Từ 15-7: Lãi suất khoản vay cũ về dưới 15%/năm

Tính đến ngày 30-6, tín dụng tăng trưởng chỉ ở mức 0,76% so với cuối năm 2011.

Từ 15-7: Lãi suất khoản vay cũ về dưới 15%/năm ảnh 1
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình:

Giảm lãi cho vay ngay!

Tính đến cuối tháng 5, tổng nợ xấu của toàn hệ thống chiếm 4,47% (tương đương 100.000 tỉ đồng) tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế (con số này cuối năm 2011 là 3,07%). Nợ xấu tăng lên do phát sinh từ các khoản nợ trước đây khi điều kiện thị trường không thuận lợi, hàng tồn kho tăng cao.

Tuy nhiên, 84% nợ xấu của toàn hệ thống được bảo đảm bằng tài sản thế chấp và tổng giá trị của tài sản thế chấp này bằng 135% giá trị nợ xấu. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tiến hành trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu khoảng 67.000 tỉ đồng.

Về nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp, có nhiều nguyên nhân, trong đó do tổng cầu trong và ngoài nước tăng thấp, DN gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều nên hạn chế khả năng hấp thụ vốn của ngân hàng (NH). Khả năng trả nợ NH của DN và hộ dân suy giảm, thanh khoản kém gây khó khăn cho hoạt động của các TCTD. Phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc từ bất động sản. Các NH có xu hướng quy định các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn tín dụng.

Mặt khác, hiện nay một số NH vẫn niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng ở mức cao hơn 12%. Dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tính đến hết tháng 6 đã giảm mạnh so với đầu năm. Cụ thể, lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng giảm 3%-6%/năm; lãi suất cho vay cũng giảm tương ứng. Nhưng thực tế, nhiều DN than chưa được hưởng lãi suất 13%-14% so với các hợp đồng vay mới và vẫn chịu lãi cũ ở mức rất cao cho các hợp đồng đã ký trước đây.

Tôi yêu cầu các NH điều chỉnh lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15%/năm kể từ ngày 15-7. Với khoản vay mới, lãi suất cho vay theo mặt bằng lãi suất huy động mới nhưng phải đảm bảo chất lượng tín dụng vay. Nhiều DN phàn nàn NH để chênh lệch lãi suất huy động và cho vay quá cao “ăn dày” quá. DN đã khó khăn, không có khả năng trả nợ gốc thì việc ghi lãi suất cao không có ý nghĩa gì. Đối với DN có thể vượt qua khó khăn mà NH vẫn duy trì lãi suất cao thì không phải là chia sẻ với DN.

Yêu cầu các TCTD tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; kiểm soát tỉ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích. Phấn đấu trong sáu tháng cuối năm đạt mức tăng trưởng tín dụng 8%-10%, thặng dư cán cân thanh toán quốc tế trên 3 tỉ USD. Sắp tới, NHNN sẽ ban hành giải pháp xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đưa ra giải pháp hợp lý xử lý nợ xấu của DN và NH tạo thêm thanh khoản cho nền kinh tế.

Từ 15-7: Lãi suất khoản vay cũ về dưới 15%/năm ảnh 2
Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Vietcombank:

Phải kéo lãi cho vay về 13%-15%/năm

Một trong những vấn đề cốt lõi khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp nằm ở hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, tiêu thụ trong nước giảm mạnh, nhất là thị trường bán lẻ. Do đó, sức chịu đựng của DN không đủ sức để tiếp tục mở rộng kinh doanh, giải phóng hàng tồn. Do đó, để giúp DN tiếp cận vốn, lãi suất cho vay thông thường phải kéo về mức 15%, lĩnh vực ưu tiên dao động 12%-13%/năm. Ngoài ra, Chính phủ nên sớm cơ cấu lại các DN, đặc biệt các DNNN bởi nợ xấu của đối tượng này tương đối cao.

Từ 15-7: Lãi suất khoản vay cũ về dưới 15%/năm ảnh 3
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank:

NH cứu DN cũng là tự cứu mình!

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, lãi suất cho vay cần đưa về 15%, nếu NH không chia sẻ với DN thì chắc chắn cả hai đều chết. NH cứu DN cũng là cách tự cứu mình. Tuy nhiên, NH cũng là một DN có tính chất đặc thù, sống trên niềm tin của người gửi tiền. Giải cứu DN cũng cần chọn mặt gửi vàng, không thể đưa đồng tiền của người gửi cho một DN yếu, phá sản vay được. Do đó, DN muốn tiếp cận vốn cũng cần có đủ điều kiện bằng các phương án bảo lãnh, thế chấp tài sản… Bên cạnh đó, NHNN cần tiếp tục thực hiện duy trì chính sách lãi suất thấp có kiểm soát, xử lý nợ với các DNNN như Vinashin nhanh hơn nữa, đồng thời thiết lập trung tâm mua bán nợ, phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm