TP.HCM và các tỉnh cam kết cuối năm sẽ khởi công đường vành đai 3

(PLO)- Tại tọa đàm trực tuyến về kết nối giao thông vành đai liên vùng do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức diễn ra vào ngày 4-5
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại tọa đàm trực tuyến về kết nối giao thông vành đai liên vùng do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức diễn ra vào ngày 4-5, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết dự án đường vành đai 3 (kết nối các địa phương Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP.HCM) có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực chiếm 45% GDP của cả nước, đầu mối giao thông lớn kết nối với quốc tế.

Việc triển khai tuyến vành đai 3 TP.HCM sẽ giải quyết ùn tắc giao thông vùng nội đô các tỉnh; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư, nhất là các khu chế xuất, khu công nghiệp. Từ đó tăng cường kết nối giao thông các tỉnh trong vùng, đặc biệt từ đông sang tây, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Một đoạn dự án vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn) đã hoàn thành và đang được khai thác. Ảnh: ĐÀO TRANG

Một đoạn dự án vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn) đã hoàn thành và đang được khai thác. Ảnh: ĐÀO TRANG

Vì vậy, khi được Quốc hội thông qua chủ trương, các địa phương phải bắt tay triển khai ngay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. “TP.HCM và các tỉnh liên quan đã thống nhất chủ trương tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng để thể hiện quyết tâm triển khai bằng được. Theo tiến độ, giải phóng mặt bằng dự kiến cuối năm nay sẽ bắt đầu và cuối năm sau sẽ khởi công xây dựng…” - ông Lâm nói.

Với vai trò đầu mối, ông Lâm cho biết sắp tới TP.HCM sẽ xây dựng quy chế phối hợp với các tỉnh để triển khai dự án.

“Nếu Quốc hội thông qua, chúng tôi tin tưởng bằng sự quyết tâm của các địa phương, sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, tiến độ dự án vành đai 3 đáp ứng theo kỳ vọng. Cụ thể, dự án sẽ cơ bản kết thúc năm 2025, năm 2026 hoàn thành toàn bộ, năm 2027 quyết toán. Như vậy, vốn trải qua hai giai đoạn 2020-2025 là 81%, giai đoạn tiếp theo là 19%, đáp ứng dùng vốn hiệu quả, đúng như tiến độ đã cam kết…” - ông Lâm cho hay.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương thông tin nhiệm vụ xây dựng dự án vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 thủ đô Hà Nội được đề cập trong các nhiệm vụ triển khai nhiệm kỳ 2021-2025. Số lượng đường cao tốc trong nước đạt được khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước.

Chính vì vậy, đặt ra mục tiêu hoàn thành hai tuyến đường vành đai số 3 TP.HCM và vành đai 4 Hà Nội tại thời điểm hiện nay hết sức hợp lý khi quãng thời gian của giai đoạn 2011-2020, chúng ta không có điều kiện làm được.

Đề cập đến cơ chế nguồn vốn cho đầu tư, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết trên cơ sở triển khai dự án cao tốc phía đông giai đoạn 2, Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho hai dự án vành đai 3, vành đai 4 thủ đô.

Theo đó, Chính phủ xin phép sử dụng linh hoạt nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để phát triển dự án. Cụ thể, tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương. Cạnh đó, cho Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, đặc biệt trong giai đoạn 2024-2025.

Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu ngân sách địa phương, bao gồm nguồn thu sử dụng đất để hoàn trả ngân sách địa phương trong giai đoạn 2026-2030.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm