Trở lực khiến bóng đá trẻ Việt Nam khó phát triển

Nói đến thay đổi tận gốc rễ thì có lẽ phải thay đổi toàn bộ từ cấp điều hành đến tư duy làm bóng đá của những con người trực tiếp làm bóng đá.

Ở đây chỉ đề cập đến một góc độ vì sao bóng đá trẻ Việt Nam tiếp cận đẳng cấp châu lục qua các vòng loại nhưng đến độ lứa tuổi Olympic và tuyển quốc gia thì thui chột?

Bóng đá trẻ Việt Nam luôn sản sinh những đội trẻ từng đánh bại Thái Lan, đánh bại Úc nhưng lên các tuyến lớn hơn là thua te tua. Vì giai đoạn chuyển tiếp và khi tiếp cận được với đội A ở cấp CLB thì các em chẳng có cơ hội nào rèn giũa chuyên môn. Các HLV cấp CLB quá nặng thành tích dẫn đến các em chỉ dự bị và quanh quẩn đá đội trẻ, rất ít có cơ hội ra sân giải nội địa.

Chưa kể khi có cơ hội khoác áo đội A cấp CLB thì có một thực trạng “không thành văn” là phải chịu theo “hệ thống khó chữa” ở V-League. Khi thì đá cho đội này, lúc phải tập trung cho đội kia vô địch… Đó là một thói quen rất nguy hiểm, tạo ra tính thiếu chuyên nghiệp và phấn đấu cho cầu thủ.

Nếu V-League có chất lượng cao cùng với đó là sự trách nhiệm vì cái chung của bóng đá Việt Nam cấp CLB, các cầu thủ trẻ đá giỏi được HLV cấp CLB tạo điều kiện “đôn” lên đội 1 thì nhất định họ sẽ tiến bộ rất nhiều. Có thể thấy hiếm hoi như Hà Đức Chinh hay Quang Hải…

Giải nội địa Việt Nam rất ít số trận, ít giải cũng là một vấn đề cản trở sự phát triển cầu thủ trẻ tiếp cận bóng đá người lớn. Hầu hết các CLB trong một mùa chỉ đăng ký dưới 30 cầu thủ (cụ thể là 26 cầu thủ) nên rất khó cho cầu thủ trẻ phát triển.

Ở Đông Nam Á, Thai-League và Liga Indonesia mỗi giải có 18 đội (như bóng đá châu Âu), cùng với đó là cúp quốc gia và League Cup. Mỗi mùa một CLB đăng ký 40-45 cầu thủ. Đây là chiến lược hoạch định của HLV trưởng CLB đầu mùa giải để phân bố lực lượng hợp lý ở ba giải nội địa. Theo đó nhiều cầu thủ trẻ của CLB có nhiều cơ hội tập luyện và thi đấu đội hình A CLB khiến họ nhanh tiến bộ vì được thi đấu nhiều hơn và quan trọng là sống trong môi trường chuyên nghiệp đích thực.

Còn với bóng đá Việt Nam, ngoài những tuyển thủ U-20 như Đức Chinh, Quang Hải có trong đội A CLB mỗi năm trung bình đá dưới 25 trận (trừ chấn thương, bệnh, thẻ phạt) đã là khó phát triển, huống gì nhiều tài năng trẻ khác mỗi năm đá dưới chục trận làm sao phát triển được?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm