Trao quyền để Đại học Quốc gia TP.HCM tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thu hút nhân tài

(PLO)- Để thu hút nhân tài, chuyên gia cho rằng cần trao quyền nhiều hơn để khối Đại học Quốc gia TP.HCM tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động, tích cực, sáng tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo.

Sáng 29-11, Trường Đại học Kinh tế- Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Chính sách vượt trội cho Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) theo Nghị quyết 45 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức”.

Hội thảo nhằm ghi nhận các ý kiến xoay quanh câu chuyện chính sách thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ trí thức khối ĐHQG TP.HCM. Ảnh: T.THÙY

Mất lợi thế cạnh tranh trong thu hút nhân tài

Nêu hạn chế trong việc thu hút nhân tài tại khối ĐHQG TP.HCM, PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp nói hiện chưa có cơ chế đặc thù nào xây dựng và được áp dụng tại đơn vị này.

Theo bà, Nghị quyết 98 của Quốc hội và cả Đề án 01 mà Thành ủy TP.HCM ban hành về hỗ trợ phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP giai đoạn 2020-2035 đều không cho phép phạm vi áp dụng đối với ĐHQG TP.HCM.

Như vậy, so với mặt bằng các chính sách ưu đãi trong tuyển dụng thì cùng trên địa bàn, ĐHQG TP.HCM và các đơn vị thành viên đã có sự thua kém về điều kiện tuyển dụng so với các cơ quan nhà nước khác. Vì vậy, rất cần cơ chế ưu đãi riêng cho ĐHQG.

Hơn nữa, quy trình tuyển dụng ở nhiều đơn vị tại ĐHQG vẫn chưa tối ưu, nhiều thủ tục hành chính kéo dài làm mất lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút tuyển dụng với các nhân tài, đặc biệt là các chuyên gia từ nước ngoài hoặc người có chuyên môn cao.

PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp nêu hạn chế trong thu hút nhân tài tại khối ĐHQG. Ảnh: T.THÙY

Ngoài ra, các yêu cầu tuyển dụng còn mang tính hình thức khi đặt nặng vào bằng cấp, chứng chỉ mà bỏ qua yếu tố quan trọng là kỹ năng thực tế và kinh nghiệm làm việc.

“Một chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tế, từng làm việc cho các công ty công nghệ lớn, có thể sẽ không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của ĐHQG TP.HCM vì thiếu một số chứng chỉ hoặc bằng cấp. Điều này dẫn đến việc mất đi cơ hội thu hút các chuyên gia có khả năng tạo ra tác động lớn cho nhà trường” - PGS.TS Phương Diệp nói.

Cũng theo bà Diệp, mức lương hiện tại của đội ngũ viên chức, giảng viên và nghiên cứu viên nhìn chung vẫn ở mức trung bình khi so với các trường Đại học tư và các công ty, doanh nghiệp. Vì vậy, nhân tài khi nhận được những lời đề nghị hấp dẫn hơn từ bên ngoài sẽ có xu hướng chuyển việc và không tiếp tục cống hiến cho môi trường đào tạo của ĐHQG TP.HCM...

Ngoài ra, môi trường làm việc tại ĐHQG-HCM ít nhiều vẫn còn mang tính hành chính và thiếu sự linh hoạt, khiến cho đội ngũ giảng viên chưa được thỏa sức sáng tạo. Các chính sách hỗ trợ phát triển nghề nghiệp còn hạn chế, chưa tạo được động lực cho giảng viên nâng cao năng lực và phát triển chuyên môn…

Vì vậy, PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp cho rằng cần xây dựng đề án đặc thù về thu hút, đãi ngộ nhân tài, hướng đến đối tượng sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc các lĩnh vực trọng điểm thuộc ĐHQG và đã có các công bố quốc tế độc lập trên các tạp chí; Nhà khoa học trẻ có các thành tích nghiên cứu nổi bật...

Cùng đó, rất cần chính sách đột phá trong việc trả lương để thu hút và giữ chân nhà khoa học có uy tín; xây dựng cơ chế chi trả thu nhập tăng thêm đặc thù của ĐHQG TP.HCM…

Trao quyền nhiều hơn để tự chủ, tự chịu trách nhiệm

PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình đề cập đến các vướng mắc trong chính sách nghiên cứu khoa học (NCKH), đổi mới sáng tạo và đưa ra những đề xuất về thanh toán, quyết toán đề tài.

Theo PGS.TS Tình, nên trao quyền tự chủ cho ĐHQG trong việc quy định mức chi hợp lý liên quan đến công tác phí ngoài nước, chi hội nghị hội thảo khoa học, chi điều tra, khảo sát…

Đồng thời, trao quyền chủ động cho chủ nhiệm đề tài trong việc mời các chuyên gia ở nước ngoài có bề dày kinh nghiệm tham gia làm thành viên, chuyên gia tư vấn. Xây dựng quỹ phát triển khoa học và công nghệ ĐHQG để tạo lập một môi trường nghiên cứu linh hoạt, năng động và hiệu quả.

PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình đề cập đến các vướng mắc trong chính sách nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Ảnh: T.THÙY

Ông cũng đề xuất cho phép ĐHQG TP.HCM thí điểm cơ chế liên kết sản xuất kinh doanh. ĐHQG được giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do ĐHQG quyết định thành lập hoặc phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào việc thành lập doanh nghiệp, liên doanh, liên kết.

Chuyên gia thảo luận tại hội thảo cũng cho rằng các bài toán hiện đều đang kẹt ở góc độ tài chính. Nếu có thể giải quyết bằng một cơ chế tài chính đặc thù thì có thể thu hút và đào tạo người tài. Muốn ĐHQG có thể trở thành trường lọt top thế giới thì cần coi đây là bài toán đầu tư tầm quốc gia chứ không thể là tự thu tự chi như hiện nay.

Mục tiêu lọt top 500 trường đại học trên thế giới

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐHQG đã lập tổ công tác xây dựng các chương trình cụ thể theo yêu cầu của Nghị quyết 45 đặt ra.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM. Ảnh: T.THÙY

Với vai trò là tổ trưởng của tổ công tác, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nhìn nhận, Ban chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu phải đề xuất Đề án nâng cao năng lực, phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn 2045 lọt top 500 các trường đại học trên thế giới.

Vì vậy, rất cần những đề xuất với các chương trình, chính sách cụ thể để giải quyết các điểm nghẽn trong quá trình thực hiện, bởi còn vướng mắc giữa các luật với nhau.

*****

Nhiều vướng mắc trong công nhận chức danh GS, PGS

Tháng 10-2024, tổ chức xếp hạng Times Higher Education (THE) công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới năm 2025. So với lần xếp hạng hai năm trước, thứ hạng của ĐHQG TP.HCM vẫn trong nhóm 1.501+ và không có gì thay đổi.

Nhóm nghiên cứu về chính sách công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư của trường Đại học Kinh tế- luật TP.HCM, cho rằng trong một thế giới chuyển đổi nhanh chóng thì sự ổn định này có thể xem là một “nốt trầm”.

Quan điểm của nhóm nghiên cứu đưa ra là trong thời đại công nghệ thông tin, hội nhập kinh tế, quốc tế với khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng thì viên chức là nhân tố đặc biệt quan trọng trong các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và ở các trường đại học công lập thuộc ĐHQG TP.HCM nói riêng.

Muốn có được những yếu tố này thì việc công nhận chức danh GS, PGS cho đội ngũ viên chức có trình độ cao của ĐHQG TP.HCM cần phải được thực hiện một cách chủ động, sáng tạo trên tinh thần trao quyền thực hiện và bảo đảm trách nhiệm giải trình.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra những bất cập hiện hành về công nhận chức danh GS, PGS tại các Quyết định 37 và sau đó là Quyết định 25 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là việc cào bằng tất cả các chuyên ngành để được công nhận chức danh GS, PGS giữa hai quy định, dù thực tế các chuyên ngành trong khoa học xã hội và khoa học tự nhiên là rất khác nhau.

Ngoài ra, các quy định liên quan chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Do không quy định cụ thể, rõ ràng nên việc xét công nhận chức danh GS, PGS được thực hiện theo cách “giật gấu vá vai”, rất nhiều quyết định “đùng một cái” khiến nhiều ứng viên “không kịp trở tay”.

Cạnh đó là những vướng mắc trong thực hiện quy định pháp luật về công nhận chức danh GS, PGS. Thông thường từ khi khởi xướng đến khi có kết quả chính thức, một hồ sơ công nhận chức danh GS và PGS phải trải qua khoảng thời gian là tám tháng là quá dài.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất cần trao cho ĐHQG TP.HCM cơ chế trong việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS trong các đơn vị thành viên thuộc khối ĐHQG TP.HCM là phù hợp với tinh thần chung theo chủ trương, giúp nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động, tích cực, sáng tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo.

"Việc trao cơ chế cho ĐHQG TP.HCM để xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS sẽ phản ánh rõ nét tinh thần thúc đẩy tự chủ đại học ở Việt Nam"- nhóm nghiên cứu chỉ ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới