Trẻ em chọn cách im lặng vì không tin tưởng người lớn

Ông Nguyễn Lữ Gia, quản lý Chương trình bảo vệ trẻ em của tổ chức Cứu trợ trẻ em, cho biết: “Có hơn 74% học sinh đã trải qua các hình thức trách phạt của giáo viên mà không nói cho ai biết. Hơn một nửa học sinh đã bị trêu chọc và bắt nạt. Tuy nhiên, rất ít em báo cáo với giáo viên chủ nhiệm. Chỉ có 3,2% học sinh trình bày với giáo viên tư vấn”.

Những thông tin trên được ông Gia trình bày tại hội thảo Chia sẻ kết quả khảo sát dự án trường học thân thiện - bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương trên địa bàn TP.HCM. Hội thảo  do tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức ngày 11-10. Cuộc khảo sát để cho ra các số liệu nói trên được tiến hành mới đây trên 1.200 học sinh và 20 trường học, bao gồm cấp tiểu học và THCS.

Im lặng vì không tin tưởng người lớn

Ngoài kết quả trên bảng hỏi, ông Gia cho biết đã có nhiều cuộc thảo luận nhóm với các em học sinh. Một em học sinh cho biết em đã im lặng khi bị cô giáo bộ môn trách phạt nặng nề và cảm thấy tổn thương nhưng em không bày tỏ với cha mẹ hay thầy cô để được giúp đỡ, tư vấn. Lý do được em đưa ra là: “Nếu em báo cáo với cô chủ nhiệm hay phụ huynh thì em sẽ bị truy hỏi về lý do bị trách phạt. Đôi khi em sẽ bị la mắng nhiều hơn”.

Theo ông Gia, nhiều em học sinh cũng cho rằng người lớn sẽ chê trách hoặc trừng phạt chứ không hiểu các em. Trong số các em đã tham gia trả lời khảo sát, 15% trẻ cho biết ở trường đã bị ném phấn, cốc đầu, nhéo tai; 21% cho biết đã bị đánh vào mặt, tay, mông…

Học sinh đối thoại với phụ huynh và giáo viên tại Trường THCS Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, TP.HCM. (Ảnh do dự án Trường học thân thiện cung cấp)

Ông Gia cho rằng người lớn thiếu kỹ năng tiếp xúc với con trẻ. Các giáo viên phải gồng lên để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy với khối lượng chương trình nặng, sĩ số lớp đông, không có đủ thời gian và điều kiện chăm chút, lắng nghe từng học sinh. Cha mẹ thì với gánh nặng cơm áo gạo tiền không có nhiều thời gian cho con em mình. Qua nhiều cuộc thảo luận, các em đều bày tỏ nguyện vọng: “Người lớn trong gia đình và thầy cô cần dành nhiều thời gian hơn nữa để lắng nghe, trò chuyện với các em”. Trong đó, ở độ tuổi tiểu học, nhu cầu được giao tiếp với người lớn của trẻ là rất cao.

Ông Gia cũng cho rằng: “Đa phần nhà trường và địa phương thiếu hẳn một cơ chế để trẻ em có thể dễ dàng tin cậy, báo cáo những vấn đề xảy ra với các em”.

Bà Phan Thanh Minh, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), cho rằng hội cha mẹ học sinh chưa phát huy vai trò của mình. Bà nói: “Nhiều phụ huynh đi họp vẫn chưa quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của con em và nhà trường mà chỉ đi với tâm lý là để nghe phổ biến các khoản tiền”.

Trao cho trẻ quyền bày tỏ

Trường THCS Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, TP.HCM tham gia dự án Trường học thân thiện - bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương cách đây đã ba năm. Thầy Ngô Hồng Thái, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết nhà trường đã xây dựng thành công mô hình “Đối thoại học đường” để các em thực hành quyền được bày tỏ.

95,2% trẻ em tham gia khảo sát không biết về cơ quan/tổ chức hay dịch vụ hỗ trợ các em tại nơi sinh sống khi bị quấy rối, bạo lực. 

Thầy Thái chia sẻ trường đã mời gần 50 phụ huynh, đại diện học sinh từ tất cả các lớp cùng tham gia đối thoại với thầy cô giáo và ban giám hiệu. Được khuyến khích bày tỏ, một em học sinh đã chia sẻ: “Con đề nghị các ba mẹ ở đây phải công bằng với con cái trong nhà, không được đánh đòn con cái. Ở nhà con, ba mẹ luôn tin anh chị lớn, không tin con. Như vậy là không công bằng. Các ba mẹ phải rút kinh nghiệm, phải dành thời gian nghe các con trình bày”. Sự bày tỏ của em đã khiến nhiều bậc phụ huynh vỗ tay hoan nghênh và cho rằng đó là bài học tốt mà nhiều cha mẹ phải rút kinh nghiệm.

Một em học sinh lớp 8 đã đề nghị các thầy cô phải luôn dịu dàng, kiên nhẫn với học sinh: “Ngay cả khi tụi con phạm lỗi, cô cũng đừng có làm dữ, đừng quát mắng, như thế tụi con tổn thương lắm!”. Nhiều giáo viên đã phản hồi rằng họ trách phạt học sinh với sự quan tâm và yêu thương.

Qua những cuộc đối thoại, rất nhiều vấn đề đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn có một số học sinh bày tỏ: “Có nhiều chuyện tụi con không thấy an toàn khi chia sẻ với người lớn, chỉ có thể nói với bạn bè”. Vì vậy, nhà trường đã thành lập CLB trẻ em. CLB do chính các em học sinh tự quản, tự giúp đỡ lẫn nhau. Nếu gặp vấn đề nghiêm trọng không thể giải quyết, CLB sẽ bàn bạc với thầy cô để được giúp đỡ.

Thầy Hồng Thái nói: “Khi các em được bày tỏ, được lắng nghe, các em rất tự tin giải quyết những vấn đề của mình”.

Những con số giật mình qua khảo sát

- Có 3/20 trường chưa đạt và 17/20 trường đạt một phần ở nội dung môi trường học tập khuyến khích thể hiện quyền trẻ em và học sinh có hiểu biết về quyền của mình.

- Trẻ là con em của người nhập cư bị bóc lột sức lao động, tham gia lao động sớm gia tăng.

- Hơn 40% trẻ em đã phải chứng kiến cha mẹ cãi nhau hoặc đánh nhau. Hơn một nửa trẻ em độ tuổi tiểu học đã bị cha, mẹ đánh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới