LTS: Chưa có cuộc khảo sát chính thức nào về mức độ phổ biến cũng như tác động của điện thoại di động đối với kết quả học tập của học sinh. Tuy nhiên thực tế hiện nay, bên cạnh nhiều trường nới lỏng nội quy cho học sinh dùng di động như một tiện ích của cuộc sống thì cũng có trường cấm vì sợ ảnh hưởng xấu.
Một số sự việc xảy ra gần đây như học sinh dùng điện thoại quay lén những hình ảnh tế nhị của bạn bè tung lên mạng; phụ huynh khiếu nại nhà trường không cho học sinh xài điện thoại nên khi gặp tai nạn ngoài đường đã không liên lạc được kịp thời với người thân để cấp cứu… càng đẩy những tranh luận xung quanh chuyện nên hay không cho học sinh xài điện thoại trên một số diễn đàn giáo dục lên cao trào.
Ứng xử như thế nào với chuyện học sinh xài điện thoại đã đến lúc cần được luận bàn thấu đáo để tránh tình trạng cùng một hành vi mà trường này cho phép, trường khác lại kỷ luật học sinh.
Những ứng xử khác nhau về việc cho hay không cho học sinh xài điện thoại đã tạo ra tâm lý ganh tỵ ở một số học sinh trường này với trường khác. Ảnh: Lê Quang Nhật
Nghe chuông reo là… kỷ luật
Chuyện xảy ra từ đầu năm học tại trường THPT Thủ Đức (TP.HCM). Trong một lần kiểm tra đột xuất, hiệu trưởng trường này đã phát hiện chỉ trong một lớp học mà có tới bảy học sinh sử dụng điện thoại vào việc riêng trong giờ học. Những học sinh này dùng điện thoại để nghe nhạc, nhắn tin nên được gọi xuống phòng giám thị viết bản kiểm điểm và mời phụ huynh đến trường làm việc.
Trong lúc những em này đang phải viết kiểm điểm trước sự chứng kiến của thầy cô và phụ huynh thì trên bàn, những chiếc điện thoại vẫn rung liên hồi bởi có tin nhắn mới và tín hiệu buzz từ người bạn chat. Nhà trường ngay lập tức đưa ra nội quy chấn chỉnh học sinh khi đi học không mang theo điện thoại di động và nếu phát hiện ai sử dụng trong giờ học sẽ bị viết kiểm điểm, mời phụ huynh đến làm bản cam kết mới trả lại điện thoại.
Ông Nguyễn Hữu Diệu, hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: “Việc sử dụng điện thoại không đúng lúc, đúng chỗ sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập và ảnh hưởng đến việc giảng dạy của thầy cô, tiếp thu bài vở của những học sinh khác”.
Nhìn vào hệ luỵ chiếc điện thoại gây ra ở môi trường học đường, ngoài trường THPT Thủ Đức kể trên, nhiều trường khác cũng cấm học sinh mang điện thoại vào trường học, đặc biệt là những trường dân lập. Tại các trường như THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), THPT Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Sao Việt (quận 7)… đã thực hiện “nói không với điện thoại di động” nhiều năm nay. Nếu thầy cô phát hiện học sinh sử dụng điện thoại sẽ tịch thu, mời phụ huynh đến làm cam kết mới trả lại. Trường hợp vi phạm lần hai sẽ bị hạ hạnh kiểm.
Việc đưa ra quy định này xuất phát từ thực tế hiện nay hầu như trong trường phổ thông nào cũng có học sinh dùng điện thoại di động. Có em mới chỉ học lớp năm cũng đã được cha mẹ trang bị cho điện thoại riêng. Nhiều học sinh coi việc sắm điện thoại là một trào lưu, là một phần không thể thiếu của cuộc sống và không ít em còn quan niệm có trong tay những chiếc điện thoại đắt tiền mới thể hiện được đẳng cấp...
Tuy nhiên, điều khiến những người giảng dạy thực sự quan ngại là ngay trong giờ học, vẫn có nhiều em vô tư sử dụng điện thoại, để chuông reo gây ảnh hưởng đến lớp, cắt ngang mạch cảm xúc làm họ không thể giảng tiếp được... Thầy Lê Viết Cang, giáo viên trường THPT Lê Minh Xuân nhận xét: “Biết là cấm sử dụng điện thoại thì đa số học sinh không thích, nhưng thực tế là không có điện thoại thì các em sẽ chú tâm vào việc học hơn.
Nếu cứ chăm chăm vào chiếc điện thoại trong giờ học để nghe nhạc, nhắn tin, gửi hình ảnh… thì còn chữ nào đọng lại trong đầu? Rồi sau này, khi thi tốt nghiệp hay thi đại học, cứ giữ thói quen mang điện thoại vào phòng thi, lỡ bị phát hiện thì hệ luỵ rất lớn”.
Cho xài nhưng phải tắt máy trong giờ học
Tuy nhiên, khác với quan niệm trên, nhiều trường lại nới lỏng quy định cho học sinh được mang điện thoại và sử dụng trong khuôn viên trường nhưng khi đã vào lớp học thì phải tắt. Chẳng hạn trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM, THPT Bùi Thị Xuân, THPT chuyên Lê Hồng Phong, THCS Đức Trí…
Ông Lâm Văn Triệu, phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết 80% học sinh của trường có điện thoại di động: “Nhà trường cho phép học sinh mang điện thoại vào khuôn viên trường, nhưng khi vào lớp học phải tắt nguồn. Điện thoại di động là vật dụng cá nhân để liên lạc với người thân, bạn bè. Với lại mình đang dạy cho học sinh sử dụng các công nghệ mới, không có lý do gì lại cấm các em”.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định nếu phát hiện em nào sử dụng điện thoại trong giờ học, nhà trường sẽ bắt viết bản kiểm điểm, báo về phụ huynh biết. Nếu tiếp tục vi phạm lần hai sẽ hạ một bậc hạnh kiểm. Năm học trước, trường đã xử lý một vài em vi phạm nội quy này.
Theo bà Nguyễn Thị Phi, hiệu trưởng trường THCS Đức Trí, việc cho hay không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học là do nhà trường đưa ra nội quy riêng, ngành giáo dục chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này. “Việc sử dụng điện thoại cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Quan trọng phải nắm tình hình xem học sinh đang sử dụng điện thoại vào mục đích gì rồi phối hợp cùng phụ huynh có biện pháp định hướng kịp thời”, bà Phi nói.
Cũng theo bà Phi, việc sử dụng điện thoại vào mục đích liên lạc với người thân, bạn bè thì là điều tốt. Tuy nhiên, nhiều học sinh lạm dụng điện thoại vào các mục đích chat, quay phim chụp ảnh bạn bè rồi đưa lên mạng bình luận. Thậm chí, nhiều học sinh cấp hai mà trong điện thoại lưu giữ nhiều phim, ảnh đồi truỵ rồi chuyền tay nhau xem, điều đó hết sức nguy hiểm…
Nhiều nước cấm dùng điện thoại trong trường học Lý do cấm học sinh dùng điện thoại trong trường học vì sẽ mất tập trung vào bài học. Nhiều học sinh dùng điện thoại để gian lận trong học tập hay liên lạc với các băng nhóm bên ngoài gây mất trật tự trong trường. Canada: từ năm 2007 tất cả học sinh các trường học công tại Toronto và Waterloo bị cấm dùng điện thoại di động trong trường. Mỹ: nhiều thành phố cũng đưa ra lệnh cấm dùng điện thoại trong trường học như New York cấm học sinh dùng điện thoại trong trường từ năm 1980 và mới đây thêm iPod được đưa vào danh mục cấm. Học sinh tại Los Angeles chỉ được phép dùng điện thoại vào giờ ăn trưa hoặc giải lao. Nhiều nơi khác tại Mỹ như Boston, Detroit, Wisconsin... cũng có những quy định cấm hoặc hạn chế việc học sinh mang điện thoại đến trường. Pháp: mới đây cũng cân nhắc việc cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường học. Đối với sinh viên đại học, được quyền đem điện thoại vào lớp nhưng phải dùng chế độ im lặng và không được đàm thoại. Hàn Quốc: tỉnh Nam Gyeongsang cấm học sinh dùng điện thoại từ tháng 8.2009; và từ tháng 9.2009, thành phố Seoul cũng cấm học sinh tiểu học mang điện thoại đến trường; nếu là học sinh trung học cơ sở sẽ bị thu điện thoại đầu buổi và trả lại vào cuối buổi học. Ấn Độ: bang Karnataka cấm học sinh tiểu và trung học dùng điện thoại trong trường vì cho rằng điện thoại ảnh hưởng đến sức khoẻ học trò. K.D (tổng hợp) |