TP.HCM “xử” thức ăn đường phố

Ông Thai bán hủ tiếu ở ngã ba Bầu (Trung Chánh, Hóc Môn, TP.HCM) được độ bốn năm. Trước đó, ông không đồng tình với việc xử phạt người kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP (giấy chứng nhận) từ 10 triệu đến 15 triệu đồng của Bộ Y tế.

Người kinh doanh ủng hộ

Qua sách báo, ông Thai biết Luật An toàn thực phẩm không quy định cấp giấy chứng nhận cho người kinh doanh thức ăn đường phố nữa. Tuy nhiên, Bộ Y tế có ban hành Thông tư 30/2012 vào ngày 5-12-2012 (hiệu lực từ ngày 20-1-2013) quy định điều kiện ATVSTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố. Những quy định này không quá khó để thực hiện nên ông ủng hộ. “Mang găng tay chế biến thức ăn, sử dụng nước sạch rửa chén đũa, không dùng phụ gia cấm… là chuyện dễ dàng. Thực hiện tốt các quy định thì khách khứa tới đông, người bán lời nhiều” - ông Thai bày tỏ.

Bán bánh mì cố định trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, TP.HCM) hơn ba năm, bà Hai kể có lần ra vô chăm sóc con trong bệnh viện, ghé xe bánh mì mua nhưng không dám ăn vì người bán dùng tay trần bốc thịt rồi… gãi ngứa. Từ đó về sau, bà chú trọng đến ATVSTP hơn, luôn dùng dụng cụ để gắp thịt, đồ chua… khi bán bánh mì cho khách.

TP.HCM “xử” thức ăn đường phố ảnh 1

Người kinh doanh thức ăn đường phố đã dần hình thành thói quen sử dụng găng tay và dụng cụ gắp thực phẩm. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bà Hai cũng đồng thuận với Thông tư 30/2012 của Bộ Y tế bởi các quy định không khó thực hiện nếu người buôn bán có ý thức, xem sức khỏe người tiêu dùng như sức khỏe của chính mình. “Nhà nước quy định người bán thức ăn đường phố phải tập huấn kiến thức ATVSTP và khám sức khỏe là hợp lý. Nhín chút thời gian và ít tiền bạc để có thêm kiến thức ATVSTP thì nên làm. Nếu tất cả người kinh doanh thức ăn đường phố làm đúng Thông tư 30/2012 thì người tiêu dùng không nơm nớp lo sợ ngộ độc thực phẩm đâu” - bà Hai nói.

Chính quyền địa phương đồng lòng

Theo phân cấp, UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý kinh doanh thức ăn đường phố.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A (Bình Tân, TP.HCM), cho biết hiện phường có khoảng 400 điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Dựa theo Thông tư 30/2012, phường chủ động đưa ra những biện pháp quản lý và kiểm tra. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 91/2012 ngày 8-11-2012 (có hiệu lực từ ngày 25-12-2012) quy định kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên, xử phạt bằng tiền khiến người kinh doanh thêm khó khăn, lại không dễ thực hiện nên phường kiến nghị quận chủ trương tuyên truyền nhận thức là chính.

Bên cạnh đó, phường cũng sẽ kiến nghị quận có lộ trình cụ thể để từng bước hướng người kinh doanh thức ăn đường phố tiếp cận với các quy định của Thông tư 30/2012. Khi đưa vào thực hiện, người kinh doanh vi phạm ATVSTP lần đầu sẽ cảnh cáo, lần hai đưa ra tổ dân phố phê bình, lần ba thông báo trên hệ thống truyền thanh, lần tư kiên quyết đình chỉ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chánh (Hóc Môn, TP.HCM), cho biết xã đang quản lý khoảng 200 điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Trước khi Thông tư 30 ra đời, xã cũng có kiểm tra nhưng hầu như chưa thể xử lý triệt để bởi người kinh doanh thức ăn đường phố đa phần nghèo. Tuy nhiên, nếu không chấn chỉnh thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra. Do vậy, xã sẽ đề xuất huyện đưa nội dung “kinh doanh thực phẩm an toàn” vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, ấp văn hóa.

Bà Trúc giải thích: “Khi kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm lần đầu thì cảnh cáo, lần hai không công nhận gia đình văn hóa, lần ba tạm đình chỉ kinh doanh. Trong tổ có hộ không được công nhận gia đình văn hóa sẽ mất điểm khi thi đua, ấp sẽ ảnh hưởng theo. Chính vì vậy, tổ trưởng và trưởng ấp phải sâu sát, nhắc nhở người kinh doanh thực hiện đúng quy định”.

Nơi bày bán thực phẩm cách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay. Có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh. Có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ. Bàn ghế, giá tủ bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm. Người bán hàng mang trang phục sạch sẽ, tiếp xúc trực tiếp thức ăn phải dùng găng tay. Phải tập huấn và có giấy xác nhận kiến thức ATVSTP, phải khám và có giấy chứng nhận sức khỏe...

(Trích Thông tư 30/2012 của Bộ Y tế quy định điều kiện ATVSTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố)

Thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh đặc thù ở TP.HCM, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động. Chưa hết, nhu cầu sử dụng thức ăn đường phố tương đối cao vì tiện lợi, hợp túi tiền người bình dân, công nhân nhập cư. Vì vậy, từ nay về sau TP.HCM sẽ quản lý chặt loại hình kinh doanh này để vừa đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, vừa phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.

Một số quy định trước đây không phù hợp với thực tế đã được Chính phủ và Bộ Y tế điều chỉnh. Căn cứ vào Thông tư 30/2012 và Nghị định 91/2012, chi cục sẽ ban hành các biện pháp kiểm soát ATVSTP đối với thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, chi cục cũng sẽ lấy ý kiến của các quận, huyện, phường, xã trong hoạt động giám sát loại hình kinh doanh này để đưa ra những biện pháp quản lý tối ưu nhất.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh  thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM

TRẦN NGỌC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm