Tranh cãi gay gắt giữa GS Hồ Ngọc Đại và Bộ GD&ĐT

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sáng 3-1, Bộ GD&ĐT tổ chức đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại, chủ biên sách giáo khoa công nghệ giáo dục.

Buổi đối thoại có sự có mặt của ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vắng mặt, như mong muốn của PGS Nguyễn Kế Hào, đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục, đơn vị phát hành sách của GS Đại.

Mở đầu buổi đối thoại, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD&ĐT, tóm tắt về quá trình thẩm định sách giáo khoa mà Bộ GD&ĐT đã tổ chức thực hiện. Ông Tài khẳng định, quy trình thẩm định sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT hoàn toàn đúng và minh bạch.

GS Hồ Ngọc Đại tại buổi đối thoại sáng 3-1 về sách Công nghệ giáo dục. Ảnh: HẢI ÂU

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết trong đợt thẩm định đầu tiên, có 49 bản thảo sách giáo khoa đăng ký. Trong đó, 38 bản thảo được hội đồng đánh giá đạt, 11 bản thảo không đạt ở cả hai vòng thẩm định.

Trong 11 sách giáo khoa hội đồng đánh giá không đạt có những cuốn sau đó tiếp tục được tác giả sửa chữa với mong muốn được thẩm định lại. Nhưng cũng có những tác giả bảo lưu quan điểm, trong đó có GS Hồ Ngọc Đại.

Kết quả tổng quát, Hội đồng thẩm định sáu bộ sách, chỉ duy nhất bộ sách công nghệ giáo dục bị loại.

Bảo vệ quan điểm từ phía tác giả, PGS Nguyễn Kế Hào dẫn ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm cho rằng bộ sách giáo khoa theo trường phái công nghệ giáo dục cần được thẩm định theo cách khác và Hội đồng thẩm định phải đổi mới tư duy.

“Theo tôi, sách giáo khoa sau khi thẩm định, cần đưa vào thực nghiệm rồi mới điều chỉnh và áp dụng rộng rãi. Thực tiễn sử dụng sách công nghệ giáo dục ở nhiều địa phương, như Hà Nam chẳng hạn, học sinh không còn nói ngọng, không tái mù chữ” - ông Hào lấy ví dụ.

Còn GS Hồ Ngọc Đại khẳng định ông đến cuộc đối thoại với tâm lý thoải mái, không hề oán trách khi sách bị loại. Mục đích của ông là muốn được xác nhận bộ sách công nghệ giáo dục của mình có được sử dụng cho năm học mới?

GS Hồ Ngọc Đại nói bộ sách của ông là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc suốt 40 năm. Cuốn sách đã được ông sửa chữa và hoàn thiện suốt thời gian qua, đến giờ đã hoàn thiện.

Giải thích lý do sách công nghệ giáo dục bị loại, PGS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng môn toán, cho rằng không phải mọi kết luận của hội đồng đều được chủ biên tán thành. Hội đồng biết viết sách lớp 1 khó nhất nên quá trình thẩm định đã rất linh hoạt.

Ông Kiều cũng cho biết ngoài sách của GS Hồ Ngọc Đại, nhiều bộ sách khác, từng có hơn 1 triệu học sinh sử dụng nhưng cũng mất hiệu lực khi thay đổi chương trình phổ thông. “Người viết sách, khi cùng chung sân chơi, cần tuân thủ luật. Do đó, tôi nghĩ GS Hồ Ngọc Đại nên viết sách theo sự gợi ý của chủ tịch hội đồng” - ông Kiều nói.

Sau hơn 2 tiếng đối thoại với không khí khá gay gắt, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ trân trọng những đóng góp của GS Hồ Ngọc Đại cho giáo dục nhưng không thể vì vậy mà có ngoại lệ. Ông Độ mong muốn GS Đại và cộng sự điều chỉnh bộ sách công nghệ giáo dục phù hợp với chương trình mới để Hội đồng thẩm định lại và áp dụng vào các năm học sau.

“Việc cho sách công nghệ giáo dục được thẩm định theo tư duy riêng như ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm rất khó thực hiện, vì dễ gây mất công bằng giữa các bộ sách. Bộ GD&ĐT mong muốn bộ sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại được sử dụng trong nhà trường. Nếu được, thầy nghiên cứu phương án điều chỉnh sách giáo khoa để đảm bảo yêu cầu, bởi chương trình mới khuyến khích một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” - ông Độ kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm