TP.HCM xây dựng kế hoạch 2 giai đoạn kiểm soát dịch trước ngày 15-9

Sáng 13-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo định kỳ để cung cấp thông tin về dịch bệnh trên địa bàn.

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM chủ trì điểm cầu Thành ủy TP.HCM; ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì điểm cầu Trung tâm Báo chí TP.HCM.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức. Ảnh: TÁ LÂM

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Dương Anh Đức cho rằng vấn đề quan tâm nhất hiện nay của TP.HCM là tỉ lệ tử vong cao, trung bình 241 ca tử trong những ngày gần đây.

Do vậy, TP.HCM đang tập trung nâng cao điều trị để giảm các ca tử vong. Để làm được điều này, ông Đức cho rằng điều tiên quyết là phải giảm ca F0 chuyển nặng, từ đó giảm áp lực tầng trên.

TP.HCM đã phối hợp với Bộ Y tế đưa vào hoạt động thêm 4 trung tâm hồi sức tích cực quy mô 1.750 giường; nâng cao năng lực của Trung tâm cấp cứu 115; thành lập 5 cơ sở cấp cứu vệ tinh của Trung tâm cấp 115.

Nhận định chung, ông Dương Anh Đức cho rằng dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, số ca nhiễm tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, khả năng sau thời gian kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tăng cường (sau ngày 15-8), số ca nhiễm vẫn ở mức trên 3.000 ca mỗi ngày.

Theo ông Đức, TP.HCM đang xây dựng kế hoạch tăng cường phòng chống dịch trong giai đoạn từ 15-8 đến 15-9. Trong đó, phân ra hai giai đoạn từ 15-8 đến cuối tháng 8 và 1-9 đến 15-9. “Mỗi giai đoạn sẽ xác định nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm đến 15-9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh” - ông Đức nói.

Trong thời gian tới, ông Đức cho biết TP.HCM sẽ tập trung các biện pháp để giảm F0, trong đó giãn cách xã hội vẫn là biện pháp quan trọng nhất. “Nếu cách ly triệt để nhà với nhà, đặc biệt là trong khu phong tỏa thì sẽ giảm được các ca F0 phát sinh. Nhà nào không có F0 thì sẽ duy trì không có F0, còn nếu một người trong gia đình có F0 thì cùng lắm cũng chỉ lây nhiễm những người trong gia đình đó” – ông Đức nói.

Theo ông Đức, không để xảy ra tình trạng "chặt ngoài nhưng lỏng" trong - đây là biện pháp mấu chốt để giảm các ca F0. Cùng với đó, TP sẽ phát huy mô hình tự quản vùng xanh, mở rộng mô hình này để phủ xanh toàn thành phố.

Còn để bóc tách F0, ông Đức cho biết TP.HCM sẽ tập trung xét nghiệm. “Kết hợp với các biện pháp cách ly người với người, tôi tin rằng TP sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh” – ông Đức nói.

 

Về tiêm vaccine phòng COVID-19, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định đến thời điểm này hầu như đã tiêm hết nguồn cung cấp của Bộ Y tế. Thời gian qua, TP.HCM tổ chức tiêm rất linh động, ngoài các điểm tiêm cố định, TP còn tổ chức xe lưu động, đến từng nhà tiêm cho người dân.

Đến nay, những người có bệnh nền đã tiêm được hơn 450.000 người/650.000 người (đạt trên 70%). Hiện có hơn 4,3 triệu người dân trên địa bàn TP đã được tiêm vaccine.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh tiếp cận các nguồn vaccine khác, bổ sung thêm nguồn vaccine từ Bộ Y tế, cùng với đó là tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm, đã phân bổ đến các quận huyện.

TP.HCM cũng tiếp tục đàm phán để mua vaccine trong đó có 5 triệu liều vaccine của Moderna. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu trên thế giới muốn có vaccine Moderna rất cao, nên việc đàm phán mua loại vacine này rất khó khăn, nhất là việc đưa vaccine về trong tháng 10-2021.

Ông Đức cho biết TP sẽ nỗ lực để cải thiện nguồn vaccine với mong muốn vaccine đến sớm với người dân, giúp người dân bảo vệ sức khỏe tốt nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm