Năm 2014 là năm đầu tiên giải thưởng được phát động, BTC đã nhận 140 hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng. Trải qua quá trình sàng lọc, chấm điểm và thẩm định thực tế, UBND TP.HCM đã có quyết định tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) cho 12 cá nhân và 40 tập thể.
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Phó trưởng ban thường trực giải thưởng và đại diện báo SGGP trao giải thưởng cho ông Phạm Văn Tân. Ảnh: NGỌC CHÂU.
Tôn vinh những tấm gương sáng
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo giải thưởng, cho biết “Giải thưởng môi trường TP.HCM năm 2014 nhằm biểu dương, tôn vinh những cá nhân, tập thể tiêu biểu có ý thức và hoạt động hiệu quả trong công tác BVMT, mang lại lợi ích thiết thưc cho xã hội. Đồng thời giải thưởng cũng là cơ sở để giới thiệu các cá nhân và tập thể tham gia Giải thưởng môi trường Việt Nam năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
Đơn cử, 36 năm vớt rác trên dòng kênh Cầu Mé, ông Phạm Văn Tân (75 tuổi, phường 3, quận 11) là người đầu tiên được xướng danh trong danh sách nhận giải. Điều đó cũng không lạ khi ở cái tuổi ấy, ông vẫn mong muốn đóng góp cho xã hội, cho môi trường càng thêm sạch hơn. Ông bày tỏ nhiều người vô ý thức, đem rác xả xuống dòng kênh. Những người buôn bán ở chợ cũng dùng con kênh làm nơi chứa rác, không thì xả trên đường. Khi mưa xuống rác lại ào xuống dòng kênh khiến nước trở nên đen ngòm, tù đọng. Không chỉ vớt rác trên kênh, hàng ngày ông Tân còn quét dọn vệ sinh trên tuyến hẻm Hòa Bình, quận 11; vận động, tuyên truyền bà con không đổ rác bừa bãi gây mất vệ sinh và ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Cùng với ông Tân, anh Lê Anh Toàn, ngoài thời gian phụ gia đình bươn chải kiếm sống, anh cũng tham gia vớt rác ở kênh Cầu Mé để tránh rác tù đọng gây bùng phát muỗi, tạo điều kiện cho bà con an tâm sinh sống. Với ý nghĩ “Còn ở đây ngày nào thì cố gắng làm đến hết ngày đó”, anh vận động người thân, các hộ dân sống dọc tuyến kênh không đổ rác xuống kênh.
Phát huy tinh thần tập thể
Ở nhóm tập thể là sự góp mặt của Hội LHPN TP.HCM, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi; UB MTTQ Việt Nam quận Tân Bình; chùa Viên Giác; Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi; Saigon Co.op; xi măng Holcim Việt Nam; Unilever; khách sạn Caravelle…
Đặc biệt, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) có tới ba đại diện được trao giải. Thứ nhất, Nhà máy Sữa Trường Thọ, trong năm 2012-2013 nhà máy đã triển khai bốn công trình tiết kiệm năng lượng là sử dụng khí tự nhiên CNG cho lò hơi; dùng đèn led tiết kiệm điện; thu hồi nhiệt khói thải cho ba lò hơi để gia nhiệt cho nước cấp lò hơi; đầu tư thay mới tôn nhà xưởng, kho bãi, hành lang… kết hợp tôn sáng để tận dụng ánh sáng tự nhiên. Thứ hai, Nhà máy Sữa Thống Nhất với thành tích không ngừng cải thiện môi trường làm việc tại các bộ phận trong nhà máy; áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn; thực hiện hai công trình trọng điểm giúp cải thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng như sử dụng khí tự nhiên CNG cho các lò hơi, thay thế 71 bộ đèn led cho hệ thống đèn chiếu sáng nhà xưởng. Thứ ba, là Nhà máy Sữa Sài Gòn, đơn vị này đã đầu tư thêm hệ thống đèn led giúp tiết kiệm năng lượng; xây dựng nhà xưởng thông thoáng, quạt thông gió, máy hút bụi, hệ thống xử lý bụi và khí thải; sử dụng lò hơi có bộ tiết kiệm năng lượng thu hồi nhiệt của khói thải để gia nhiệt nước cấp cho bể trộn, tái sử dụng nước sau xử lý để tưới cây.
Tuy rằng còn đó sự tiếc nuối của các cá nhân, tập thể chưa đạt giải năm nay nhưng đại diện ban chỉ đạo giải thưởng chia sẻ “Chúng tôi hy vọng các cá nhân tập thể này tiếp tục thực hiện tốt và có nhiều đóng góp tích cực hơn trong công tác BVMT để tham gia giải thưởng môi trường TP.HCM lần tiếp theo vào năm 2016. Bên cạnh đó chúng tôi cũng mong rằng mỗi cá nhân, tập thể đạt giải thưởng sẽ là tấm gương, là ngọn lửa để lan tỏa nhiệt huyết về BVMT đến với mọi người xung quanh, từ đó vận động nhiều người cùng chung tay tham gia BVMT vì một TP ngày càng xanh, sạch, đẹp”.