sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng của vùng, tạo sự khác biệt rõ nét với các vùng du lịch phía bắc và miền Trung.

“Sự hình thành mới các điểm du lịch cần hướng đến mục tiêu tạo nên sự đa dạng các điểm liên kết trong một hành trình của du khách khi đi qua các địa phương. Chúng ta có thể mường tượng du khách sẽ đến Bến Tre thưởng thức các đặc sản dừa, ghé Trà Vinh để ăn bánh pía, qua Đồng Tháp thưởng trà sen, rồi đến Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử, về TP.HCM mua sắm…” - ông Phong nói.

Đồng thời, các địa phương còn phải liên kết trong công tác quảng bá, truyền thông cần phải đi vào cụ thể và có sản phẩm chung; phát triển du lịch trong xu hướng của du lịch thông minh và du lịch xanh. Phải hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch, mỗi người dân thực sự trở thành đại sứ du lịch, thực hiện sứ mệnh quảng bá du lịch vùng, chào đón du khách. 

Lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm