TP.HCM với ba nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia có biển. Chính vì vậy, mỗi quốc gia cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng với BĐKH mà vai trò của cộng đồng phải được đặt lên trên hết.

Chung tay tìm giải pháp ứng phó với BĐKH

BĐKH đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, làm băng tan, nước biển dâng cao; là các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài… Từ đó, dẫn đến thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm…

Giảm phát thải khí giao thông là một torng những nhiệm vụ được TP.HCM quan tâm thực hiện để ứng phó với BĐKH

Tại Việt Nam, trong hơn nửa thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0.5ºC và lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam. Bộ số liệu quan trắc hàng ngày từ mạng lưới các trạm khí tượng trên 7 vùng khí hậu Việt Nam giai đoạn 1961-2007 cho thấy, xu thế tăng của nhiệt độ tại các trạm quan trắc trên lãnh thổ Việt Nam phổ biến vào khoảng 0.15-0.25ºC/thập kỷ và có sự khác nhau giữa các trạm. Số cơn bão trên biển Đông ảnh hưởng đến nước ta ít đi nhưng ngược lại số cơn bão mạnh có chiều hướng tăng lên, mùa bão kết thúc muộn, quỹ đạo của bão cũng có nhiều thay đổi.

Trong đó, khu vực ven biển miền Trung đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và nước biển dâng. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn cục độ và gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng.

Tại TP.HCM, những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất phải kể đến là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường. Thống kê cho thấy, năm 2014 TP.HCM có khoảng 154 xã, phường thường xuyên ngập úng. Đến năm 2050, Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) dự báo con số này lên đến 177, chiếm 61% diện tích của thành phố. Theo dự báo, trong 10 năm tới, nhiệt độ trung bình ở TP.HCM sẽ tăng 0,5-0,8 độ C.

Tranh thủ sự hợp tác quốc tế

Trước thực trạng trên, tại Việt Nam, hầu hết các địa phương đều triển khai nhiều giải pháp thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, với năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế, Việt Nam mong muốn có sự chia sẻ, hợp tác và giúp đỡ của các quốc gia ở khu vực và trên thế giới.

Trong chiến lược quốc gia về được BĐKH Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2139/QĐ-TTg nêu rõ: Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn.

Chính vì vậy, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH (NAP) giai đoạn 2021-2030. Ngay sau đó, UBND TP.HCM cũng đã có Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP.HCM đề xuất thực hiện 56 chương trình, dự án, được phân kỳ theo 2 giai đoạn: Giai đoạn năm 2020 với 17 chương trình, dự án do 12 Sở, ban, ngành chủ trì và giai đoạn từ 2021 đến năm 2030 với 39 chương trình, dự án do 15 Sở, ban, ngành chủ trì.

Theo kế hoạch này, TP.HCM sẽ thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm, gồm: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với BĐKH và chuẩn bị nguồn nhân lực. 

Với sự nỗ lực ở tất cả các ngành, các cấp (toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương), mong rằng trong tương lai Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung sẽ thích ứng với các tác động của BĐKH, giảm tính dễ bị tổn thương của cộng đồng và tăng cường năng lực để đối phó với rủi ro thảm họa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm