TP.HCM: Án hành chính tăng đột biến

Tại TP.HCM, từ khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực (1-7-2011) mở rộng điều kiện khởi kiện của người dân thì án hành chính tăng cao. Tại một số quận, huyện, án hành chính tăng đột biến, đặc biệt là ở những địa bàn có các dự án lớn liên quan đến việc bồi thường giải tỏa đất đai như quận 2, quận Bình Thạnh...

Theo TAND TP, trong năm qua, toàn ngành đã thụ lý 596 vụ án hành chính (tăng 63 vụ), giải quyết 361 vụ (đạt tỉ lệ gần 61%). Riêng ở quận 2, năm 2007 chỉ có vài vụ kiện hành chính thì nay chỉ trong vòng hai tháng (tháng 10 và 11-2011), tòa đã thụ lý đến 40 vụ kiện hành chính.

Bên bị kiện thiếu hợp tác, giá bồi thường lung tung…

TAND TP cho biết các khiếu kiện hành chính chủ yếu là khiếu kiện về quản lý đất đai trong trường hợp bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó là các khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp mã thuế, truy thu thuế của cơ quan thuế, cơ quan hải quan...

Án nhiều, “đụng chạm” nhiều nên thẩm phán phải chịu nhiều áp lực. Một vướng mắc trong thực tiễn xét xử án hành chính là sự bất hợp tác từ phía bị kiện là cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương. Theo một thẩm phán, trong khi người dân kiện ra tòa rất công phu, thuê luật sư bào chữa, đưa ra nhiều chứng cứ tranh luận thì đáp lại, phía cơ quan chính quyền thường chỉ trả lời đơn giản là “hồ sơ đã rõ” và bảo lưu quan điểm...

Đối với vấn đề áp giá bồi thường đất đai cũng nảy sinh nhiều tranh chấp. Thẩm phán Phạm Thao (Chánh án TAND quận 2) cho rằng hiện pháp luật chưa có khung pháp lý thống nhất về bồi thường giải tỏa nên mỗi dự án là một phương án bồi thường, dẫn đến sự không công bằng trong từng dự án và trong tổng thể quá trình đền bù giải tỏa. Chưa kể, việc giao nhận đất, phê duyệt giá bồi thường, các dự án được thực hiện trong nhiều thời điểm nên có việc cơ quan chức năng phải vận dụng nhiều nghị định của Chính phủ để bồi thường giải phóng mặt bằng. Thực trạng ấy đã dẫn tới hệ quả là cùng một thửa đất nhưng có nhiều đơn vị giải tỏa nên có nhiều giá bồi thường khác nhau…

TP.HCM: Án hành chính tăng đột biến ảnh 1

Án thương mại: Thỏa thuận chọn tòa được không?

Bên cạnh đó, một số vướng mắc trong việc giải quyết án kinh doanh, thương mại cũng đã được đưa ra mổ xẻ.

Theo Thẩm phán Nguyễn Công Phú, Phó Chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM, một khó khăn phổ biến mà các tòa thường gặp là việc xác định thẩm quyền giải quyết án kinh doanh thương mại do BLTTDS quy định không rõ. Từ đó phát sinh chuyện án bị đẩy qua đẩy lại làm việc giải quyết bị kéo dài, án bị hủy do các cấp tòa không thống nhất quan điểm.

Thẩm phán Phú đưa ra một ví dụ: Trong hợp đồng, các bên đương sự thỏa thuận nếu có tranh chấp sẽ do tòa án nơi có trụ sở của phía nguyên đơn giải quyết. Tuy nhiên, khi tòa tiếp nhận đơn kiện của một bên, trường hợp này đã phát sinh đến ba luồng quan điểm khác nhau về thẩm quyền.

Quan điểm thứ nhất nói tòa có thẩm quyền giải quyết vụ kiện là tòa được các bên lựa chọn trong hợp đồng, bất kể tòa cấp nào. Quan điểm thứ hai thì bảo đúng là các bên được lựa chọn tòa giải quyết tranh chấp trong hợp đồng nhưng phải phù hợp với quy định về phân cấp thẩm quyền của tòa, nếu không thỏa thuận lựa chọn tòa của các đương sự sẽ vô hiệu. Quan điểm thứ ba lại cho rằng tòa chỉ được chấp nhận thỏa thuận về việc lựa chọn tòa của các bên đương sự nếu thỏa thuận này có sau khi phát sinh tranh chấp, không chấp nhận thỏa thuận trong hợp đồng có trước tranh chấp.

Tỉ lệ giải quyết án hành chính thấp nhất

Trong năm 2011, toàn ngành tòa án TP thụ lý tổng cộng gần 48.000 vụ án các loại, đã giải quyết hơn 85% (tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, án hình sự thụ lý gần 8.400 vụ, đã giải quyết gần 99,3%; án hôn nhân gia đình thụ lý 19.316 vụ, đã giải quyết hơn 94%; án thương mại thụ lý 3.420 vụ, đã giải quyết gần 83%; án lao động thụ lý 1.142 vụ, đã giải quyết gần 89%.

Riêng án hành chính và dân sự có tỉ lệ đã giải quyết thấp nhất. Với án dân sự, toàn ngành tòa án TP thụ lý gần 16.000 vụ, đã giải quyết 69,03%; án hành chính thụ lý 596 vụ, chỉ mới giải quyết được 60,57%.

Trong năm, toàn ngành đã bị hủy hơn 400 vụ án, sửa gần 1.100 vụ (cấp TP bị hủy 66 vụ, sửa 128 vụ; cấp quận, huyện bị hủy 344 vụ, sửa 933 vụ). Trong đó, bị hủy do sai là 364 vụ, sửa do sai là 534 vụ.

Nâng cao chất lượng thẩm phán

Số lượng án sửa và hủy phần lớn lỗi chủ quan là do thẩm phán. Nhiều thẩm phán được đào tạo trong và ngoài nước, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận thẩm phán trình độ còn thấp, cần phải cải thiện, nâng cao. Đội ngũ thẩm phán cần phải tích cực nghiên cứu pháp luật hơn nữa để tìm hiểu về các tội phạm mới. Cần thiết phải đẩy mạnh chất lượng tranh luận tại phiên tòa.

Ông NGUYỄN VĂN ĐUA, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM

Các thẩm phán phải chịu khó nghiên cứu

Luật Tố tụng hành chính mở rộng thẩm quyền của tòa, mở rộng đối tượng bị kiện nên tới đây, ngành tòa án TP sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Án tăng, đụng chạm nhiều đến cấp ủy, chính quyền địa phương nên tòa án phải chuẩn bị lực lượng và bản lĩnh để xử án.

Theo tôi, dù là một thẩm phán kinh nghiệm mấy chục năm xét xử cũng phải không ngừng học hỏi để không lạc hậu. Ở tòa tối cao, sau mấy ngày đầu năm đã có một vụ có sự tranh chấp về mặt tố tụng phải dừng lại… cãi nhau. Luật của ta viết quá chung chung nên nhận thức mỗi nơi mỗi khác, mỗi người mỗi kiểu. Thẩm phán quận, huyện với thẩm phán thành phố chưa chắc ai hơn ai về mặt trình độ nhưng về mặt nhận thức có khác nhau thì tranh cãi rồi đi đến hủy án… Do vậy, thẩm phán phải chịu khó học tập, nghiên cứu nhiều hơn và nâng cao tinh thần trách nhiệm. Lỗi do nhận thức, lỗi do bất cập, thiếu thông tin có thể tha thứ chứ lỗi do cẩu thả, không chịu nghiên cứu học tập thì rất đáng bị phê phán, nhất là những vấn đề mà TAND Tối cao đã cho rút kinh nghiệm rồi mà vẫn còn mắc phải.

Thẩm phán HUỲNH LẬP THÀNH, Phó Chánh tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

PHƯƠNG LOAN - DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm