Trung Quốc vi phạm thỏa thuận tránh đối đầu trên không

Ngày 19-5, báo New Straits Times đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Reezal Merican thông báo máy bay trinh sát Mỹ không bay trong không phận Malaysia, do đó Malaysia không cần phản ứng. Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định trên cơ sở tự do hàng hải và hàng không”.

Trước đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc thông báo trong lúc máy bay trinh sát của hải quân Mỹ bay trong không phận quốc tế để tuần tra thường kỳ ở biển Đông, hai máy bay tiêm kích Trung Quốc đã bay cách máy bay Mỹ khoảng 50 feet (15,24 m). Lầu Năm Góc đánh giá hành động này là nguy hiểm. AP dẫn nguồn tin quân sự Mỹ (giấu tên) cho biết do hai máy bay J-11 của Trung Quốc bay quá sát, máy bay U.S. EP-3E Aries của Mỹ phải hạ độ cao để tránh va chạm. Sự cố xảy ra ngày 17-5 ở phía bắc biển Đông thuộc hướng nam đặc khu Hong Kong.

CNN dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết Mỹ sẽ thảo luận sự cố máy bay Trung Quốc áp sát máy bay Mỹ qua con đường ngoại giao và quân sự thích hợp. Trả lời CNN, nghị sĩ Chris Murphy thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện nhận định đây là một phần trong xu hướng bành trướng quân sự trên biển của Trung Quốc. Reuters ghi nhận sự cố xảy ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật.

Năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí lập đường dây nóng quân sự và đã đạt được thỏa thuận về Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES). Do đó, chuyên gia Greg Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington nhận xét: “Đây rõ ràng là kiểu ngăn chặn vô trách nhiệm và nguy hiểm nêu trong phụ lục đối đầu trên không trong CUES cần phải được ngăn chặn”.

Ông ghi nhận đây có thể là dấu hiệu bày tỏ thái độ phản đối của Trung Quốc với hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở biển Đông. Ông nhận định: “Quả thật rất thất vọng khi Trung Quốc hy sinh phụ lục CUES vì lợi ích chính trị”. Trả lời hãng tin Bloomberg, chuyên gia Ashley Townshend thuộc Trung tâm Châu Á-Thái Bình Dương (ĐH Phục Đán ở Thượng Hải), nhận định: “Nếu điều này lại xảy ra tuần tới rồi tuần tới nữa, đây là dấu hiệu cho giai đoạn hung hăng về chiến thuật trong âm mưu buộc Mỹ lùi bước của Trung Quốc”.

Trong khi đó, báo South China Morning Post ngày 19-5 dẫn tuần san quốc phòng IHS Jane’s (Anh) cho biết Trung Quốc đã lập dự án “Vạn lý trường thành dưới biển” nhằm phát hiện tàu ngầm Mỹ và Nga, đồng thời tăng cường kiểm soát biển Đông.

Năm ngoái, tại một cuộc triển lãm ở Trung Quốc, một gian hàng của Tập đoàn Đóng tàu quốc gia Trung Quốc đã giới thiệu dự án này. Dự án bao gồm xây dựng một mạng lưới tàu và thiết bị cảm ứng thả chìm dưới nước. IHS Jane’s lưu ý nếu doanh nghiệp thực hiện được dự án này, hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ mua.

Tập đoàn Đóng tàu quốc gia Trung Quốc còn đề nghị một phiên bản cải tiến của Trung Quốc tương tự hệ thống giám sát âm thanh của Mỹ. Thời chiến tranh lạnh, hệ thống này đã giúp Mỹ chiếm ưu thế đáng kể trong công tác đối phó với tàu ngầm Liên Xô.

Quân đội Trung Quốc có hơn 80 tàu ngầm và là hạm đội tàu ngầm lớn thứ nhì thế giới. Trong số này có 16 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, 15 tàu ngầm trang bị công nghệ cho phép hoạt động dưới biển lâu hơn, động cơ hoạt động tĩnh lặng hơn nhằm cải thiện khả năng tàng hình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm