Trung tâm giám sát cao tốc TP.HCM-Trung Lương tê liệt

“Hiện nay, hệ thống giám sát cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang bị hư phần mềm, hư thiết bị điện tử, nhiều màn hình kết nối không hiển thị”. Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Trung Lương), cho biết như trên.

Hệ thống có nhiều hỏng hóc

Theo ông Thành, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) của cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã hư hỏng trong thời gian dài. Hiện Cục Đường bộ IV đang có kế hoạch xin Tổng cục Đường bộ Việt Nam bố trí 2,5 tỉ đồng để tiến hành sửa chữa.

“Kế hoạch sắp tới của cục là sẽ báo cáo xin vốn, khi có kế hoạch ghi vốn xong thì mới báo cáo kỹ thuật, tổ chức đấu thầu. Chúng tôi sẽ sửa chữa các hỏng hóc bao gồm cả việc cài đặt lại phần mềm” - ông Thành nói.

Cục Quản lý đường bộ IV cho biết thêm: Dự kiến đến năm 2020 mới có nguồn vốn này vì các vấn đề phải theo đúng thủ tục. Còn phần mềm thì phải mời nhà thầu Hàn Quốc (từng thực hiện dự án) qua cài đặt lại mới có thể hoạt động được.

Theo Bộ GTVT, hiện ITS cao tốc Trung Lương - TP.HCM có nhiều bảng hiển thị thông tin, camera, thiết bị dò xe và 25/45 màn hình tại phòng điều khiển trung tâm không hoạt động. Bên cạnh đó, một server và các phần mềm quản lý giao thông cũng trong tình trạng tương tự. Từ năm 2018 tới nay, do phần mềm trục trặc nên dữ liệu quan sát từ đường cao tốc không thể kết nối và hiển thị tại trung tâm.

ITS cao tốc TP.HCM - Trung Lương được khánh thành, đưa vào hoạt động từ năm 2015. Được lắp đặt hệ thống máy chủ, hệ thống mạng điều hành quản lý, hệ thống điều khiển giao thông kết nối với 38 camera, kể cả đường dẫn ở hai đầu TP.HCM và Tiền Giang. Có 44 bảng điện tử nhằm thông báo tình hình giao thông, hướng dẫn lái xe, cách thức lưu thông trên cao tốc.

Hệ thống ITS ở cao tốc TP.HCM - Trung Lương gần như bị tê liệt. Ảnh: HTD

Cao tốc không an toàn khi không có ITS

Về vấn đề trên, PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho biết: Xe chạy trên cao tốc thường có tốc độ 100 km/giờ nhưng hiện nay với cao tốc TP.HCM - Trung Lương tài xế chỉ chạy 60 km/giờ, không khác gì quốc lộ nên hiệu quả khai thác không đạt như mong muốn.

Đồng quan điểm, ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong, cũng cho biết. “Các trung tâm ITS cần thiết để điều tiết giao thông trên cao tốc, đảm bảo tốc độ tối đa 120 km/giờ. Nếu không có hệ thống ITS thì tốc độ trên cao tốc phải giảm xuống tối đa 80 km/giờ như đường quốc lộ”.

Theo ông Quân, phần thiết bị (phần cứng) như hệ thống camera, màn hình, đường truyền thì đơn vị trong nước theo chuẩn chung có thể thay thế được. Nhưng còn phần mềm thì phải mời đơn vị lập trình phần mềm đó sửa chữa, cập nhật.

Trả lời về câu hỏi các đơn vị trong nước có thể sửa chữa phần mềm này để tránh việc phụ thuộc vào đơn vị nước ngoài trong tương lai, ông Quân cho rằng hiện các đơn vị trong nước có thể đảm trách lập trình mới các ứng dụng nhưng không sửa được phần mềm cũ của hệ thống đã được cài đặt.

“Tất nhiên về lâu dài thì đơn vị trong nước thuận tiện trong bảo hành, bảo trì, nâng cấp hệ thống hơn, do rất tốn kém để nhà thầu nước ngoài qua bảo trì sửa chữa khi có sự cố. Tuy nhiên, cần tùy theo thiện ý của nhà cung cấp cũ và khả năng của đơn vị mới trong nước” - ông Quân nói.

Bộ GTVT cũng cho hay: Để tránh phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Đường bộ đã mời đơn vị trong nước để tìm giải pháp khắc phục và sẽ có hướng xây dựng lại các phần mềm do đơn vị trong nước thực hiện. Qua đó, các đơn vị này có thể dễ dàng nâng cấp, khắc phục lỗi trong quá trình vận hành sau này.

ITS đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là dự án giao thông thông minh đầu tiên áp dụng trên đường cao tốc ở Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư 38,525 triệu USD (tương đương 803,627 tỉ đồng) từ vốn vay ưu đãi của chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.

Dự án này gồm hai hợp phần: Hợp phần một là Trung tâm điều hành quản lý hệ thống giao thông thông minh (đặt tại Khu 20, Phú Mỹ Hưng, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM) phục vụ khai thác, quản lý tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Về sau được nâng cấp thành Trung tâm điều hành cho toàn bộ mạng lưới đường cao tốc khu vực phía Nam, kết nối được với các hệ thống điều hành ITS quốc gia. Hợp phần hai là các thiết bị gồm hệ thống thiết bị giám sát giao thông hoàn chỉnh, được lắp đặt dọc tuyến đường cao tốc và các tuyến đường nối vào đường cao tốc, các nút giao… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm