Tướng CA nói về đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX

Như đã đưa tin, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT (PC67, Công an TP Hà Nội), đã đưa ra ba đề xuất để giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông.

Ba đề xuất gồm: cấp 10 điểm cho mỗi tài xế, rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe (GPLX) từ 10 năm xuống năm năm và chuyển phần sát hạch thi GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Ngay sau khi đưa ra, các đề xuất của trưởng Phòng CSGT Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh một số ủng hộ, nhiều ý kiến cho rằng nó khó khả thi, thậm chí là gây phiền hà cho người dân.

Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cho rằng các đề xuất này chưa có tính thuyết phục.

Theo đó, vấn đề thời hạn của GPLX đã từng được bàn rất kỹ, thậm chí có nhiều tranh cãi và cuối cùng quyết định là 10 năm. Vì vậy, nếu rút xuống năm năm thì phải có sự cân nhắc rất kỹ lưỡng.

“Tôi cho rằng thời hạn GLPX dài hay ngắn không quan trọng, mà quan trọng là nó tác động thế nào đến mục tiêu giảm được ùn tắc hay TNGT. Tôi chưa thấy rõ được điều này” - Thiếu tướng Quân nói.

Thiếu tướng Trần Thế Quân cho rằng đề xuất rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe từ 10 năm xuống năm năm là chưa có tính thuyết phục.  

Bên cạnh đó, khi đưa ra đề xuất này, người dân sẽ rất lo ngại về các thủ tục hành chính để được cấp GPLX. Mặc dù hiện nay, điều kiện công nghệ thông tin đã được nâng cao hơn nhưng nhiều vấn đề sẽ nảy sinh trong quá trình làm thủ tục, dẫn đến tốn thời gian.

Thiếu tướng Quân cho rằng đề xuất của Trưởng PC67 cần phải có sự thuyết minh cũng như đánh giá kỹ hơn về tác động của đề xuất tới các mặt của đời sống.

Về lo ngại khó kiểm soát được sức khỏe của tài xế khi thời hạn GPLX là 10 năm, vị phó cục trưởng nhận định việc quản lý sức khỏe là rất cần thiết nhưng không nhất định phải làm theo cách như vậy. Bởi thực tế, việc khám sức khỏe cho lái xe hiện nay còn rất hình thức.

“Mỗi đơn vị có lái xe phải quản lý sức khỏe của tài xế thực chất hơn, chặt chẽ hơn, đặc biệt với tài xế xe có tải trọng lớn” - Thiếu tướng Quân nêu quan điểm.

Đối với cấp điểm cho tài xế, phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp cho biết đây không phải đề xuất mới. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng quy định này, tuy vậy để có thể triển khai ở Việt Nam thì còn rất nhiều vấn đề.

“Nếu làm không tốt thì cũng có thể phát sinh tiêu cực theo kiểu xin-cho. Chưa kể nếu áp dụng còn phải thay đổi cả hệ thống máy móc, hệ thống pháp luật và cả đội ngũ nhân lực để thực hiện” - Thiếu tướng Quân phân tích.

Vị phó cục trưởng không ngừng nhấn mạnh cần phải nghiên cứu toàn diện các yếu tố tác động cũng như tính thiết thực của các đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới