TP.HCM chưa ghi nhận thêm ca bệnh đậu mùa khỉ mới

(PLO)-  Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát tật bệnh HCDC nhận định, với mức độ giao lưu, tiếp xúc như hiện tại, việc xuất hiện thêm ca mắc đậu mùa khỉ xâm nhập là hoàn toàn có thể xảy ra. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-10, tại buổi họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế- xã hội, bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát tật bệnh HCDC thông tin với báo chí về nguy cơ có thêm ca bệnh đậu mùa khỉ trong thời gian tới.

Bà Nga cho biết, với mức độ giao lưu, tiếp xúc như hiện tại, việc xuất hiện thêm ca mắc đậu mùa khỉ xâm nhập là hoàn toàn có thể xảy ra.

Hiện, hệ thống giám sát dịch bệnh của TP tiếp tục tăng cường, củng cố từ khu vực cửa khẩu, sân bay. Ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất, HCDC đã triển khai hoạt động tầm soát với người nhập cảnh. Người có triệu chứng sốt hay qua thông tin khai báo có điều gì nghi ngờ thì đều có hướng dẫn quy trình giám sát dịch đậu mùa khỉ.

TP.HCM chưa ghi nhận thêm ca bệnh đậu mùa khỉ mới ảnh 1

Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát tật bệnh HCDC thông tin với báo chí về nguy cơ có thêm ca bệnh đậu mùa khỉ trong thời gian tới. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Thông tin thêm về ca bệnh đầu tiên, bà Nga cho biết ca bệnh đã được cách ly điều trị, những trường hợp tiếp xúc gần được lập danh sách theo dõi trong 21 ngày. Đến nay, TP chưa ghi nhận thêm ca bệnh đậu mùa khỉ mới từ những người tiếp xúc.

Tại đây, báo chí cũng phản ánh thông tin nhiều phụ huynh hoang mang khi thấy Bộ Y tế đang tiến hành rà soát danh sách các đối tượng từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi để tiêm vắc xin COVID-19. Phụ huynh lo ngại bởi trẻ còn quá nhỏ.

Bà Nga cho hay, việc Bộ Y tế rà soát số lượng trẻ chưa tiêm là rất bình thường. Đây là một trong những khâu để lên kế hoạch dự trù, chuẩn bị cho hoạt động tiêm vaccine.

Theo bà Nga, hiện Bộ Y tế vẫn còn phải chờ các thông tin, bằng chứng về khoa học về việc tiêm cho đối tượng này. Hiện, trên thế giới đã có nhiều quốc gia tiêm cho nhóm trẻ này.

Bà Nga cũng nhấn mạnh rằng, một loại vaccine khi sử dụng đại trà phải trải qua những quy trình thử nghiệm khắt khe về tính an toàn thì mới được cấp phép. Thực tế hiện nay, nhiều loại bệnh truyền nhiễm đã được khống chế nhờ vaccine.

Theo bà Nga, khi tiêm vaccine sẽ có tỷ lệ nhỏ rủi ro nhưng so với lợi ích lớn lao mà vắc xin đem lại thì vẫn cần phải làm.

Trẻ em tiêm vaccine COVID-19 từ 6 tháng tuổi không hề sớm. Có rất nhiều loại vaccine được tiêm sớm cho trẻ như viêm gan thì tiêm ngay khi trẻ chào đời, vaccine cúm tiêm lúc trẻ 6 tháng.

Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát tật bệnh HCDC khẳng định, tới nay, việc tiêm chủng vaccine COVID-19 vẫn cần có sự đồng thuận của người dân. Khi có thông tin về vaccine cho nhóm trẻ này, nhân viên y tế sẽ tư vấn chi tiết, phụ huynh tự quyết định việc tiêm hay không.

Xét nghiệm PCR để chẩn đoán Adenovirus là không cần thiết

Trước thông tin hiện nay nhiều phụ huynh khi thấy con có biểu hiện ốm, sốt đều đưa con đi xét nghiệm PCR để chẩn đoán có nhiễm Adenovirus hay không, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh là không cần thiết.

Theo bà Như, Adenovirus là loại virus phổ biến nhất trong số virus gây nhiễm siêu vi ở trẻ em. Bệnh thường biểu hiện ở các cơ quan trên cơ thể như đường hô hấp, tiêu hóa và mắt. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhẹ và tự khỏi nên cũng không cần nghĩ đến việc mình có bị nhiễm Adenovirus hay không.

Theo đó, trẻ em khi mắc Adenovirus cũng như có triệu chứng nhiễm siêu vi thì chỉ cần chú trọng đến các biểu hiện liên quan đến hô hấp. Nếu trở nặng thì đưa đến BV để điều trị kịp thời. “Việc làm xét nghiệm PCR để chẩn đoán Adenovirus là việc không cần thiết”- Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm