Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến mở trường liên cấp, mầm non thực hành

(PL)- Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến phát triển Trường trung học thực hành theo mô hình trường tiên tiến, chất lượng cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 26-4, đoàn làm việc của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Tại buổi làm việc, hiệu trưởng Huỳnh Văn Sơn thông tin, trường luôn chú trọng công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn giáo viên chất lượng để cung ứng tốt cho các trường phổ thông.

Hiện nay trường đang tiếp tục duy trì các phương thức tuyển sinh phù hợp với đặc điểm và thực tế của trường, tăng cường tư vấn và tạo nguồn tuyển sinh dồi dào.

Theo ông Sơn, dự kiến đến năm 2025, trường đảm bảo tăng số ngành đào tạo của toàn trường lên 45 đến 50 ngành, nhất là ưu tiên các ngành đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, sắp tới trường phát triển hai mã ngành là sư phạm âm nhạc và sư phạm Mỹ thuật để phù hợp cho thực hiện chương trình phổ thông mới.

Đặc biệt, GS Huỳnh Văn Sơn cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường sắp tới là phát triển Trường trung học thực hành theo mô hình Trường tiên tiến chất lượng cao. Đồng thời, trường sẽ thực hiện phát triển 2-3 phân hiệu mới của trường (hoặc hai phân hiệu và một cơ sở mới) tại Long An và Gia Lai dựa trên thực trạng chung và chiến lược phát triển Trường theo định hướng.

Trường cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT tạo điều kiện cho trường mở rộng cơ sở theo định hướng chiến lược phát triển của trường nhất là phát triển giáo dục phổ thông (Trường Thực hành sư phạm và Trường phổ thông liên cấp, Trường Mầm non thực hành sư phạm) và phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung.

GS Huỳnh Văn Sơn đang báo cáo với Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc. Ảnh: PHẠM ANH

GS Huỳnh Văn Sơn đang báo cáo với Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc. Ảnh: PHẠM ANH

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng cho rằng vấn đề đổi mới trường trung học thực hành là nhiệm vụ trọng tâm của trường. Trong rất nhiều năm nay, trường thực hành luôn nằm top 5 của các trường ở TP.HCM có chất lượng tuyển sinh đầu vào và chất lượng dạy học, đáp ứng thực nghiệm, đổi mới và đáp ứng chỗ học cho nhu cầu của địa phương. Và thời gian tới, trường muốn phát triển trường này theo mô hình trường tiên tiến chất lượng cao vì đáp ứng được theo các tiêu chí do UBND TP.HCM quy định. Bên cạnh đó, trường vẫn thực hiện đầy đủ vai trò của trường thực hành.

Ông Trung cho biết thêm, ngoài giáo dục phổ thông, trường còn có khoa giáo dục mầm non, tiểu học. Do đó, ở tất cả các bậc học, trường mong muốn đều có cơ sở thực hành, là nơi đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cũng để học sinh được hưởng thụ những sản phẩm đầu ra của trường. Tuy nhiên, để làm được, trường cũng đang giải quyết các vấn đề về quỹ đất, đầu tư nguồn lực, trang thiết bị...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ của Bộ GD&ĐT, cho rằng Bộ ủng hộ chủ trương mở rộng phân hiệu của trường ở các địa phương nhưng phải trên cơ sở tính toán kỹ mọi mặt và có lộ trình thích hợp.

Ông Lộc lưu ý rằng, khi thành lập đơn vị mới, trường sẽ bị phân tán nguồn lực số biên chế trường được cấp hạn chế trong khi dù là phân hiệu nhưng điều kiện hoạt động như một trường đại học. Thực tế đã có nhiều phân hiệu mở ra được vài ba năm lại thu hồi vì không hoạt động được.

Về mở rộng trường phổ thông trong trường đại học, ông Lộc cũng lưu ý rằng theo quy định hiện nay chỉ có các trường sư phạm được mở các trường thực hành. Nhưng khi mở ra phải hoạt động theo cơ chế tự chủ. Do đó, trường cần tính toán kỹ nguồn lực, điều kiện tại địa phương, và nguồn lực giáo viên để có kế hoạch phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm