Trong giãn cách xã hội, TP.HCM được thở không khí trong lành

Theo dõi về chỉ số ô nhiễm môi trường ở các nước trên thế giới mới thấy: Lần đầu tiên sau nhiều năm, các chỉ số môi trường được cải thiện thực sự.

Tại Ấn Độ, Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm tại quốc gia này cho biết thành phố ghi nhận mức giảm chất thải ô nhiễm không khí rõ rệt chỉ sau một tuần hạn chế tiếp xúc xã hội. Không khí trong lành đến nỗi lần đầu tiên sau 30 năm, nhiều người dân tại bang Punjab có thể nhìn thấy cả dãy Himalaya cách đó gần 200 km.

Dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy từ ngày 14 đến 25-3, ô nhiễm không khí do chất NO2 ở những thành phố lớn tại các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý giảm khoảng 40%.

Ngay tại Paris, những ngày giãn cách xã hội đã trả lại bầu không khí trong lành nhất cho thành phố so với cùng kỳ nhiều năm và tốt nhất từ đầu năm 2020 đến nay. Theo Mạng lưới quản lý chất lượng không khí AirParif cho Paris, chỉ cần hai ngày giới nghiêm, Airparif nhận thấy không khí cải thiện 20%-30%, với lượng khí thải NO giảm hơn 60%.

Trong những ngày giãn cách xã hội, phố xá TP.HCM thưa người; nhiều con đường vắng bóng người dân. Cũng chính vì vậy mà chỉ số ô nhiễm môi trường cũng giảm mạnh. Ảnh: THANH TUYỀN

Ở Việt Nam, chỉ số đo lường chất lượng không khí (AQI) tại TP.HCM và Hà Nội đã cải thiện rất đáng kể. Chỉ số bụi mịn PM2.5 tại TP.HCM đạt 20,8 mg/m3 - giảm gần 5 lần so với trước tết.

Những ngày dịch bệnh, điều mà tất cả mọi người đều cảm nhận rõ nhất là TP.HCM đã được thở. Không khí trong lành hơn, khói bụi cũng đã giảm dần đi.

Trái đất như đang được thở trở lại. Càng ít người, thiên nhiên càng được thanh lọc, trở nên trong lành hơn. Bẽ bàng nhận ra một lúc nào đó, sự vắng mặt của con người lại mang đến phép màu cho Trái đất này.

Đường Nguyễn Du vắng tanh, khác biệt so với thường ngày. Ảnh: THANH TUYỀN

Chính chúng ta, những con người đang sống, làm việc ở thành phố này đã ảnh hưởng đến lối sống, tính cách của thành phố. Chừng nào chúng ta còn xả rác, các ống cống sẽ chật nghẹt mỗi khi mưa xuống, nước không thể thoát được. Chừng nào chúng ta còn thiếu ý thức với môi trường sống của mình thì khói bụi, ô nhiễm môi trường là điều mà chúng ta phải chấp nhận. Không thể cứ mãi thở than trong khi mỗi ngày chúng ta đều đối xử tệ với môi trường, với thành phố này.

Dịch bệnh, bên cạnh những mảng màu xám xịt về số ca tử vong, sự sợ hãi; nhìn nhận một cách công bằng thì đó còn là cơ hội để con người nhận ra thông điệp mà Trái đất muốn gửi đến chúng ta.

Một chị đồng nghiệp của tôi kể những ngày dịch bệnh, chị có thời gian sống chậm hơn. Chị đạp xe đạp đi chợ thay vì đi xe máy. Chị có thời gian để lấy một chiếc túi giấy treo sẵn trên xe, không phải vội vàng, gấp gáp như mọi ngày… Hơn cả thế, nhiều người có cơ hội để quay quần bên gia đình, người thân, lắng nghe và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn. Có người thì xem đó là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau chuỗi ngày căng mình trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền.

Dịch bệnh giúp con người nhận thức lại về cách mà chúng ta đang đối xử với môi trường sống của chính mình. Con người sống như thế nào, thiên nhiên sẽ hồi đáp như thế đó. Thay đổi thói quen sống là cách mà cúng ta có thể cứu lấy môi trường của chính mình. Ảnh: QUỲNH HƯƠNG

Trong bộ phim tài liệu The Salt of the Earth (Muối của đất, phim từng đạt giải đặc biệt tại hạng mục “Un Certain Ragard” Liên hoan phim Cannes 2014 và được đề cử giải Oscar cho phim tài liệu xuất sắc nhất 2015), nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới Sebastião Salgado sau 40 năm cuộc đời đi khám phá nhiều miền đất lạ, chứng kiến tất cả những nỗi thống khổ của con người đã trở nên trầm cảm. Sau cuối, ông chọn trở về quê nhà, trồng lại cánh rừng, hồi sinh một ngọn đồi ngay gần nhà cha mẹ ông đã gắn bó. Ông tìm lại được chính mình, tìm lại sự bình yên khi thấy màu xanh của cây cối đã phủ dần lên ngọn đồi trọc trước đó.

Ta sống thế nào thì Trái đất sẽ hồi đáp như thế đó. Như cách mà nhiếp ảnh gia Sebastião Salgado nói trong phần cuối bộ phim: “Vào lúc kết thúc của một ngày, con người là muối của Trái đất”.

Dịch bệnh vẫn còn đó. Chúng ta luôn cần được thở trong một bầu không khí sạch. Điều đó có được hay không là phụ thuộc vào chính con người. Thay đổi thói quen sống, cách hành xử mới thiên nhiên, cho một Sài Gòn, mỗi nơi mà ta sống trong lành, ít khói bụi hơn...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm