Tranh xẻ thịt trâu chết: Không đói mà tham!

Coi đoạn clip tranh nhau “hôi” thịt trâu bị tai nạn (xảy ra vào rạng sáng 5-12 trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương), tôi thấy xấu hổ. Một nhóm người nam có, nữ có nhanh tay xẻ thịt con trâu ngay giữa đường, xẻ thịt luôn tay, như thể sợ hết phần.

Câu chuyện khiến tôi nhớ vụ “hôi của” xảy ra cách đây không lâu trên đường Thành Thái (TP.HCM). Một phụ nữ ngồi sau xe máy do người đàn ông chở, hai bên yên xe là hai chiếc lồng đựng gia cầm trống rỗng. Chị cầm túi tiền rồi sơ ý để rơi xuống đường văng tung tóe. Tức thì các bác tài xe ôm, những người phụ bán hàng các quầy hoa cảnh, giải khát... ven đường bất chấp xe cộ chạy lao ra đường tranh nhau nhặt. Quay xe trở lại, người phụ nữ dáng vẻ khắc khổ ấy cầm cái túi đựng tiền lép xẹp, khóc nức nở. Chị nói với bác xe ôm lớn tuổi đứng gần đó: “Con buôn gà ở Củ Chi, giờ thì hết vốn mần ăn rồi, chú làm ơn làm phước nói với mấy người kia trả lại tiền cho con đi, chú ơi...”. Bác xe ôm, cũng là “thành viên” nhóm tranh nhau nhặt tiền lúc nãy, không chần chừ móc tiền nhặt được ra trả rồi đi đến từng người vận động họ trả tiền.

Nhiều người dân tranh nhau xẻ thịt con trâu bị tai nạn giao thông tại ngã tư Bình Chuẩn (Bình Dương) bất chấp dòng xe đang lưu thông. (Ảnh chụp từ clip)

Nghe hai câu chuyện trên, có người nói “tiền thì có thể trả được vì nó không bị hư hao, có giá trị nhưng thịt trâu thì nếu không xẻ thịt ngay sẽ dễ bị thối vì khi ấy người chủ trâu không có mặt tại hiện trường”. Quan niệm “hôi của” giữa đường mỗi người mỗi khác nhưng ít nhất ai cũng phải hiểu điều cốt yếu nhất: Cái của trên đường kia không phải là của mình, mình chưa được chủ tài sản hay ai đó có thẩm quyền cho phép được lấy. Vậy thì mình không được phép tự biến nó thành của mình!

Khi trên đường xảy ra sự cố rơi của, đổ tháo tài sản, vật dụng, thực phẩm… thường xuất hiện tâm lý thế này ở những người có mặt tại hiện trường: Nếu chỉ một, hai người muốn thu gom mang về nhà mà mọi người xung quanh không tán đồng, sẽ không ai dám làm hành động xấu ấy. Nhưng nếu số đông đều manh nha ý nghĩ “hay ta mang về?” thì như một “động lực”, lòng tham bùng dậy, bước qua sĩ diện, người ta nhanh tay xâu xé “của trời cho” bất cần lý lẽ, phải trái, thậm chí tính mạng. Xem clip xẻ thịt trâu thì rõ xác con trâu nằm gần như giữa đường, đông xe cộ qua lại mà gần chục người vẫn vô tư bước tới, quay lui, xoay người mé này mé kia… để xẻ bằng được thịt con trâu. Tới lúc chủ trâu phát hiện chạy ra thì chỉ còn bộ xương và đầu trâu bị bỏ lại. Mà biết đâu chủ trâu xuất hiện kịp lúc thì cũng khó mà cản trở được nhóm người đang hăng hái xẻ thịt. Biết đâu sẽ có lời biện minh theo kiểu: “Để trâu đi lung tung, lỡ gây tai nạn cho người đi đường thì sao? Lỗi quản con trâu không chặt đã rành rành ra đó, còn kêu la trách móc gì?”. Xin thưa, chuyện đâu ra đó, lỗi phải chủ trâu thế nào, cơ quan chức năng sẽ xác định. Còn trước mắt, xẻ thịt con trâu của người ta cũng là một dạng chiếm đoạt tài sản đấy!

Tôi không bảo mình không tham. Thật ra lòng tham thì ai cũng có, vấn đề là lý trí có đủ mạnh để chế ngự, phân biệt việc làm của mình có đúng hay không. Người ta “hôi của” đôi khi không vì túng thiếu đói ăn nhưng thấy người khác làm mình cũng a dua làm theo, không làm thì tiếc rẻ, người khác có phần mà mình không có thì uổng phí. Thu lợi, ăn uống như vậy thì nuốt sao trôi khi có người vì mình mà xót xa mất của?

Đã có rất nhiều vụ “hôi của” trên đường xảy ra, bị dư luận xã hội lên án gay gắt, thậm chí rất nặng lời, cốt để hành vi xấu xa phải chấm dứt mà sao người ta vẫn bịt tai để rút rỉa, thu gom miếng ăn, miếng dùng của người khác?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm