Trích tiền phạt cho CSGT là trái luật!

Ủy ban Pháp luật Quốc hội vừa kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định về quản lý, sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, trong đó có điều khoản trích lại 70% tiền xử phạt cho CSGT. Đây là vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội nhiều lần kiến nghị.

Quy định không phù hợp

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, khẳng định: Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp và sử dụng tiền phạt vi phạm giao thông không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008) và Luật Ngân sách nhà nước, toàn bộ tiền phạt thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó phân chia theo quy định chung của Luật Ngân sách nhà nước. Pháp luật cũng nghiêm cấm sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ bán tang vật, phương tiện bị tịch thu để trích thưởng.

Tuy nhiên, thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính lại quy định 100% số tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính được điều tiết cho ngân sách địa phương. Đặc biệt, có tới 70% được trích cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông; 10% cho lực lượng thanh tra giao thông vận tải; 10% cho Ban An toàn giao thông và 10% cho các lực lượng khác. Điều này dẫn đến việc sử dụng khoản thu này của ngân sách không tập trung, không bảo đảm mục đích thu.

Trích tiền phạt cho CSGT là trái luật! ảnh 1

Trích lại 70% tiền xử phạt cho CSGT là một vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội nhiều lần kiến nghị sửa đổi. Ảnh: HTD

Theo đuổi đến cùng

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Ủy ban Pháp luật), từ sáu tháng trước ủy ban đã tổ chức phiên giải trình về thực trạng - giải pháp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Khi đó, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, sửa đổi quy định về quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm giao thông thu được.

“Lúc ấy, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay sẽ đưa hết tiền phạt vi phạm giao thông vào ngân sách nhà nước, sau đó muốn chi gì thì phải lập kế hoạch theo Luật Ngân sách nhà nước. Nhưng chẳng hiểu sao từ đó đến nay mọi việc vẫn như cũ” - ông Thuyền nói.

Cũng theo ông Thuyền, đây là vấn đề được người dân rất quan tâm, bức xúc. “Nếu CSGT khó khăn, công việc vất vả thì Nhà nước sẽ trợ cấp. Còn tiền phạt phải được nộp vào ngân sách nhà nước, như thế mới tạo ra sự công bằng, người thực thi công vụ mới làm đúng chuẩn mực công việc. Chúng tôi đang chờ giải trình của Bộ Tài chính. Nếu bộ này không sửa, chúng tôi sẽ kiên trì đấu tranh để làm sao quy định vô lý này phải được bãi bỏ” - ông Thuyền nhấn mạnh.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Phó Chánh án TAND TP.HCM) cho rằng đến 1-7-2013, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, tất cả quy định về sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính tại các thông tư của Bộ Tài chính hay nghị định của Chính phủ trái với luật này đương nhiên phải bãi bỏ. Còn từ nay đến 1-7-2013, Quốc hội nên sớm có nghị quyết chấn chỉnh việc sử dụng khoản thu này cho phù hợp.

Xem lại đề xuất “sống năm năm mới được sở hữu xe”

Đó là ý kiến góp ý của UBND TP.HCM về đề án hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ GTVT.

Theo đề án này, người dân các TP lớn phải sinh sống ít nhất năm năm tại TP mới được giải quyết đăng ký xe. Tuy nhiên, UBND TP cho rằng cần xem lại tính khả thi của biện pháp trên. Bởi khi đó, nhiều người sẽ nhờ thân nhân đăng ký xe ở địa phương khác rồi mang đến các TP lớn lưu thông.

Cũng theo UBND TP, tùy theo đặc thù của từng địa phương mà cần tách bạch các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân. Cụ thể, cần tách thành từng nhóm các TP có sự tương đồng về một số chỉ tiêu trong đô thị để đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng, phương tiện cá nhân, công cộng, ùn tắc giao thông…, từ đó có biện pháp thích hợp cho từng nhóm. Đặc biệt phải phân tích, làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan đã gây ra việc gia tăng xe cá nhân trong hơn 10 năm qua, như vậy mới có thể đề ra các giải pháp thuyết phục.

M.PHONG

THÀNH VĂN - BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm