Triệt bạo hành gia đình: Không thể mạnh ai nấy làm!

Gần đây rộ lên những câu chuyện thương tâm về bạo hành gia đình: chồng thiêu sống vợ hoặc chém vợ nhiều lần phải đi cấp cứu; mẹ tưới dầu đốt con… Thật đáng tiếc là từ “bạo hành” hiện nay dường như đã trở nên phổ biến và thông dụng trong các câu chuyện hằng ngày của chúng ta.

Dễ làm mất niềm tin

Về khía cạnh cá nhân, điều tôi nhìn thấy là có khá nhiều người “nhún vai” và “lắc đầu” khi nghe thông tin về một sự vụ bạo hành nghiêm trọng trong gia đình. Có lẽ nhiều người chỉ thấy rằng đó là vấn đề của ai đó, cụ thể là của chính thủ phạm và nạn nhân. Nhưng thật sự không phải vậy, một khi xã hội tràn lan những vụ bạo hành với tính chất nghiêm trọng ngày càng tăng, chúng ta có lẽ phải nghĩ đến môi trường và chất lượng sống tổng thể của chính xã hội đó.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng một vụ bạo hành không chỉ làm ảnh hưởng đến nạn nhân, mà còn làm phá hoại tiến trình phát triển hoàn thiện của thủ phạm, đồng thời cũng làm xấu đi tiến trình phát triển nhân cách của những người có liên quan và rồi cả những người quan sát hoặc nghe thấy thông tin. Sự lo âu ngày càng gia tăng mà không được giải quyết dần dần sẽ làm mất đi niềm tin của con người vào xã hội, vào các mối quan hệ người - người.

Hai nhóm nguyên nhân

Gia đình không thể đảm bảo được việc ngăn chặn nạn bạo hành nếu hệ thống giáo dục (cụ thể là trường học) và hệ thống pháp luật không làm tốt trách nhiệm của họ. Cũng vậy, trường học không thể giải quyết hoàn toàn được vấn đề nếu trong gia đình và ngoài xã hội đầy rẫy các vụ việc bạo hành. Và theo logic đó, xã hội này sẽ còn tiếp tục gia tăng các vụ việc bạo hành nghiêm trọng nếu gia đình và trường học không giáo dục cho học sinh trở thành những con người “phi bạo lực”.

Triệt bạo hành gia đình: Không thể mạnh ai nấy làm! ảnh 1

Nếu gia đình và trường học giáo dục tốt cho các em trở thành con người “phi bạo lực” thì xã hội sẽ hạn chế được nạn bạo hành. Ảnh minh họa: HTD

Có hai nhóm nguyên nhân cốt lõi có thể liên quan đến hành vi bạo lực nói chung và nạn bạo hành trong gia đình nói riêng:

1. Sự bất mãn trong đời sống gia đình

Nhiều người và nhiều tổ chức thường hay nêu ra lý do nghèo đói hoặc sự ngu dốt (thất học) đã dẫn đến nạn bạo hành trong gia đình gia tăng. Theo tôi, bản thân sự nghèo đói hoặc thiếu/thất học không phải là nguyên nhân cốt lõi mà chính là sự bất mãn trong đời sống gia đình. Có không biết bao nhiêu gia đình nghèo đói đến mức phải lo ăn từng bữa, có không biết bao nhiêu gia đình cha mẹ không có cơ hội học hết cấp một, thế nhưng gia đình họ vẫn đầy yêu thương, đầy sự chia sẻ và đầm ấm. Ngược lại, không ít những gia đình giàu có, tri thức đầy mình nhưng họ vẫn bạo hành hằng ngày, trong đó có cả bạo hành về thể xác lẫn bạo hành về tinh thần.

Các chứng cứ từ nghiên cứu khoa học cho thấy sự bất mãn trong đời sống gia đình thường liên quan chặt chẽ đến cách thức giao tiếp, tương tác và xử lý các vấn đề của vợ chồng. Như vậy, bạo hành trong gia đình có thể xảy đến với bất kỳ ai, thuộc mọi thành phần trong xã hội nếu chất lượng các mối quan hệ giao tiếp trong gia đình đó không đảm bảo. Người ta có thể dễ trở nên mất kiểm soát và nổi giận khi không hài lòng về người phối ngẫu của mình, từ chuyện chi tiêu đến cách thức tổ chức cuộc sống trong gia đình, từ chuyện nuôi dưỡng, giáo dục con cái đến cách thức chăm sóc vợ/chồng, từ chuyện quá kiểm soát đến chuyện quá xa cách nhau trong gia đình và còn nhiều lý do khác tương tự.

2. Cá nhân không khỏe mạnh (về nhân cách)

Bản thân người chồng hoặc người vợ hoặc cả hai khi có đời sống cá nhân không khỏe mạnh - từ nhận thức cuộc sống đến các giá trị mà họ tin tưởng, đến các kiểu mẫu hành vi hằng ngày… có thể sẽ là một trong những nhóm nguyên nhân cốt lõi dẫn đến hành vi bạo hành trong gia đình.

Nghiên cứu khoa học cho thấy nguyên do lớn nhất để dẫn đến bạo hành là việc một người muốn thông qua việc bạo hành để thể hiện quyền lực và khả năng kiểm soát người khác, trong trường hợp này là người thân (vợ, chồng, con cái…) của họ.

Đằng sau sự gia tăng các vụ bạo hành giữa cha mẹ với con của họ, câu hỏi đặt ra là tại sao lại là con trẻ? Chúng ta có thể nhìn thấy đó là một trong những “hậu quả” của việc không thể giải quyết thỏa đáng giữa cha mẹ - những người lớn. Một trong hai người có thể đang cảm thấy bế tắc hoặc không chịu đựng được nhưng không thể bộc lộ trực tiếp với người gây ra bất mãn cho mình, vì thế họ “chuyển đối tượng” sang những đứa con, nhất là đứa con tỏ ra bênh vực hoặc yêu thương người kia.

Chiến lược quốc gia chống bạo hành

Không thể có những giải pháp đơn lẻ, đơn giản mà phải là nhóm các giải pháp được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi các cơ quan có trách nhiệm và được thực hiện bởi những người có chuyên môn.

Trước hết, các giải pháp phải tập trung vào việc giải quyết hai nhóm nguyên nhân cốt lõi: 1) Gia tăng khả năng đạt được sự hài lòng trong đời sống hôn nhân; 2) Tăng cường việc phát triển đời sống cá nhân, nhân cách của con người trong xã hội. Hai nhóm giải pháp này hẳn nhiên có liên quan và không tách rời nhau.

Như vậy, chúng ta phải hình dung đến một “chiến lược quốc gia” liên quan đến vấn đề bạo hành trong xã hội nói chung và trong đời sống gia đình nói riêng chứ không thể mạnh ai nấy làm được. Một khi đã có được một chiến lược quốc gia, với sự tham gia đầy đủ những thành phần có liên quan và có chuyên môn, qua đó tiếp cận và tác động đến cả ba môi trường cơ bản là gia đình, nhà trường và xã hội thì chúng ta mới có quyền hy vọng giải quyết được rốt ráo đến tận gốc rễ của vấn đề.

NGÔ MINH UY, Giám đốc Trung tâm Tâm lý học Ứng dụng Sông Phố

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm