Trẻ bị lừa khi ở nhà 1 mình: Chuyên gia khuyên 3 điều cần làm ngay

Thời gian gần đây, một số đối tượng đã lợi dụng các trường hợp trẻ nhỏ ở nhà một mình để đe dọa, lừa đảo để cướp tài sản.

Để nhận rõ thủ đoạn của tội phạm, cũng như có lời khuyến cáo dành cho phụ huynh khi để trẻ ở nhà một mình, Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Phòng Tư vấn Tâm lý gia đình và trẻ em TP.HCM.

Hù dọa, dỗ dành để cướp, lừa lấy tài sản

+ Phóng viên: Gần đây xảy ra một số vụ việc tội phạm nhắm vào các gia đình có trẻ nhỏ ở nhà một mình. Trong đó, hai vụ cướp ipad của trẻ đang học trực tuyến ở Đồng Nai. Mới đây nhất là trường hợp một phụ nữ  lạ vào nhà dân lừa trẻ em trong gia đình đập heo đất lấy đi 40 triệu đồng ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Những vụ việc này gây bức xúc trong dư luận. Theo ông, tội phạm lợi dụng tâm lý của trẻ như thế nào để hành động trót lọt?

. Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Trong bối cảnh bố mẹ cùng phải đi làm, trẻ nhỏ ở nhà một mình nên các em rất dễ trở thành nạn nhân của những kẻ trộm cướp, lừa đảo. Lừa người lớn cũng không khó nếu biết đánh vào lòng tham thì lừa trẻ em lại càng dễ hơn với những biện pháp đóng kịch, hù dọa hay dỗ dành.

Trường hợp hai đứa trẻ bị dọa nạt phải giao nộp chiếc Ipad cho dù kẻ cướp không lọt vào trong nhà, cho thấy những cánh cửa khóa chặt cũng chưa đủ để bảo vệ cho con, nhất là khi con còn quá nhỏ. Điều này là rất đau lòng khi buộc lòng phải để con trẻ ở nhà.

Trẻ hoảng loạn đưa ipad cho kẻ cướp ở Đồng Nai. Ảnh cắt từ clip

Chúng ta thường hay nói đến việc giáo dục kỹ năng sống hay khả năng tự bảo vệ cho trẻ. Thực ra, với quan điểm giáo dục và các biện pháp chăm sóc con cái của nhiều gia đình Việt Nam, trẻ dưới 10 tuổi vẫn lệ thuộc vào cha mẹ, người lớn được xem là điều đương nhiên.

Chúng ta luôn dạy trẻ theo hướng phải biết nghe lời người lớn, không hình thành tinh thần phản biện cho trẻ và cho đó là giá trị của sự vâng lời. Nhưng chính vì thế, trẻ có được hướng dẫn qua loa một số kỹ năng sống thì cũng không đủ sức để các em có được những hành động tự chủ như khả năng từ chối, khả năng chạy trốn, giữ an toàn cho bản thân, chứ đừng nói tới khả năng chống đối để tự bảo vệ mình.

Chính vì những điều nêu trên, đa phần trẻ em đều không dám cãi lời người lớn, nếu bị kèm theo sự hù dọa nữa thì các em sẽ rất sợ hãi để phải làm theo các yêu cầu của người lớn. Bọn tội phạm đã dựa vào đó để tạo nên áp lực đến mức trẻ phải lấy tài sản của mình mà giao ra cho chúng. 

Những câu chuyện của các đứa trẻ khôn ngoan và tự chủ, biết “đánh lừa” hay tìm cách thoát hiểm khi sa vào tay bọn cướp, chủ yếu chỉ là sản phẩm của phim ảnh hay trong các câu chuyện hư cấu, đem ra để ru ngủ các bậc cha mẹ và chính các em. Thực tế, khi đối diện với tội phạm, các em chỉ biết khóc và làm theo.

Bé gái (học lớp 3) bị dụ dỗ đập heo đất, đưa khoảng 40 triệu đồng cho người lạ. Ảnh cắt từ clip

Ở trường hợp bé gái (đang học lớp 3) bị lừa đập heo đất lấy đi 40 triệu đồng, thay vì dọa dẫm, tội phạm dùng chiêu dụ dỗ, để trẻ cả tin mà đập heo. Việc cho trẻ tiền bỏ ống, chỉ là mang tính tượng trưng để tập cho bé biết tiết kiệm và nên kiểm soát cũng như giới hạn trong một mức độ vừa phải. Nếu trẻ có nhiều tiền do được lì xì hay trao tặng, thì nên mở cho trẻ một cái sổ tiết kiệm, hay có thể cất giữ ở một nơi kín đáo cho an toàn.

Ở nước ngoài, việc để trẻ nhỏ ở nhà mà không có người lớn giám sát, được xem là một hành vi phạm pháp, bố mẹ có thể bị phạt khá nặng. Ở nước ta, với quan điểm “đèn nhà ai nấy sáng”, việc để trẻ một mình tại nhà lại được xem là quyền riêng tư của mỗi gia đình, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan.

Luôn yêu thương và trang bị kỹ năng cho con trẻ

Với những trẻ bị kẻ gian hù dọa hoặc dụ dỗ lấy đi tài sản của gia đình, các em có bị tổn thương về mặt tinh thần không, thưa ông?

. Đối với các em sau khi đã bị hù dọa, hay dụ dỗ để làm mất tiền và tài sản của gia đình, thì chỉ mong là bố mẹ nhận ra phần lỗi của mình, mà không la mắng, đánh đập hay than thân trách phận. Vì các em cũng đã bị tổn thương nhiều rồi, sẽ rất lo lắng, sợ hãi và cũng không hiểu được hậu quả như thế nào!

Bố mẹ hãy an ủi con, tự an ủi rằng "của đi thay người", con an toàn là bố mẹ mừng rồi. Hành xử như vậy là để tránh cho các em thêm một lần chấn thương tâm lý nữa. Điều quan trọng là phải biết rút kinh nghiệm cho bản thân, tránh việc để con ở nhà một mình mà không có biện pháp bảo vệ an toàn. Đồng thời cũng cần phải có những biện pháp an toàn hơn cho con để tránh xảy ra thêm chuyện không may một lần nữa, có khi là dưới một hình thức khác.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Khanh. Ảnh: NVCC

+ Trong trường hợp bất khả kháng phải để con ở nhà, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con, thưa ông?

. Trong trường hợp bất khả kháng phải để trẻ ở nhà, cha mẹ cũng phải cố gắng thực hành ngay 3 biện pháp này để bảo vệ con.

Một là, cha mẹ không để tiền nhiều và các tài sản đáng giá ra bên ngoài, mà phải cho vào tủ khóa lại, giữ chìa. Cha mẹ chỉ nên để bên ngoài cho trẻ những sách vở, đồ dùng không có giá trị cao.

Hai là, cha mẹ phải trang bị các kỹ năng sống an toàn cho con. Ví dụ, cha mẹ có thể dặn dò là nếu có ai đến hỏi thì phải nói là bố mẹ cháu sắp về, sau đó phát tín hiệu, tiếng kêu cầu cứu cho những người xung quanh, gọi điện cho ba mẹ, tuyệt đối không cho ai lọt vào trong nhà. Hãy suy nghĩ đến các tình huống và có thể tập cho các em một số biện pháp để kêu cứu hay trốn chạy. Phòng ngừa bao giờ cũng tốt hơn là đối phó với kẻ gian.

Ba là, cha mẹ cần gửi gắm con cho những người lớn tin cậy ở chung quanh, hàng xóm hay báo cho tổ trưởng tổ dân phố hoặc công an khu vực để họ lưu ý giám sát cùng cha mẹ. 

Tội phạm nhắm đến các gia đình chỉ có trẻ nhỏ ở nhà

- Chiều ngày 3-1, vợ chồng chị Võ Thị T (30 tuổi, quê Đồng Tháp) đi làm, chỉ còn hai con nhỏ ở phòng trọ thuộc khu phố 3A (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Trong lúc hai bé ở nhà, hai đối tượng Bùi Việt Thắng (31 tuổi) và Bùi Nguyễn Hoàng Trường (25 tuổi) đến hăm dọa và cướp đi ipad.

- Khoảng 10 giờ ngày 19-1, một người phụ nữ điều khiển xe máy đến trước nhà anh LTĐ, ngụ tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức. Tại đây, người phụ nữ nói cần giao hàng và yêu cầu con gái (đang học lớp 3) của anh Đ. mở cửa. Khi cháu bé mở cửa, người phụ nữ giả vờ gọi điện thoại cho mẹ của  cháu. Sau đó, người này đưa giấy yêu cầu bé gái ký tên và đưa tiền. Do không có tiền, bé gái đã đập heo đất, đưa cho đối tượng khoảng 40 triệu đồng. 
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới