“Trích xuất” chứng cứ: Nên linh hoạt!

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng tòa phải linh hoạt, không nên cứ cứng nhắc từ chối thẳng thừng...

Theo thẩm phán Hoàng Văn Hải, Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh, đúng là pháp luật tố tụng chưa hề điều chỉnh về việc “trích xuất” chứng cứ của vụ án này để phục vụ cho vụ án kia. Tuy nhiên, không vì thế mà tòa không để ý đến yêu cầu của người tham gia tố tụng bởi lẽ nếu chứng cứ đó có thể làm sáng tỏ được vụ án thì tòa rất cần phải tham khảo. Thậm chí nếu chứng cứ đó quan trọng thì tòa phải chủ động tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự mà đứng ra thu thập.

Để làm sáng tỏ vụ án

Dù vậy, thẩm phán Hải cho rằng người tham gia tố tụng nên đưa ra yêu cầu “trích xuất” trước khi phiên xử diễn ra để tòa có thời gian thẩm định và quyết định có chấp nhận hay không. Bởi lẽ nếu chấp nhận yêu cầu đó thì tòa cũng cần một khoảng thời gian để thực hiện. Còn trường hợp người tham gia tố tụng đưa yêu cầu ngay tại phiên xử, tòa có hai cách xử lý: Nếu xét yêu cầu “trích xuất” không cần thiết hoặc có dấu hiệu cố tình kéo rê vụ án thì tòa bác. Còn nếu xét thấy yêu cầu “trích xuất” là cần thiết thì tòa hội ý và tuyên bố hoãn xử để thu thập.

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM cũng cho rằng việc “trích xuất” chứng cứ là nhu cầu chính đáng của người tham gia tố tụng, nếu thấy không ảnh hưởng gì đến quá trình giải quyết vụ án thì tòa phải tham khảo. Vì có thể từ chứng cứ đó mà sự thật khách quan của vụ án sẽ được làm sáng tỏ.

“Trích xuất” chứng cứ: Nên linh hoạt! ảnh 1

Phải thu thập đúng trình tự, thủ tục

Theo kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn, Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao, chứng cứ trong vụ việc dân sự hoàn toàn có thể trở thành chứng cứ trong vụ án hình sự và ngược lại. Tuy nhiên, chứng cứ đó phải đảm bảo được thu thập đúng các trình tự, thủ tục mà pháp luật tố tụng quy định.

Khi sử dụng, tòa phải xem nguồn chứng cứ liên quan này đã được thu thập đúng theo luật định hay chưa. Bên cạnh đó, tòa cũng phải phân tích, đánh giá xem chứng cứ này có phù hợp với các chứng cứ khác trong hồ sơ hay không. Một khi đã xem xét tổng thể, nếu thấy phù hợp, tòa có thể coi chứng cứ trên là có giá trị để sử dụng làm căn cứ khi phán quyết.

Đồng tình, thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, phân tích thêm: Bất kỳ chứng cứ nào nếu thỏa mãn ba thuộc tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp thì dù có của vụ án này, cơ quan tố tụng vẫn có thể sử dụng cho vụ án khác. Thực tế đã có nhiều vụ án dân sự sử dụng chứng cứ trong bản án hình sự để xem xét mức độ lỗi, từ đó xác định mức bồi thường như các án về tranh chấp bồi thường tiền bảo hiểm…

Tuy nhiên, theo nguyên tắc vận dụng thống nhất trong luật, khi người tham gia tố tụng yêu cầu “trích xuất” chứng cứ, tòa phải rất cẩn trọng. Tòa phải xem xét chứng cứ ấy có liên quan đến vụ án đang giải quyết và thỏa mãn ba thuộc tính của chứng cứ hay không để chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu.

Phải hỗ trợ nhau

Nhiều ý kiến nói luật có quy định khi giải quyết án, các cơ quan tố tụng cần phải có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau nên không thể đưa ra lý do mỗi tòa có một quy trình giải quyết án khác nhau, không phụ thuộc, không ảnh hưởng lẫn nhau mà không công nhận chứng cứ của nhau.

Chẳng hạn, khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án.

Không công nhận là phủ nhận bản án của tòa

Nếu không công nhận chứng cứ trong một vụ án khác đã có phán quyết thì chẳng khác nào hội đồng xét xử này phủ nhận bản án, quyết định của hội đồng xét xử kia.

Đặc biệt là hai vụ án do cùng một cấp tòa giải quyết thì càng phải được sử dụng để khẳng định chứng cứ trong bản án trước có giá trị và phù hợp thực tế.

Tuy nhiên, trước khi sử dụng, những người tiến hành tố tụng cần đảm bảo quá trình thu thập phù hợp với quy định pháp luật, đồng thời cũng cần làm công tác kiểm tra, xác minh lại chứng cứ của các bản án khác.

Luật sư CAO MINH TRIẾT, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang

Chỉ “trích xuất” trong án đã có hiệu lực

Tôi cho rằng việc “trích xuất” chứng cứ chỉ áp dụng trong trường hợp chứng cứ đó thuộc về một vụ án đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Nếu đương sự yêu cầu “trích xuất” chứng cứ của một vụ án khác cũng đang giải quyết trong cùng thời điểm thì tòa không nên làm. Bởi lẽ vụ án kia đang được tòa án khác thẩm tra nghiên cứu hồ sơ, xác minh sự thật của chứng cứ nên nó chưa có giá trị pháp lý.

Luật sư LÊ VĂN BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

THANH TÙNG - HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm