Từ “án lệ” đến lời cảnh báo

Trong những năm qua, với không ít người sử dụng ĐTDĐ, chuyện bị quấy rối đã trở thành một vấn nạn đau đầu. Đủ kiểu quấy rối, từ nháy máy đến gọi điện thoại, nhắn tin hăm dọa, chửi bới, nói xấu, khiêu khích… triền miên. Nạn nhân bực tức, bất an, nhiều trường hợp khốn khổ vì bị khủng bố tinh thần cả năm trời, cuộc sống và sinh hoạt bị đảo lộn.

Gặp tình cảnh này, để đối phó, người thì nhờ nhà mạng can thiệp nhưng khổ một nỗi các nhà mạng thường chậm trễ xử lý và thiếu các biện pháp ngăn chặn dứt điểm. Người thì nhờ cơ quan bảo vệ pháp luật truy tìm kẻ quấy rối để xử lý theo pháp luật nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu vì các số điện thoại quấy rối hầu như toàn là thuê bao ảo, không xác định được danh tính.

Cuối cùng, người thì cắn răng chấp nhận sống chung với quấy rối, hy vọng một ngày đẹp trời nào đó những kẻ quấy rối sẽ “rủ lòng thương” hay “chán” mà “tha” cho. Người thì phải bỏ luôn SIM, đổi hẳn số để được yên thân, dù biết sẽ bị ảnh hưởng tới công việc, chuyện làm ăn…

Cũng đã từng có những cuộc họp giữa các ngành chức năng liên quan với các nhà mạng để bàn biện pháp chống và xử lý nạn quấy rối qua ĐTDĐ. Nhiều cái “khó lắm” đã được đưa ra và kết quả vẫn là… lúng túng! Để rồi người bị khủng bố tinh thần qua ĐTDĐ vẫn đành ngậm đắng nuốt cay ôm khối ức chế tâm lý mà gánh chịu một mình, không biết chia sẻ với ai.

Dù chưa biết phán quyết của tòa án sẽ ra sao nhưng ở một khía cạnh nào đó, vụ kiện nói trên của ông Thịnh vẫn có thể xem như một “án lệ” vì nó cho thấy một điều tích cực là nạn nhân của nạn quấy rối qua ĐTDĐ đã biết vận dụng quyền khởi kiện hợp pháp để bảo vệ mình với địa chỉ khởi kiện rất rõ ràng là nhà mạng. Mặt khác, nó cũng là lời cảnh báo cho các nhà mạng rằng cần phải có trách nhiệm hơn với khách hàng của mình. Khách hàng bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ, nhà mạng cung cấp dịch vụ thì phải có nghĩa vụ đề ra và thực thi các biện pháp hiệu quả để bảo vệ an toàn cho khách hàng trước nạn quấy rối qua ĐTDĐ.

TÙNG QUÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm