Tự biến mình thành “con mồi”

Từ những địa bàn nguy hiểm

Hàng năm, đội nghiệp vụ (Đội 3) thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP HCM đều lập nhiều chuyên án để triệt phá những băng cướp giật sừng sỏ nhất. Qua đó cho thấy, khu vực được xem là "mảnh đất màu mỡ" của bọn cướp giật tập trung ở các quận 5, 6, 11, Tân Phú, Bình Tân và Tân Bình.

Lý do là ở những địa bàn này tập trung nhiều dân nhập cư (có phường số lượng dân nhập cư chiếm đến 2/3 số dân) với đủ mọi thành phần phức tạp như nghiện ma túy, sống lang thang, gái mại dâm… Đặc biệt là hệ thống đường sá theo kiểu bàn cờ đan xen chằng chịt đã tạo điều kiện cho kẻ cướp dễ dàng tẩu thoát.

Bảy tên trong băng cướp giật bị bắt trong chuyên án 806G và loại tài sản thường xuyên bị cướp giật.
Bảy tên trong băng cướp giật bị bắt trong chuyên án 806G và loại tài sản thường xuyên bị cướp giật.

Một trong những chuyên án mà các trinh sát của đội 3 (nay là Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm) phải dày công thực hiện đó là chuyên án 603G kéo dài từ giữa năm 2006 đến gần cuối tháng 7/2007.

Vào khoảng thời gian này, trên địa bàn các quận 5, 6, 11, Bình Tân xuất hiện một băng cướp giật hoạt động khá táo bạo, đã gây ra nhiều vụ cướp giật tài sản của người đi đường.

Theo nguồn tin trinh sát, hàng ngày bọn cướp hẹn gặp nhau tại các điểm dịch vụ Internet để vừa chơi game vừa bàn kế hoạch gây án. Xong xuôi, bọn chúng gắn biển số giả vào xe gắn máy rồi chia nhau từng nhóm nhỏ rảo quanh các con đường.

Do chúng sử dụng xe "độ" phóng bạt mạng trên đường, gặp gì cướp nấy chứ không có kế hoạch cụ thể nên công tác trinh sát luôn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, bằng sự kiên trì đeo bám và quyết tâm hốt trọn ổ, cuối cùng các chiến sĩ Đội 3 đã kết thúc thành công chuyên án, bắt 7 tên (4 tên nghiện heroin) trong băng cướp gồm Hồ Minh Triều (tự Tý, 24 tuổi; ngụ phường 13, quận 6). Nguyễn Trần Quốc Bảo (Tý, tuổi; phường 13, quận 6), Cù Minh Thuận (Bờm, 21 tuổi; phường 13, quận 6), Nguyễn Thanh Phú (Phát Con, 19 tuổi, phường 13, quận 6), Lương Hồng Thắm (25 tuổi, An Lạc, Bình Tân), Trần Thanh Dũng (22 tuổi, phường 14, quận 8) và Hồ Tấn Trường (22 tuổi; phường 14, quận 8).

Qua lời khai của bọn cướp thì trong một tháng chúng thực hiện từ 10-20 vụ cướp giật lấy tiền để chơi game và hút chích heroin.

Chuyên án 603G kết thúc chưa được bao lâu, các trinh sát Đội 3 lại lao vào một chuyên án mới mang bí số 701G vì lúc này khu vực các quận nói trên lại xuất hiện một băng cướp giật mới do tên Lưu Thanh Xuân (21 tuổi, ngụ tại phường 14, quận 6) cầm đầu. Băng cướp này gồm có tất cả 9 tên ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Tuy có nhà cửa ở TP HCM nhưng do thiếu sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ nên chúng thường xuyên bỏ nhà đi bụi, cướp để kiếm tiền tiêu xài. Trước khi đi cướp, bọn chúng tập trung ở nhà Xuân để bàn bạc, phân công nhiệm vụ từng tên rồi lên đường hành động. Sau khi gây ra khoảng 20 vụ cướp giật, 9 tên cướp bị tra tay vào còng…

Thế nhưng sau đó khu vực này lại tiếp tục xuất hiện nhiều băng cướp giật mới cũng hoạt động với thủ đoạn tương tự. Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2008 đến nay đã có hàng chục băng cướp như vậy bị sa lưới. Trong đó nguy hiểm nhất là một băng cướp với hơn 10 tên nổi lên vào khoảng giữa tháng 7/2008. Vậy là Đội CSHS đặc nhiệm được phân công thực hiện chuyên án 806G.

Khác với năm 2007, Đội CSHS đặc nhiệm tuy mới ra đời vào giữa năm nay nhưng bằng bề dày kinh nghiệm đã nhanh chóng kết thúc chuyên án, bắt giữ 7 tên cướp giật là Nguyễn Minh Thiện (21 tuổi, ngụ tổ 106, khu phố 6, Bình Hưng Hòa, Bình Tân), Trần Anh Phúc (19 tuổi), Hoàng Đình Hạnh (tự "Cu Ba", 21 tuổi), Phạm Minh Vũ (20 tuổi), Trần Văn Tiến (22 tuổi), Nguyễn Quốc Nam (30 tuổi) cùng ngụ tại phường Bình Hưng Hòa (Bình Tân) và Vương Văn Hiệp (27 tuổi) ngụ tại Vĩnh Lộc A, Bình Chánh.

Tại cơ quan Công an chúng khai đã thực hiện tổng cộng 24 vụ cướp giật tài sản cũng ở địa bàn các quận nói trên.

Đến những cách phòng cướp giật

Xâu chuỗi lại hàng loạt các vụ cướp giật mà chúng tôi nắm được thì đối tượng mà bọn cướp nhắm đến là phụ nữ và tài sản bị cướp hầu hết là dây chuyền và điện thoại di động, phần ít còn lại là túi xách.

Thực tế là vậy nhưng hàng ngày khi đi công tác qua nhiều tuyến đường ở TP HCM, chúng tôi liên tục chứng kiến hình ảnh người đi đường vừa chạy xe vừa nghe điện thoại di động hay đeo dây chuyền, lắc vàng, túi xách. "Miếng mồi ngon" này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cướp giật không thuyên giảm dù ngành Công an nỗ lực hết mình để đấu tranh phòng, chống cướp giật.

Thiếu tá Phạm Văn Phòng, Phó Đội trưởng Đội CSHS đặc nhiệm (PC14, Công an TP HCM) khuyến cáo: "Để hạn chế tối ta nguy cơ bị cướp có thể xảy ra thì người lưu thông trên đường có đeo dây chuyền thì cần mặc áo kín cổ, đeo lắc vàng thì mặc áo dài tay. Còn nghe điện thoại di động nhất thiết phải tấp vào lề, ngó trước nhìn sau".

Còn đối với túi xách, thông thường là túi xách có nhiều tài sản mà trước đó bọn cướp đã theo dõi phát hiện chứ ít khi chúng giật túi xách một cách bộc phát. Trong trường hợp này, tuyệt đối không móc túi xách ở hai bên xe hoặc đeo trên vai vì như vậy khi bị giật có thể gây tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng. Để túi xách vào cốp xe hay có người theo bảo vệ là tương đối an toàn, nếu không thì có thể để giữa thân xe nhưng phải cột thật chặt.

Chỉ cần những biện pháp đơn giản như thế là mọi người có thể phòng được cướp giật đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Rất tiếc là hiện nay, ý thức này của người đi đường còn quá kém và không ít người đã tự chuốc họa vào thân.

Như vụ cướp xảy ra vào ngày 10/7, chị L.T.K.C. (ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12; đang mang thai 5 tháng) đeo sợi dây chuyền vàng 1,6 chỉ 18k lưu thông trên đường Nguyễn Thủ Đàm (quận Tân Phú) bị hai tên cướp Nguyễn Minh Thiện và Hoàng Đình Hạnh giật dây chuyền và gây tai nạn khiến chị C. phải vào bệnh viện cấp cứu…

Và một giải pháp khác cần nhanh chóng triển khai

Một sự bức xúc rất lớn hiện nay của người dân cũng như một số đơn vị Công an đó là việc xử lý "đầu ra" của bọn cướp giật, tức là các đối tượng tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu như siết chặt được khâu này thì ắt những tên tội phạm sẽ "không có lối ra", thậm chí còn sớm bị cơ quan Công an phát hiện và xử lý.

Song thực tế hiện nay, tài sản mà bọn cướp giật đều có đầu mối tiêu thụ được cơ quan Công an xác định rõ ràng nhưng khi chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát phê chuẩn khởi tố đều bị từ chối vì không đủ chứng cứ.

Điển hình như trong hai chuyên án cướp giật mang bí số 603G và 701G thì các đối tựơng đều khai bán lại cho tiệm vàng K.T.S. ở quận Bình Tân. Chủ tiệm vàng này cũng thừa nhận mình có mua hàng chục sợi dây chuyền bị đứt của khách hàng nhưng khăng khăng bảo mình mua nhầm chứ không hề có chủ ý mua tài sản do người khác phạm tội mà có.

Tương tự là cửa hàng điện thoại di động C. Th. ở đường 26-3 chuyên mua điện thoại di động của băng cướp trong chuyên án 806G nhưng anh ta cũng bảo "mua nhầm"…

Thế nhưng để chứng minh ý thức chủ quan của họ trong việc mua gian là rất khó. Bởi lẽ theo quy định hiện hành thì việc bán vàng, điện thoại di động cùng nhiều động sản khác thì người bán không phải chứng minh mình là chủ sở hữu.

Mặt khác, khi mua những tài sản này thường với giá rất "bèo" nên những người kinh doanh thiếu trong sáng rất dễ bị mờ mắt mà quên đi nghĩa vụ chung của mỗi công dân là góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm mang lại bình yên cho xã hội, cộng đồng dân cư.

Do vậy, để siết chặt "đầu ra" đối với những tài sản này, đòi hỏi ở mỗi địa phương cần phải tuyên truyền vận động đi vào chiều sâu đối với các chủ tiệm vàng, cầm đồ, cửa hàng điện thoại di động để họ có ý thức hơn trong việc phát hiện kẻ nghi vấn và báo cho cơ quan Công an xử lý.

Còn nhớ, trong năm 2007 và đầu năm 2008, TP HCM liên tiếp xảy ra nhiều vụ cướp tiệm vàng táo tợn, từ đó mà lãnh đạo Công an TP HCM, một mặt tăng cường công tác tuần tra, một mặt kêu gọi mọi người dân cần có ý thức tốt hơn để phòng, chống cướp và đã phát huy hiệu quả. Nhiều đối tượng cướp đã bị chính người dân phát giác và dũng cảm truy bắt; nhiều chủ tiệm vàng như tiệm vàng Kim Thành ở quận 12 giúp cơ quan Công an bắt tên trộm khi tên này mang bán số vàng có biểu hiện nghi vấn…

Tất cả những ý thức đó là tạo sự bình yên chung cho xã hội và tất nhiên cũng là bảo vệ an toàn cho chính gia đình mình.

Theo Mã Thanh Phong (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm