Luật an ninh mà Trung Quốc đang soạn thảo nghiêm cấm việc đòi lật đổ và các hành vi phạm tội khác ở Hong Kong, sau khi đặc khu này chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình đòi dân chủ hồi năm ngoái. Bắc Kinh cho rằng luật này cần để khôi phục sự ổn định của Hong Kong.
Tuy nhiên, những người chỉ trích coi đó là đòn giáng vào các quyền tự do và tự trị của Hong Kong. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 17-6, các ngoại trưởng G7 đã kêu gọi Trung Quốc xem xét lại luật an ninh được đề xuất cho vùng lãnh thổ này.
Hong Kong đã chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình chống chính quyền hồi năm ngoái. Ảnh: AFP
Đáp lại tuyên bố trên, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì nói tại cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Hawaii rằng “quyết tâm” của Bắc Kinh đưa ra luật an ninh cho Hong Kong là”"không lay chuyển”, theo một tuyên bố trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối những lời nói và hành động của phía Mỹ can thiệp vào các vấn đề Hong Kong và kiên quyết phản đối tuyên bố của các ngoại trưởng G7 về những vấn đề liên quan đến Hong Kong” - ông Dương nói.
Theo thỏa thuận đạt được trước khi Anh giao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc, Bắc Kinh đã đồng ý để đặc khu này duy trì các quyền tự do và tự chủ nhất định đến năm 2047, bao gồm độc lập về lập pháp và tư pháp.
Các bộ trưởng G7 đã kêu gọi Trung Quốc “xem xét lại quyết định này” trong tuyên bố đưa ra hôm 17-6, nói rằng họ có “mối quan ngại sâu sắc” về việc luật an ninh mà Trung Quốc đang soạn thảo có thể “gây tổn hại nghiêm trọng” đến các quyền và sự tự do của Hong Kong.
Nhóm G7 bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ. Theo hãng thông tấn Kyodo News, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ mong muốn dẫn đầu các nỗ lực của G7 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về vấn đề Hong Kong, sau khi bốn quốc gia bao gồm Mỹ có tuyên bố chung lên án Trung Quốc về quyết định soạn thảo luật an ninh dành cho Hong Kong vào ngày 28-5.
Theo báo South China Morning Post, luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong đã được đưa vào lịch trình cuộc họp kéo dài ba ngày của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khai mạc hôm 18-6.
Tuy nhiên, tờ báo dẫn một nguồn thạo tin tại Trung Quốc cho biết nhiều khả năng văn bản luật gây tranh cãi nói trên sẽ không được thông qua tại kỳ họp này cho dù quá trình soạn thảo "sẽ được đẩy nhanh".