Đưa T. trở về nhà ngoài cán bộ công an, người bác ruột còn có anh Trần Đức Thành, Trưởng công an xã Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội. Anh Thành xuất hiện trước mắt T. như một vị cứu tinh.
Sau khi được giải cứu khỏi “động quỷ”, T. được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lào Cai. Đêm đầu tiên ở trung tâm, T. đã bỏ trốn, vùng chạy về phía cánh đồng gần đó. Rất nhiều cán bộ của trung tâm phải mò đi tìm T. và đến tận 2 giờ sáng hôm sau người ta mới đưa được T. về.
Dù vậy, T. vẫn tỏ ra đầy sức lực khi luôn đập phá, gào thét mỗi khi có đàn ông đến gần. Không một ai có thể tiếp cận được cô bé, trừ anh Thành, Trưởng công an xã Phụng Châu.
Đang trong cơn cuồng loạn, gào thét, chửi bới và định lao vào hành hung một cán bộ công an, chỉ vì anh này mặc chiếc áo sơ mi cổ Tàu, T. chợt dịu lại khi nhìn thấy anh Thành. T. nhận ra người đàn ông tốt bụng cùng thôn khi anh Thành cất giọng nhẹ nhàng hỏi: “T. có nhận ra chú không?”.
Cô gái vừa dịu lại ít phút lại la hét, đập phá khi anh Thành vô tình hỏi “T. có muốn ăn bánh bao không?”. Sau khi đã ăn no bụng, T. có vẻ tươi tỉnh hẳn. Cô đặc biệt ngoan ngoãn nghe theo lời người đàn ông mà cô gọi là “chú Thành, chồng cô giáo Bảy”.
Cô gái bắt đầu câu chuyện với anh Thành bằng những đoạn rời rạc, chủ yếu là anh Thành gợi chuyện cho T. kể. Vừa nghe, vừa động viên an ủi, anh Thành nhận ra cô gái chưa từng có bạn trai, chỉ vì phút nhẹ dạ đã phải hứng chịu quá nhiều tủi nhục.
Một cô thôn nữ yếu đuối như T. đã không chịu nổi sự dày vò khi cô bị mua bán qua tay nhiều chủ chứa. Có 3 người đàn ông vẫn "lởn vởn" trong đầu cô gái khi cô nhắc đến những tháng ngày làm "nô lệ tình dục" nơi đất khách. Cả ba người đàn ông đó cô đều gọi là “chồng”.
|
T. kéo quần chỉ những vết thương từng bị "chồng" đánh. |
|
Ngô Thị Hoa đã móc nối với Thắm và người đàn ông tên Hùng lừa bán các cô gái trẻ sang bên kia biên giới làm nô lệ tình dục. |
Đi tiếp được 140km nữa, T. lại tỉnh. Lần này, cô gái không còn hốt hoảng vì anh công an trót mặc áo cổ Tàu đã rút kinh nghiệm mà ngối khép vào một góc khuất trên xe.
2h sáng ngày 2/5, xe chạy về đến Hà Nội. Lúc này, thuốc ngủ mới ngấm, T. thiêm thiếp ngủ khi mọi người khiêng cô bé vào nhà rồi vội vã trở về, kết thúc một chuyến đi đầy căng thẳng.
Tương lai mịt mù dành cho cô gái trẻ
Kể từ ngày T. trở về, dường như ngoài người bác vẫn lui tới cặm cụi chăm sóc và dọn dẹp “bãi chiến trường” mà cô đập phá, bậy khắp nhà, không có ai dám lui tới ngôi nhà nhỏ ở cuối làng. Chỉ có anh Thành vẫn qua lại trò chuyện, động viên T.
Dường như cảm nhận được tấm lòng của người tốt, T. khoanh tay lễ phép nói “chú Thành là người tốt. Cháu cám ơn chú ạ” mỗi khi anh Thành ghé tăm cô. Trong những lúc tỉnh táo, T. trả lời mạch lạc những câu hỏi và tỏ ra rất lễ phép.
Được trở về mái nhà xưa thân thuộc của mình, dù căn nhà giờ đã trống hoác, chỉ có bộ bàn ghế và hai chiếc giường đã cũ rích, T. phục hồi khá nhanh. Cô gái không đủ tỉnh táo để nhận ra nỗi đau cùng lúc đã mất cả cha lẫn mẹ. Mọi người cũng gắng không nhắc đến chuyện đó trước mặt T.
Nhìn cái vẻ bình thản của T. khi cô đưa mắt xa xăm nhìn ra vườn cây trước nhà, chỉ vào từng cây rồi vanh vách đọc tên loài cây, miệng nở nụ cười tươi, có thể nhận thấy cô gái đã phần nào hồi phục.
Cô còn nhoẻn miệng cười động viên anh Trưởng công an xã: “Chú Thành đẻ thêm con gái đi” (anh Thành có hai con trai). Trong suốt cuộc trò chuyện, T. được cởi xích và ăn hoa quả. Cô gái lễ độ mời mọi người cùng ăn và tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép. Lúc đó nhìn cô, chẳng ai bảo cô dại, khi đôi mắt biết cười ánh lên niềm vui khó tả.
Nhưng cũng không ai dám chắc cô vui được mãi như thế, biết đâu, chỉ ngày mai thôi, khi những ký ức tối tăm lại ùa về, cô lại trở lên dữ tợn, phá phách. Nhìn cô cháu gái tội nghiệp, người bác thở dài: “Nếu nó không đỡ, tôi phải cho nó vào trại thương điên thôi. Một mình tôi với ba chị em nó, tôi không đủ sức…”.
Theo N.T (VNN)