Sáng 22-9, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đánh giá khả năng giải quyết tranh chấpđất đai của tòa án
Một trong những nội dung Chính phủ xin ý kiến UBTVQH đó là quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Theo Chính phủ, đa số ý kiến thống nhất với dự thảo luật, các tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do TAND giải quyết theo quy định về tố tụng dân sự. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất (SDĐ) để làm căn cứ cho tòa án giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu (Điều 230 dự thảo).
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). |
Trong khi đó, ý kiến khác đề nghị giữ nguyên như quy định hiện nay. Theo đó, các tranh chấp đất đai đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền SDĐ và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết.
Với tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có giấy tờ về quyền SDĐ, đương sự được lựa chọn giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại tòa án.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc việc giữ nguyên như quy định hiện nay, vì phương án này giúp đương sự có sự lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp. “Dự thảo luật đang bỏ đi một sự lựa chọn của người dân” - bà Lê Thị Nga nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng không thể quy định như dự thảo luật. Ông nhấn mạnh Nghị quyết số 18-NQ/TW chỉ nêu “nâng cao vai trò và năng lực các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai”.
“Đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn lòng vòng, tồn đọng thế này, chúng ta lại giao hết cho cơ quan tòa án giải quyết các tranh chấp đất đai thì làm sao được” - ông Huệ nói.
Thẩm tra sơ bộ nội dung nói trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng hơn về thực trạng giải quyết tranh chấp đất đai qua UBND các cấp và qua tòa án, khả năng đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp về đất đai của hệ thống tòa án và thực tiễn quản lý đất đai của nước ta.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ đánh giá tác động cụ thể hơn giữa phương án dự thảo đề xuất và quy định hiện hành. Trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi các quy định liên quan, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện quyền khiếu nại, khiếu kiện khi xảy ra tranh chấp đất đai.
Yêu cầu rà soát kỹ các trường hợp thu hồi đất
Một nội dung khác đáng chú ý của dự thảo luật là quy định tại điểm h khoản 2 Điều 70 dự thảo, Nhà nước thu hồi đất đối với “dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại”.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng việc thu hồi đất đối với “dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại” sẽ tác động rất lớn đến quyền của người SDĐ. “Các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án” - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 2 Điều 70 dự thảo, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW và Hiến pháp 2013.
Lo ngại tăng tỉ lệ khiếu kiện đất đai
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá Điều 70 (Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) và Điều 71 (Căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) dự thảo luật chưa bám sát và chưa thể chế hóa được tinh thần, đường lối, chủ trương của Nghị quyết 18.
“Việc mở rộng phạm vi thu hồi đất là chưa đúng với tinh thần trung ương” - ông Tùng nói và đặt vấn đề nếu quy định như vậy, Nhà nước có can thiệp quá sâu vào quan hệ dân sự, thương mại hay không?
“Phần lớn các khiếu kiện của người dân liên quan đến vấn đề thu hồi đất, bồi thường và nếu chúng ta giải quyết như thế này, khi tổng kết, tôi nghĩ không phải 70% khiếu nại, tố cáo hằng năm liên quan đất đai như hiện nay, mà có khi lên đến 80%” - ông Tùng nói và cho rằng “phải đánh giá rất kỹ” vấn đề này.