"Trích xuất" chứng cứ: Luật chưa điều chỉnh

Thực tiễn xét xử đã xuất hiện nhiều trường hợp đương sự yêu cầu tòa "trích xuất" chứng cứ trong một vụ án khác để phục vụ cho vụ việc mà tòa đang giải quyết nhưng đều bị tòa từ chối. Đây là tình huống mới phát sinh nhưng luật lại chưa hề điều chỉnh…

Bà M. thuê nhà của Nguyễn Văn Thành ở quận Tân Bình (TP.HCM) để kinh doanh. Sau đó, bà mua lại căn nhà, làm thủ tục sang tên rồi cho Thành ở nhờ ba tháng để đi tìm chỗ ở mới. Đến hẹn, Thành cứ ở lì nên bà M. khởi kiện ra TAND quận Tân Bình đòi nhà.

Lấy chứng cứ dân sự xử hình sự?

TAND quận Tân Bình xử bà M. thua. Bà M. kháng cáo. TAND TP đã tuyên hủy án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng buộc Thành trả nhà cho bà M. Trong khi chờ TAND quận Tân Bình xử sơ thẩm lại, Thành vẫn chiếm giữ nhà. Tháng 9-2009, bà M. đến kêu Thành mở cửa thì xảy ra cãi vã. Thành lấy dao đâm bà M. nhiều nhát, gây thương tật 34% vĩnh viễn.

Xử sơ thẩm vụ án hình sự này, TAND quận Tân Bình phạt Thành ba năm tù về tội cố ý gây thương tích. Bản án sau đó bị VKS TP kháng nghị theo hướng tăng hình phạt đối với Thành. Bà M. cũng kháng cáo yêu cầu xử lý Thành về tội giết người.

"Trích xuất" chứng cứ: Luật chưa điều chỉnh ảnh 1

Trong phiên phúc thẩm giữa tháng 5 vừa qua, luật sư hai bên đã tranh luận gay gắt về tội danh của Thành. Bên thì bảo Thành phạm tội giết người, bên lại nói Thành chỉ phạm tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Đặc biệt, luật sư hai bên đều đề nghị tòa hoãn xử để lấy chứng cứ của vụ án dân sự (đang lưu giữ ở Tòa Dân sự TAND TP) bổ sung, làm rõ cho vụ án hình sự.

Tuy nhiên, tòa đã từ chối. Theo tòa, phiên phúc thẩm vụ án hình sự chỉ xem xét các nội dung kháng nghị, kháng cáo, không đi sâu vào chứng cứ. Hơn nữa, tuy cùng một cấp nhưng tòa hình sự phúc thẩm và tòa dân sự phúc thẩm hoạt động độc lập, không phụ thuộc nhau khi giải quyết án. Do đó không thể lấy chứng cứ ở tòa này để làm chứng cứ ở tòa khác.

Mang bản án hình sự yêu cầu xử ly hôn?

Một vụ ngược lại, tháng 1-2011, ông TVT nộp đơn đến TAND thị xã Long Khánh (Đồng Nai) xin ly hôn với bà TTM. Theo đơn, ông và bà M. sống chung như vợ chồng tại xã Hàng Gòn (thị xã Long Khánh) từ năm 1997 nhưng không đăng ký kết hôn. Từ năm 2005 đến nay, họ thường xuyên xung đột căng thẳng, hay nghi ngờ nhau nên đời sống hôn nhân không còn ý nghĩa...

Nhận đơn, tòa yêu cầu ông T. về đề nghị UBND xã Hàng Gòn xác nhận ông và bà M. chung sống như vợ chồng để làm căn cứ giải quyết cho ly hôn. UBND xã lại chỉ xác định rằng giữa ông T. và bà M. có ở chung và cùng mua bán cà phê chứ không khẳng định họ sống chung với nhau như vợ chồng. Vì thế, tòa đã không thụ lý đơn xin ly hôn của ông T.

Không còn cách nào khác, ông T. đành mang đến nộp cho tòa một bản án hình sự do chính tòa này xử ông về tội trộm cắp tài sản vào năm 2002 cùng một bản án hình sự của TAND tỉnh Đồng Nai xử ông về tội cố ý gây thương tích vào năm 2005. Dù phải bới móc quá khứ không tốt đẹp ra nhưng theo ông T., cả hai bản án hình sự đều xác định về nhân thân là ông và bà M. chung sống như vợ chồng nên TAND thị xã Long Khánh có thể dựa vào đó mà thụ lý đơn xin ly hôn của ông.

Yêu cầu của ông T. đã bị TAND thị xã Long Khánh từ chối. Tòa cho rằng hai bản án hình sự mà ông T. nộp cho tòa chưa thể coi là chứng cứ để tòa thụ lý đơn xin ly hôn của ông, càng không thể làm căn cứ để tòa xác định giữa ông và bà M. có chung sống với nhau như vợ chồng...

Chưa hề có quy định!

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, trong pháp luật tố tụng nói chung, chưa có một điều luật nào quy định rằng chứng cứ trong vụ án này có được coi là chứng cứ trong một vụ án khác hay không. Luật cũng không quy định rằng đương sự có được yêu cầu tòa "trích xuất" chứng cứ vụ án này để phục vụ cho vụ án khác hay không.

Cụ thể, trong Bộ luật Tố tụng hình sự, chế định về chứng cứ được ghi nhận trong Chương V (từ Điều 63 đến Điều 78) và không hề có điều luật cụ thể nào điều chỉnh vấn đề trên. Điều 64 chỉ quy định chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, VKS và tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Chứng cứ được xác định bằng: vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Tương tự, trong Bộ luật Tố tụng dân sự, chế định về chứng cứ được ghi nhận trong Chương VII (từ Điều 79 đến Điều 98) và cũng không hề có quy định nào về việc "trích xuất" chứng cứ của vụ án này cho vụ án kia. Điều 81 chỉ quy định chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho tòa hoặc do tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định mà tòa án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp…

Có thể bổ sung

Chứng cứ phải hội đủ ba thuộc tính cơ bản gồm tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp. Chứng cứ phải được cơ quan tố tụng thu thập, kiểm tra, đánh giá nhằm phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Một chứng cứ đã được thẩm tra và kết luận tính hợp pháp, đúng đắn trong vụ án này thì có thể sử dụng làm chứng cứ trong một vụ án kia. Tức có thể lấy chứng cứ trong vụ án hình sự làm chứng cứ cho vụ án dân sự và ngược lại.

Luật sư LÊ QUANG Y, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Không nên công nhận

Về nguyên tắc, quá trình giải quyết vụ án của mỗi tòa là một quy trình riêng, không phụ thuộc vào nhau, không ảnh hưởng bởi nhau. Ngoài ra, ngay cả khi cùng một vụ án, hai hội đồng xét xử vẫn có thể nhận định, tuyên án khác nhau chứ chưa cần nói gì đến hai vụ án khác nhau. Do đó không thể lấy chứng cứ trong vụ án này làm chứng cứ cho vụ án kia. Làm như vậy, hiểu theo một khía cạnh nào đó thì tòa đang vi phạm nguyên tắc xét xử độc lập.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

THANH TÙNG - HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm