Tuyên án sai, đính chính cũng… sai?

Sau một thời gian chung sống, gia đình bắt đầu nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên cuối cùng vợ chồng ông H. (Hà Nội) đã gửi đơn ra tòa thuận tình ly hôn và đòi chia tài sản.

Hủy sai nên đính chính

Xử sơ thẩm năm 2008, TAND quận Đống Đa (TP Hà Nội) đã chấp nhận sự thuận tình này. Sau đó, cấp phúc thẩm cũng đã y án sơ thẩm, tuyên bố hai vợ chồng được ly hôn.

Tuy nhiên, không đồng ý với phán quyết của hai cấp tòa về việc giao toàn bộ hai căn nhà cho người chồng - vì tài sản có trước hôn nhân - nên người vợ tiếp tục khiếu nại.

Ngày 1-4-2009, TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm hủy phần án liên quan đến việc chia tài sản trong hai bản án trên. Hai tháng sau, Tòa Dân sự (TAND Tối cao) ra quyết định giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Nhận được thông tin, TAND TP Hà Nội đã lập tức phản ứng, gửi kiến nghị lên TAND Tối cao đề nghị làm rõ vấn đề. Theo tòa, cả hai bên đương sự đã thuận tình ly hôn không có kháng cáo, kháng nghị, phần này đương nhiên có hiệu lực pháp luật. Giám đốc thẩm chỉ được hủy phần liên quan đến tài sản có kháng nghị chứ không thể hủy hết bản án. Tòa Dân sự TAND Tối cao hủy tất tần tật là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Sau kiến nghị này, nhận thấy có sai sót, thay mặt HĐXX giám đốc thẩm, thẩm phán chủ tọa đã ký công văn đính chính quyết định giám đốc thẩm trên rằng chỉ hủy một phần về tài sản của hai bản án sơ và phúc thẩm chứ không hủy toàn bộ.

Tuyên án sai, đính chính cũng… sai? ảnh 1

Đính chính là sai luật

Liên quan đến việc đính chính, Tiến sĩ Nguyễn Tiến, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, nhìn nhận việc làm công văn đính chính là vi phạm thủ tục tố tụng. Bởi theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.

Theo Tiến sĩ Tiến, trong trường hợp lỡ ra quyết định giám đốc thẩm nhầm thì nên làm công văn báo cho tòa cấp dưới biết để xử lại từ đầu chứ không đính chính.

Một thẩm phán TAND Tối cao cũng đồng tình việc sửa như vậy là đã can thiệp sâu vào nội dung bản án, không phải là chỉnh sửa sai sót về chính tả, tính nhầm con số... Lý ra trường hợp sai nội dung này thì cần phải để cấp sơ thẩm xử lại từ đầu. Đã sai mà tiếp tục làm đính chính thì càng sai hơn. Quy định hiện hành không cho phép chỉnh sửa nội dung bản án. Tòa nào chỉnh sửa nội dung bản án hoặc đính chính quyết định của mình đã tuyên trước đó làm thay đổi hoàn toàn nội dung vụ án là không thể chấp nhận.

Chỉ cho sửa khi sai chính tả, cộng nhầm...

Trước đây, Thông tư liên ngành số 981/TTLN (ngày 21-9-1993) của Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự có cho phép việc đính chính bản án, quyết định khi được cơ quan thi hành án yêu cầu. Tuy nhiên, khi giải thích những điểm chưa rõ, đính chính sai, sót về số liệu, tòa án cũng không được sửa đổi, bổ sung bản án, quyết định. Hiện nay thông tư này đã hết hiệu lực pháp luật.

Hiện Nghị quyết 02 của HĐTP TAND Tối cao (ngày 12-5-2006) cũng hướng dẫn cụ thể nếu phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự… Số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như cộng, trừ, nhân, chia sai… thì phải sửa lại cho đúng. Không cho phép can thiệp vào nội dung bản án.

Thực tế, công văn đã đính chính phần nội dung quan trọng là hủy một phần hay toàn bộ hai bản án của cấp sơ và phúc thẩm. Điều này vi phạm nghiêm trọng điều cấm của pháp luật, cần phải thu hồi.

Luật sư NGUYỄN THÀNH VĨNH, Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.