Các nhân viên của SCS chịu trách nhiệm cài rệp nghe lén siêu công nghệ cao vào những nơi khó xâm nhập. Dữ liệu thu thập được truyền về trụ sở NSA để được giải mã và phân tích.
John Pike, chuyên gia thuộc Liên đoàn Khoa học gia Mỹ (FAS) giải thích: "Khi nói đến NSA, ta sẽ nghĩ đến mạng lưới vệ tinh. Khi nói đến CIA, ta nghĩ đến James Bond và vi phim. Nhưng, không ai biết đến một tổ chức sử dụng công nghệ cao để nghe lén và truyền tín hiệu - đó là SCS".
Trung tướng Keith B. Alexander, Giám đốc hiện nay của NSA.
SCS trong bóng tối
Về mặt chính thức, SCS không tồn tại, không có trụ sở riêng và nằm ngoài radar của giới truyền thông. Theo nhà báo James Bamford, SCS là chương trình phối hợp giữa khả năng chắt lọc thông tin từ các mạng tình báo nước ngoài và năng lực xâm nhập các quốc gia ở hải ngoại của CIA.
Theo quy định, giám đốc hai cơ quan CIA và NSA sẽ luân phiên lãnh đạo hoạt động của SCS. Thậm chí, các chuyên gia phân tích thường xuyên bàn luận về các đề tài gây tranh cãi nhất cũng không buột miệng nói một từ nào về SCS, một cựu sĩ quan tình báo giấu tên cho biết.
Theo một cuộc điều tra của chính quyền Hy Lạp về vụ nghe lén hơn 100 điện thoại di động của giới chức lãnh đạo nước này trong suốt sự kiện thể thao Thế vận hội Athens năm 2004, một số cuộc trò chuyện bị nghe lén được truyền tín hiệu về một địa điểm nằm gần thị trấn Laurel miền Tây bang Maryland. John Pike tin rằng khu vực đó là nơi đặt trụ sở của SCS.
Vào thập niên 90 thế kỷ trước, John Pike đưa lên Internet những hình ảnh vệ tinh về 2 tòa nhà nằm trên khoảng đất có rừng cây bao bọc ở vùng ngoại ô Beltsville bang Maryland với dòng chú thích đầy nghi vấn: Đây là trụ sở của SCS (?). Những vị khách tò mò nào tiếp cận khu vực sẽ bị sĩ quan Bộ Quốc phòng Mỹ chặn lại và có thể bị bắt giữ ngay lập tức! Pike cho rằng, trụ sở của SCS giả trang như tòa nhà văn phòng bình thường và để nhận thông tin tín hiệu từ hiện trường có lẽ SCS phải sử dụng các cơ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Vincent Cannistraro - cựu quan chức hàng đầu của bộ phận chiến dịch của CIA và cựu giám đốc Các chương trình tình báo (DIP) thuộc Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) - cho biết: "SCS không hoạt động trong nước và không nhắm vào các mục tiêu chính trị. SCS là công cụ chiến thuật được triển khai ở hải ngoại để thu thập thông tin tình báo về các hoạt động khủng bố". Chỉ có một điều chắc chắn là các nhân viên của SCS hoạt động trong môi trường tuyệt mật.
Ở hải ngoại, SCS dựng lên các hệ thống nghe lén cực kỳ tinh vi với các tên mã như là Oratory và Austin. Các trạm tiếp sóng vệ tinh nằm trong các đại sứ quán Mỹ - cũng như trong các đại sứ quán ở hải ngoại của các quốc gia đồng minh như Canada, Anh, Australia và New Zealand. Từ sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001, mọi nỗ lực thu thập thông tin tình báo của chính quyền Mỹ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, và Cannistraro tin rằng SCS hiện nhận được nguồn ngân sách lớn nhất trong cộng đồng tình báo bí mật của Mỹ.
Chiếu chùm tia laser vào cửa sổ để ghi âm
SCS có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Năm 1999, một nhóm đặc vụ của SCS bí mật xâm nhập Afghanistan để giám sát các trại huấn luyện của Al-Qaeda nằm gần tỉnh Khost. Cùng năm, họ tổ chức nghe lén những cuộc giao tiếp của giới chức Pakistan về kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Sau khi Mỹ tấn công Iraq vào năm 2003, Giám đốc NSA - Trung tướng Keith Alexander - đã biệt phái một nhóm đặc vụ SCS đến nước này để hỗ trợ cho Bộ Tư lệnh các chiến dịch phối hợp Mỹ (JSOC) ở Balad (cá nhân Keith Alexander nói chuyện với tướng chỉ huy JSOC Stanley McChrystal qua cuộc họp video từ xa được bảo mật ít nhất một lần mỗi tuần).
Bên trong trụ sở chính NSA ở bang Maryland.
Từ lâu trước khi Al - Qaeda trở thành mục tiêu theo dõi số 1 của Mỹ, SCS đã bí mật xâm nhập vào các mạng lưới thông tin liên lạc của các quốc gia đồng minh lẫn thù địch và hoàn thành những gì mà nhà báo Bob Woodward mô tả là "những kỳ tích gián điệp - nghe lén những cuộc họp chính quyền cao cấp ở châu Âu, Trung Đông và châu Á".
Quay ngược về thập niên 80 thế kỷ trước, SCS sử dụng một kỹ thuật siêu việt chiếu những chùm tia laser vào các cửa sổ của những căn nhà an toàn ở cách xa hàng chục kilômét. Các cuộc nói chuyện bên trong những căn nhà này được giải đoán và ghi lại bằng sự phân tích những rung động ở lớp kính cửa sổ!
SCS tổ chức từng nhóm khoảng từ 2 đến 5 người hoạt động bên trong các đại sứ quán Mỹ ở khắp nơi trên thế giới, với vỏ bọc là giới chức ngoại giao hay thành viên của bộ phận phụ trách viễn thông phục vụ ngoại giao. Khi vỏ bọc "bong tróc", các đặc vụ SCS xâm nhập vào các quốc gia hải ngoại dưới lớp vỏ doanh nhân. Sau khi được triển khai, đặc vụ SCS bắt đầu sử dụng các công nghệ siêu việt được bí mật nghiên cứu phát triển ở Beltsville.
Một hệ thống như thế có tên mã là ORATORY, được sử dụng rộng rãi lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, và có khả năng được sử dụng tiếp tục sau đó với biến thể khác. Sau khi khoanh vùng các đối tượng, đặc vụ SCS tiến hành lắp đặt các ăngten vào những địa điểm không có gì nổi bật và ORATORY bắt đầu hoạt động. Không chỉ nghe lén từ xa bằng công nghệ tiên tiến phát triển riêng cho hoạt động tình báo, mà SCS còn thực hiện các chiến dịch gọi là "bí mật đột nhập gia cư bất hợp pháp".
Trạm nghe lén của NSA trên Núi Quỷ ở Berlin bị bỏ hoang.
Do các thông tin nghe lén đều được mã hóa và cần có thời gian để giải mã, dịch sang tiếng Anh và sàng lọc những thông tin có ích. Thế nên, đôi khi SCS phải vận dụng phương pháp nghe lén cũ rích là đột nhập một tòa nhà để bí mật cài thiết bị nghe lén. Thậm chí, thiết bị tinh vi có thể được giấu trong bàn phím máy vi tính, ghi nhận từng phím được chạm đến để sau đó phân tích phục hồi toàn bộ văn bản được soạn thảo!
Tuy nhiên, do công việc bẻ khóa đột nhập tòa nhà quá mạo hiểm và dễ bị phát hiện cho nên đặc vụ SCS thường dùng tiền mua chuộc người trong nội bộ để thực hiện công việc bẩn thỉu này. SCS có thể chỉ giới hạn nghe lén ở một số mục tiêu nhỏ hoặc âm thầm kiểm soát toàn bộ cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia mục tiêu.
Số phận cơ cở vật chất khổng lồ ở núi quỷ
Trong thời Chiến tranh lạnh, hàng trăm căn cứ nghe lén được bí mật dựng lên và trải dài khắp thế giới. Từ những căn cứ quy mô nằm trên những vùng đất rộng hoang vắng ở Scotland và những vùng núi Thổ Nhĩ Kỳ cho đến các trạm lẻ tẻ hoạt động với chỉ vài ăngten tại những vùng bỏ hoang ở đảo Saint Lawrence nằm giữa Alaska và Siberia. Mặc dù vậy, những trạm nghe lén quy mô nhỏ như thế lại là cơ sở của Tình báo tín hiệu (SIGINT).
Cuốn sách "Nhà máy trong bóng tối: NSA tuyệt mật từ 11/9 đến nghe lén công dân Mỹ" của nhà báo James Bamf.
Hoạt động dưới sự giám sát bí mật của NSA, những trạm nhỏ này được thiết kế nhằm bắt tín hiệu của mã Morse, điện thoại, radar, radio và các tín hiệu khác phát đi từ đằng sau “Bức màn sắt” - biên giới quân sự giữa Tây Âu và Đông Âu trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Có một thời điểm, giới chức NSA từng nuôi ý định thực hiện tham vọng xây dựng một mạng lưới khổng lồ bao gồm 4.120 trạm nghe lén hoạt động liên tục bao trùm cả thế giới. Nhưng, cuối cùng NSA không bao giờ thực hiện được kế hoạch này mà đành chấp nhận với vài trăm trạm nghe lén.
Hiện nay, NSA còn tích cực bố trí các thiết bị nghe lén trên những chiếc tàu, tàu ngầm, máy bay (từ loại U-2 đến máy bay trực thăng), máy bay không người lái, xe tải, khí cầu và thậm chí trong các ba lô đeo vai cồng kềnh! Sau khi khối Đông Âu tan rã và với sự xuất hiện của công nghệ vi sóng, sợi quang học và điện thoại di động, nhu cầu của NSA đối với các trạm nghe lén trên mặt đất giảm sút. NSA hướng đến mạng lưới các vệ tinh tinh vi SIGINT với các tên mã như là Vortex, Magnum, Jumpseat và Trumpet nhằm giám sát chặt chẽ mọi sự giao tiếp bằng điện thoại di động cũng như tín hiệu vệ tinh trên khắp thế giới.
Trung tâm dữ liệu Utah của NSA ở giữa sa mạc bang Utah miền tây nước Mỹ.
Trong Chiến tranh lạnh, NSA cho xây dựng ngọn núi nhân tạo - gọi là Núi Quỷ (Devil's Mountain hay Teufelsberg theo tiếng Đức) cao 115 mét - ở Berlin. Tại Núi Quỷ, NSA thiết lập một trong những Trạm nghe lén tuyệt mật và rộng lớn nhất thế giới để phục vụ mục đích nghe lén và gián điệp các cuộc giao tiếp tín hiệu của Liên Xô, CHDC Đức và các quốc gia khác. Trạm nghe lén ở Núi Quỷ được cho là một phần trong mạng lưới thu thập thông tin tình báo ECHELON nổi tiếng thế giới của NSA. Trạm vẫn hoạt động cho đến khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Sau khi trạm Núi Quỷ ngưng hoạt động và bỏ hoang, các thiết bị tình báo được di dời song 400.000 tòa nhà và các tháp vòm ăngten khổng lồ cao 80 mét vẫn còn đó. Trạm nghe lén Núi Quỷ của NSA được các binh sĩ Mỹ, điệp viên và các quốc gia đồng minh với Mỹ gọi là "The Hill" (Ngọn đồi).
Hiện nay, số phận mạng lưới các trạm nghe lén cũ được giải quyết theo 3 hướng: chúng bị đóng cửa hoàn toàn, được di chuyển đến các cơ sở lớn hơn gọi là các trung tâm chiến dịch khu vực SIGINT (RSOCs), hoặc cải tạo thành các cơ quan nghe lén của nước chủ nhà để hoạt động phối hợp với NSA. Theo Hiệp ước UKUSA năm 1948 về tình báo tín hiệu ký kết giữa Mỹ và các quốc gia đồng minh, các cơ quan nghe lén của Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand cùng chia sẻ các thông tin mật với nhau.
Theo đánh giá của một quan chức tình báo Mỹ giấu tên, mối quan hệ giữa các đối tác trong UKUSA có giá trị rất lớn cho cộng đồng tình báo Mỹ cho dù chính quyền các quốc gia đồng minh có mâu thuẫn nhau về các vấn đề chính sách. Tóm lại, UKUSA là vũ khí tối thượng giúp cho tình báo Mỹ có "tai" và "mắt" ở mọi ngóc ngách trên thế giới!
Thiên Minh tổng hợp (ANTG)